Bàn về hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Đại học Kinh tế Quốc dân

Hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đối diện với các thách thức, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ. Để khởi nghiệp thành công đòi hỏi nhiều yếu tố, quan trọng nhất là người khởi nghiệp cần được đào tạo, tư vấn và hỗ trợ kiến thức chuyên môn trước khi tiến hành các hoạt động khởi nghiệp. Với mục đích đánh giá tình hình khởi nghiệp và giáo dục khởi nghiệp tại Việt Nam thời gian qua, bài viết giúp các nhà cải cách, các nhà giáo dục và các nhà quản lý có thêm cách nhìn mới đúng hơn về bản chất của hoạt động khởi nghiệp và sự cần thiết của việc đào tạo kiến thức về khởi nghiệp trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khởi nghiệp đang là chủ đề nhận được nhiều quan tâm tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh quốc gia hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới. Khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sự tăng trưởng kinh tế, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng  tăng và đa dạng của xã hội, tạo ra nhiều việc làm cho cộng đồng và xã hội.

Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, hiện các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là các dự án khởi nghiệp của các doanh nghiệp (DN) xã hội vẫn còn chung chung, chưa đi vào bản chất của việc khởi nghiệp nên nhiều dự án chưa thành công. Hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam còn mang tính phong trào, thiếu thống nhất.

Khởi nghiệp và đặc điểm của khởi nghiệp

Khởi nghiệp là xu thế chung của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với bối cảnh nền kinh tế hội nhập, người dân có điều kiện tiếp cận các cơ hội kinh doanh đa dạng và liên tục, khởi nghiệp được coi là một cách thức hiệu quả để xử lý các vấn đề xã hội và đồng thời tạo ra các giá trị mới cho nền kinh tế.

Với nhiều người, khởi nghiệp được hiểu đơn giản là theo đuổi những quyết định mạo hiểm trong tương lai. Khởi nghiệp là quá trình không thể thiếu trong kinh doanh nhưng do tính chất rủi ro nên không phải DN nào khởi nghiệp cũng thành công.

Khởi nghiệp cũng được hiểu là những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh và khởi nghiệp là một tổ chức thiết kế nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong những điều kiện không chắc chắn (Wikipedia, 2018) hoặc là sự sẵn sàng mạo hiểm và sáng tạo để thành lập doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất nhằm tìm kiếm lợi nhuận (Businessdictionary, 2018).

Bàn về hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam - Ảnh 1Tại Việt Nam, quan điểm phổ biến nhất cho rằng, khởi nghiệp là sự bắt đầu của một nghề nghiệp và tạo nền tảng cho một sự nghiệp. Còn theo quan điểm mới nhất được trình bày tại Dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, khởi nghiệp được coi là quá trình thực hiện ý tưởng kinh doanh, gồm quá trình thành lập và vận hành DN trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Các hoạt động khởi nghiệp đều tiềm ẩn rủi ro và thực tế chỉ ra rằng, không phải tất cả các hoạt động khởi nghiệp đều thành công. Do đó, trước khi tập trung vào việc làm cách nào để khởi nghiệp, cần chắc chắn rằng, đã nắm bắt được tất cả các đặc điểm của hoạt động khởi nghiệp (Hình 1). Những đặc điểm này bao gồm:

- Sự đột phá: Bản chất của quá trình khởi nghiệp là quá trình hiện thực hoá ý tưởng kinh doanh giữa những người đam mê sáng tạo. Vì vậy, khởi nghiệp hướng tới việc gia tăng giá trị cạnh tranh thông qua việc tạo ra một sản phẩm chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một sản phẩm với giá trị tốt hơn so với những thứ sẵn có.

- Sự tăng trưởng: Một DN khởi nghiệp sẽ không đưa ra giới hạn cho sự tăng trưởng mà hướng tới việc tăng trưởng ở mức lớn nhất có thể. Do đó, các DN khởi nghiệp được đánh giá là người mở đường, người khai phá thị trường và thường tạo ra ảnh hưởng lớn, định hình cho các DN khác cho quá trình đầu tư.

Bàn về hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam - Ảnh 2

- Vốn ban đầu: Cũng giống như các hoạt động đầu tư khác, vốn ban đầu là đặc điểm rất cần thiết để tiến hành khởi nghiệp. Nguồn vốn cho hoạt động khởi nghiệp khá đa dạng và được chia thành 2 nguồn chính: Nguồn vốn đến từ chính nội bộ vốn góp của những người sáng lập và nguồn vốn đến từ đóng góp từ bên ngoài.

Đối với trường hợp các DN khởi nghiệp, nguồn vốn đến từ đóng góp từ bên ngoài có thể đến từ gia đình, bạn bè, hoặc cũng có thể đến từ hình thức gọi vốn từ cộng đồng. Tuy nhiên, gần như tất cả các DN khởi nghiệp đều cần huy động vốn từ các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư mạo hiểm.

- Công nghệ: Đối với các DN khởi nghiệp, công nghệ được ứng dụng trong việc đạt được mục tiêu kinh doanh, tham vọng tăng trưởng. Đặc biệt, với các DN khởi nghiệp về sản xuất, công nghệ thường được nhấn mạnh như là một đặc tính tiêu biểu, một giá trị cạnh tranh của các sản phẩm.

 Tình hình khởi nghiệp tại Việt Nam

Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện trực tiếp thông qua số thương vụ được nhận đầu tư và các lĩnh vực khởi nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian vừa qua (Hình 2).

