Áp dụng cải tiến năng suất, chất lượng tổng thể, May Nam Hà tăng trưởng 17% doanh thu
Nhờ sớm áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến cũng như xây dựng mô hình cải tiến năng suất, chất lượng tổng thể, Công ty CP May Nam Hà đã không ngừng tăng trưởng về doanh thu, năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Coi nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá là yếu tốt then chốt quyết định hiệu quả kinh doanh, Công ty cổ phần May Nam Hà đã sớm đi đầu ngành Dệt may với việc áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng như: ISO 9000, ISO 9001, ISO 14000, SA 8000, 5S, TPM, Lean, KPI, Lean 6 Sigma, Kaizen.
Năm 2018-2019, với sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương và Viện Năng suất Việt Nam (VNPI), Công ty tiếp tục xây dựng một mô hình nâng cao năng suất chất lượng tổng thể với việc tham gia “Dự án áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng” của Bộ Công Thương nhằm cải tiến toàn diện hoạt động năng suất chất lượng của Công ty.
Mô hình nâng cao năng suất tổng thể của May Nam Hà được triển khai dựa trên cách tiếp cận chu trình P-D-C-A. Trong đó, “P” (Plan) là việc lập kế hoạch, “D” (Do) là thực hiện các kế hoạch đã đề ra, “C” (Check) có nghĩa là kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch và cuối cùng “A” (Act) là thực hiện điều chỉnh, cải tiến thích hợp, sau đó bắt đầu lại việc lập kế hoạch điều chỉnh này và thực hiện lại chu trình P-D-C-A mới.
Công ty đã lựa chọn các giải pháp như: Cải tiến hiệu quả máy móc; cải tiến quy trình sản xuất; đào tạo nâng cao nhận thức của người lao động… Các công cụ cải tiến năng suất được May Nam Hà áp dụng cải tiến ở tất cả những bộ phận, công đoạn, khâu sản xuất.
May Nam Hà đã thống nhất tiêu chuẩn cho từng mã hàng và hệ thống hóa các lỗi cuối chuyền, trong chuyền, đưa ra biện pháp phòng, chống lỗi bằng Kaizen để hạn chế việc lỗi lặp lại và hạn chế làm lại trong chuyền. Nhờ đó, tỷ lệ lỗi đã giảm từ 12% xuống 7,6%, năng suất có mặt hàng tăng đến 25% so với trước đây.
Thay vì thiết kế chuyền sản xuất theo kinh nghiệm, May Nam Hà đã đầu tư một phần mềm quản lý sản xuất, sử dụng để thiết kế bản sắp xếp chuyền tối ưu trước khi vào một mã hàng mới. Công ty cũng xây dựng các hướng dẫn vận hành để hỗ trợ đào tạo công nhân, giúp công nhân có thể thực hiện được một số thao tác căn chỉnh máy, giảm bớt sự hỗ trợ của kỹ thuật…
Nhờ đó, thời gian chuyển đổi mã hàng của Công ty đã giảm từ 2-3 tiếng/mã hàng trước đây, xuống còn 30-60 phút/mã hàng, tùy vào tính đơn giản hay phức tạp của mã hàng. Tổng thời gian chuyển đổi giảm từ 8 tiếng xuống còn 4 tiếng.
Cùng với đó, Công ty cũng đã nghiên cứu đầu tư hệ thống chuyền treo thông minh, bố trí thiết bị theo dạng dòng chảy, bán thành phẩm tự động di chuyển đến các trạm sản xuất. 80% công đoạn đã được đưa lên chuyền thông minh, tăng gấp đôi so với trước.
Việc sớm áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến cũng như xây dựng mô hình cải tiến năng suất, chất lượng tổng thể, chỉ tính riêng trong năm 2019, năng suất tổng thể của May Nam Hà đã tăng lên 23%, doanh thu sản xuất tăng 17%, thu nhập bình quân người lao động tăng 23%, tỷ lệ sản phẩm lỗi khi kiểm xuất giảm được 13% so với năm 2018...
Nhấn mạnh vai trò của việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ông Đoàn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Cổ phần May Nam Hà cho biết, việc tạo ra các động lực cải tiến là một quá trình liên tục, bền bỉ. Đó là điều mà Công ty rút ra trong suốt chặng đường 10 năm hành trình cải tiến liên tục bắt đầu từ hệ thống ISO 9001 đến công cụ nền tảng như 5S hoặc TPM. Mỗi mô hình và công cụ đã đóng góp một phần cho sự thành công của công ty ở một giai đoạn phát triển nhất định.
Những kết quả tích cực về tăng trưởng doanh thu, năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của Công ty Cổ phần May Nam Hà minh chứng cho nhận thức đúng đắn của lãnh đạo công ty khi quyết định đẩy nhanh dụng các mô hình, công cụ cải tiến cũng như xây dựng mô hình cải tiến năng suất, chất lượng tổng thể. Đó cũng là kinh nghiệm quý báu cho nhiều doanh nghiệp để có thể thay đổi, vươn mình và khẳng định vị thế trên thương trường.