Bàn về đầu tư vào năng lượng tái tạo góp phần phát triển kinh tế bền vững

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 9/2020

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển về năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nguồn năng lượng từ sức gió, năng lượng mặt trời.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Các nguồn năng lượng này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách về phát triển năng lượng tái tạo hiện nay còn chồng chéo, chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, cần sớm có chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Tầm quan trọng của hoạt động đầu tư năng lượng tái tạo đối với phát triển kinh tế

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đưa ra khái niệm: “Năng lượng tái tạo là năng lượng được khai thác từ nước, gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển, nhiên liệu sinh học và các nguồn tài nguyên năng lượng có khả năng tái tạo khác”. Khái niệm năng lượng xanh và năng lượng sạch thường được sử dụng để phân biệt các nguồn năng lượng khi đánh giá tác động của năng lượng đến môi trường.

Ngày 25/11/2015, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, một trong các quan điểm phát triển là “chú trọng sử dụng các công nghệ đã được kiểm chứng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, khí sinh học để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cung cấp có hiệu quả điện năng cho hệ thống điện quốc gia và nhiệt năng cho nhu cầu nhiệt trong sản xuất và sinh hoạt”.

Bàn về đầu tư vào năng lượng tái tạo góp phần phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 1

Thực tế cho thấy, các nguồn năng lượng này đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu khí đang dần cạn kiệt. Trong bối cảnh đó, sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo đã mang lại những lợi ích sau: Góp phần tích cực giảm thiểu tác động đến môi trường, biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển kinh tế - xã hội đất nước; giải quyết việc làm; nâng cao trình độ cho người lao động trong nước. Để hiểu rõ hơn về hoạt động đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, tác giả phân tích tình hình đầu tư vào năng lượng mặt trời; năng lượng gió; năng lượng sinh khối.

Năng lượng mặt trời

Nguồn điện mặt trời là quá trình biến năng lượng từ ánh sáng mặt trời thành điện năng. Với tổng số giờ nắng cao khoảng trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam, đây là cơ sở tốt cho phát triển ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời.

Hiện nay, cả nước có 88 dự án mặt trời đang vận hành, tổng công suất là gần 6.000 MW, chủ yếu tập trung ở miền Nam, cụ thể ở Nam Trung Bộ. Chỉ riêng hai tỉnh là Ninh Thuận và Bình Thuận, tổng công suất đã chiếm tới hơn 42%. Các nhà máy có công suất trong khoảng từ 50-100 MW đóng vai trò quan trọng nhất. Khảo sát cho thấy, để khai thác lợi thế từ ánh sáng mặt trời ở Việt Nam, tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận chủ trương đầu tư 48 dự án điện mặt trời, trong đó có 18 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Riêng Tập đoàn Thiên Tân đã có 5 dự án tại tỉnh Ninh Thuận với tổng trị giá gần 2 tỷ USD. Còn Tập đoàn TTC đề ra kế hoạch xây 20 dự án điện mặt trời, tại tỉnh Tây Ninh (324 MW), Bình Thuận (300 MW), Ninh Thuận (300 MW).

Năng lượng gió

Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/giây, ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512 GW. Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65m là 7-8 m/giây), có thể tạo ra hơn 110 GW. Tiềm năng năng lượng gió tập trung nhiều nhất tại vùng Duyên hải miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên và các đảo (Bảng 1).

Các trang trại tua bin gió tại đảo Phú Quý và Bạc Liêu đã hoạt động tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trang trại gió biển hiện đóng góp ngân sách cho các địa phương như tỉnh Bạc Liêu (với 99 MW) đạt 76 tỷ đồng/năm, khi hoàn thành trang trại gió 400 MW sẽ lên tới gần 300 tỷ đồng mỗi năm. Tỉnh Cà Mau với 300 MW cũng sẽ thu được hơn 200 tỷ đồng/năm.

Năng lượng sinh khối

Ở Việt Nam, hiện nay, các loại sinh khối chính gồm: Gỗ năng lượng, phế thải - phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải ở đô thị và các chất thải hữu cơ khác. Khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng ở Việt Nam đạt khoảng 150 triệu tấn mỗi năm. Năng lượng sinh khối quy đổi tương đương khoảng 43-46 triệu tấn dầu, trong đó 60% đến từ các phế phẩm gỗ và 4% đến từ phế phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp, tương đương 10 triệu tấn dầu/năm. Tiềm năng khí sinh học xấp xỉ 10 tỷ m3 năm có thể thu được từ rác, phân động vật và chất thải nông nghiệp.