Tại Việt Nam, những ghi nhận đầu tiên về các thương vụ đầu tư cho DN khởi nghiệp được bắt đầu từ năm 2011 và được thống kê liên tục cho đến thời điểm hiện tại.

Tính đến hết năm 2017, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã ghi nhận có 92 thương vụ đầu tư với tổng giá trị là gần 300 triệu USD, tăng gần 2 lần so với số thương vụ của năm 2016 và tăng hơn 9 lần so với năm 2011.

Đồng thời, năm 2017 cũng ghi nhận sự thay đổi trong trào lưu đầu tư vào các DN khởi nghiệp so với năm 2016. Thống kê về 6 lĩnh vực khởi nghiệp nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các nhà đầu tư chỉ ra hai xu hướng sau:

Một là, sự quan tâm của các nhà đầu tư với các lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam thay đổi theo thời gian. Cụ thể, trong số 6 lĩnh vực được quan sát chỉ có thương mại điện tử, công nghệ tài chính và truyền thông duy trì được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong giai đoạn 2016-2017, còn lại các lĩnh vực khác đã có sự biến động mạnh.

Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đánh giá tích cực về tiềm năng khởi nghiệp trong các lĩnh vực được đánh giá là tiến bộ tại Việt Nam và phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa trên thế giới.

Hai là, sự quan tâm của các nhà đầu tư với cùng một lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam cũng thay đổi theo thời gian. Công nghệ tài chính và thương mại điện tử là các lĩnh vực đánh dấu sự đảo chiều rõ rệt nhất.

Năm 2016 được đánh giá là năm của các DN khởi nghiệp về công nghệ tài chính. Lĩnh vực này nhận được nhiều khoản đầu tư nhất với 129,1 triệu USD, chiếm 63,8% tổng số tiền đầu tư. Cũng trong năm 2016, lĩnh vực thương mại điện tử đứng thứ hai với chỉ 34,7 triệu USD, bằng 26,87% so với lĩnh vực công nghệ tài chính.

Đến hết năm 2017, lĩnh vực thương mại điện tử vươn lên dẫn đầu với 83 triệu USD, chiếm 33% số vốn đầu tư. Còn lĩnh vực công nghệ tài chính chỉ nhận được 57 triệu USD tiền đầu tư, bằng 50% so với năm 2016, tụt xuống xếp hạng thứ hai.

Giải pháp để khởi nghiệp thành công

Môi trường và hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam còn non trẻ so với thực tế phát triển của thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, với bối cảnh nền kinh tế phát triển cùng mục tiêu thực hiện quốc gia khởi nghiệp với cơ cấu dân số vàng.

Vấn đề được đặt ra hiện nay là Việt Nam đang thiếu những giải pháp căn bản và đồng bộ để kết nối giáo dục với hoạt động kinh doanh và khởi nghiệp; Thiếu các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ các bên liên quan và đặc biệt là thiếu những giải pháp tạo dựng văn hóa khởi nghiệp cho giới trẻ.

Để xây dựng được tinh thần và văn hóa khởi nghiệp tại Việt Nam, cần chú trọng giải quyết một số vấn đề sau:

Thứ nhất, có chương trình chuẩn về giáo dục đào về khởi nghiệp ngay từ bậc phổ thông để giúp cho giới trẻ hình thành tinh thần khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Đồng thời, hệ thống giáo dục cần được điều chỉnh theo hướng gắn thực tế với lý thuyết, gắn giáo dục đào tạo với hoạt động thực tiễn để đề cao tinh thần tự chủ và thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp cho mỗi bản thân người học.

Bàn về hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam - Ảnh 3

Bên cạnh đó, việc xây dựng chương trình, lộ trình cụ thể để nâng cao nhận thức và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho toàn dân là điều cần thiết để hoạt động khởi nghiệp tiếp cận được mọi đối tượng dân cư.

Thứ hai, có các chính sách nhất quán, đồng bộ và liên tục từ cơ quan quản lý các cấp trong việc tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp.

Cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò là người điều chỉnh và kết nối để những người có mong muốn, nhu cầu khởi nghiệp có thể tìm đến nhau hoặc kết nối được với những đối tác sẵn sàng hỗ trợ về nguồn lực để họ khởi nghiệp. Thực hiện được điều này sẽ đảm bảo cho hoạt động khởi nghiệp diễn ra một cách bền vững và liên tục.

Thứ ba, phát huy tinh thần chủ động và vai trò tích cực của khu vực kinh tế tư nhân. Đây là khu vực giúp giải quyết chủ yếu các vấn đề xã hội và việc làm cho nền kinh tế. Bản thân của những người làm chủ các các DN tư nhân được đánh giá là những nhà doanh nhân khởi nghiệp thành công.

Vì vậy, cần tạo điều kiện cho nhóm DN này phát triển, được nhận hỗ trợ về chuyên môn và nguồn lực để tiến hành sản xuất kinh doanh hiệu quả cũng được đánh giá là một giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trên toàn đất nước.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội Việt Nam (2017), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

2. Topica Founder Institute (2016), Báo cáo thường niên về tình hình khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2016;

3. Topica Founder Institute (2016), Báo cáo thường niên về tình hình khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2017;

4. Từ điển trực tuyến Wikipedia, Businessdictionary (2018), Khái niệm khởi nghiệp;

5. VCCI (2013), Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam năm  2013;

6. VCCI (2014), Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam năm  2014;

7. VCCI (2015), Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam năm  2015.