Khó khăn, hạn chế trong đầu tư năng lượng tái tạo

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam trong thời gian qua cũng gặp phải một số khó khăn, hạn chế, cụ thể như sau:

Một là, việc lập quy hoạch và bổ sung các dự án năng lượng tái tạo còn chưa phù hợp với khả năng triển khai trên thực tế; sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch phát triển điện lực với quy hoạch các lĩnh vực hạ tầng khác; quy trình xem xét, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thường kéo dài và tốn thời gian.

Hai là, khung khổ pháp lý về năng lượng tái tạo còn thiếu đồng bộ nên chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Ba là, về quy trình cấp phép đầu tư, phát triển, xây dựng, vận hành dự án mất nhiều thời gian và phức tạp đối với các nhà đầu tư tư nhân, trong đó có các thủ tục về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng thường khó khăn, mất nhiều thời gian. Điều này ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư ở Việt Nam. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả thu hút và quản lý đầu tư chưa thực sự cao…

Bốn là, doanh nghiệp dự án là đơn vị trung tâm trong việc tham gia vào các quan hệ hợp đồng với các bên khác có liên quan. Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế, phân bổ rủi ro và cơ chế chia sẻ trong hợp đồng mua bán điện còn chưa theo kịp tình hình thực tiễn.                           

Năm là, về chính sách giá điện, pháp luật hiện hành quy định về mức giá mua điện FiT (các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện) đối với từng nguồn năng lượng mà Việt Nam có tiềm năng tốt như: Điện mặt trời, điện gió; điện sinh khối, điện từ chất thải rắn; thủy điện nhỏ) còn cao so với thu nhập của người dân.

Sáu là, những khó khăn, thách thức khác như: Hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hệ thống tổ chức bộ máy và năng lực thu hút, quản lý đầu tư còn có khó khăn, phân tán...

Giải pháp đẩy mạnh đầu tư phát triển năng lượng tái tạo

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, Chính phủ sớm ban hành các định hướng vĩ mô liên quan đến Chiến lược phát triển ngành năng lượng nói chung và ngành Điện nói riêng, bao gồm: (i) Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (ii) Chiến lược phát triển ngành Điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (iii) Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng có ý nghĩa quyết định để hiện thực hóa Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Hai là, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung kịp thời Luật Dầu khí, Luật Điện lực, Luật Khoáng sản và một số luật có liên quan khác theo hướng: (i) Hạn chế sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các bộ luật, bằng cách xây dựng sao cho luật chuyên ngành điều chỉnh toàn bộ hoạt động trong lĩnh vực của chuyên ngành đó; (ii) Nhấn mạnh sự quản lý bằng pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước và hạn chế tối đa sự can thiệp của Nhà nước (các bộ, ngành, địa phương) vào lĩnh vực sản xuất của các chủ thể điện, than, dầu khí; (iii) Hạn chế tối đa các văn bản “diễn giải luật”, cũng như các thông tư hướng dẫn chồng chéo của các bộ, ngành; (iii) Xác định rõ một đầu mối chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và Nhân dân về an ninh năng lượng quốc gia để đảm bảo thống nhất trong điều hành, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển năng lượng; (iv) Có cơ chế rõ ràng và chế tài đủ mạnh để ràng buộc trách nhiệm các bên liên quan trong quá trình chấp hành luật pháp và triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước trong khâu cung - cầu điện. Gắn trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án được giao. Quy định cụ thể trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương về tuân thủ Quy hoạch phát triển điện lực để tránh tình trạng quy hoạch bị phá vỡ xuất phát từ các nguyên nhân mang tính cục bộ.

Ba là, thúc đẩy hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh theo cơ chế giá thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 55/NQ-TW, đó là: “Phát triển ổn định và bền vững các ngành Điện, than, dầu khí; chống mọi hình thức độc quyền; tạo ra sự cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh điện, than, dầu khí; và minh bạch trong quản lý năng lượng”.

Bốn là, đổi mới tư duy, cách tiếp cận và phương pháp lập triển khai thực hiện quy hoạch năng lượng. Gắn trách nhiệm của các bộ quản lý ngành vào tính khả thi của các quy hoạch năng lượng. Chấm dứt tình trạng lập quy hoạch chỉ để “cấp phép”, quản lý quy hoạch theo kiểu “hòa cả làng”...

Tóm lại, việc đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và tăng nguồn cung cấp năng lượng trong nước sẽ góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường, Hà Nội;

2. Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, Hà Nội.

3. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, Hà Nội;

4. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 2068/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội.

5. Bộ Công Thương (2019), Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 quy định thực hiện phát triển điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió, Hà Nội;

6. Doãn Hồng Nhung (2015), Quyền con người trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường với vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam, NXB Tư pháp.