Bàn về xu hướng phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu

Nguyễn Thanh Sơn - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam dự kiến đạt khoảng 9 tỷ USD và đến năm 2020 là 10 tỷ USD. Nghiên cứu hoạt động xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nước ta những năm gần đây, có thể thấy, sự khởi sắc của ngành Gỗ có động lực từ việc chuyển dịch các đơn hàng. Để phát huy tối đa lợi thế ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ, bài viết nhận diện các xu hướng nhằm giúp ngành Gỗ Việt Nam tận dụng hiệu quả các cơ hội cũng như ứng phó kịp thời trước các thách thức trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tình hình phát triển ngành Công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu

Trong gần một thập kỷ trở lại đây, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành năng động và thành công nhất trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Nếu như năm 2004, xuất khẩu gỗ của Việt Nam lần đầu tiên lọt vào danh sách “ngành xuất khẩu tỷ đô”, thì 10 năm sau, kim ngạch xuất khẩu gỗ đã tăng gấp 6 lần, đạt 6,2 tỷ USD. Theo dự tính của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam năm 2018 đạt khoảng 9 tỷ USD và năm 2020 là 10 tỷ USD.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng cho thấy, năm 2017, ngành Gỗ thiết lập mức kỷ lục mới, đạt gần 8 tỷ USD. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,7 tỷ USD (tăng 12,6% so với năm 2016), 300 triệu USD còn lại là giá trị xuất khẩu các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như “sản phẩm mây tre, cói và thảm”.

Đây là thành tích ấn tượng, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một số biến động, với xu thế đi ngược lại với toàn cầu hóa, hạn chế hội nhập, bảo hộ sản xuất trong nước tại một số thị trường nhập khẩu chính.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành Gỗ Việt Nam năm 2017 tăng cao bắt nguồn từ việc mở rộng xuất khẩu đối với các mặt hàng đồ gỗ. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm này tăng trên 15% về kim ngạch so với năm 2016. Lượng gỗ tròn sử dụng trong các sản phẩm xuất khẩu tăng nhanh, từ con số 10,9 triệu m3 quy tròn lên tới 12 triệu m3, tương đương với 10%.

Bàn về xu hướng phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu - Ảnh 1

Gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Bốn quốc gia có kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt cao là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong năm 2017, kim ngạch từ 4 thị trường này lên tới trên 5,8 tỷ USD, chiếm gần 76% trong tổng lượng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ tất cả các thị trường.

Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017, riêng Mỹ chiếm 40,2% (tương đương 3,08 tỷ USD), tăng trưởng về kim ngạch từ thị trường này là 13,6% so với 2016; Trung Quốc chiếm 14,2% (tương đương 1,085 tỷ USD), tăng trưởng về kim ngạch từ thị trường này là 5,7% so với 2016.

Liên minh châu Âu (EU) cũng là một trong những thị trường quan trọng của Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch từ thị trường này chiếm 9,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Ngành, tăng 2,6% so với năm 2016.

Mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt kim ngạch cao nhất là đồ gỗ nội thất, ghế và dăm gỗ. Trong đó, đồ gỗ (gồm ghế và nội thất) là các mặt hàng thuộc có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong tất cả các mặt hàng xuất khẩu. Năm 2017, giá trị xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm này đạt 5,2 tỷ USD, chiếm trên 68% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Lượng gỗ sử dụng trong các sản phẩm cũng rất lớn, tương đương với 12 triệu m3 gỗ quy tròn. Cụ thể, giá trị kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ nội thất/bộ phận đồ gỗ nội thất (trừ ghế) năm 2017 đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 8,6% so với giá trị năm 2016 và 11,8% so với năm 2015; Giá trị kim ngạch xuất khẩu ghế ngồi xuất khẩu năm 2017 đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng trên 19% so với giá trị năm 2016 và 26% so với giá trị năm 2015.

Nhìn chung, ngành chế biến xuất khẩu gỗ ở Việt Nam đang có những dịch chuyển theo hướng tăng cả lượng và chất. Đây là tín hiệu quan trọng phản ánh sự dịch chuyển theo hướng phát triển bền vững trong tương lai của ngành Gỗ Việt Nam.

Giải pháp phát huy tối đa lợi thế ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu

Mặc dù, đang trong đà tăng trưởng nhưng tương lai ngành chế biến gỗ xuất khẩu của nước ta có thể sẽ đối diện với không ít khó khăn do thay đổi diễn ra tại các thị trường xuất khẩu, nhất là đối với 4 thị trường quan trọng như:

Thị trường Hoa Kỳ: Thị trường tiêu thụ khoảng 20% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của cả Việt Nam. Thặng dư trong cán cân thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đạt khoảng 32 tỷ USD mỗi năm. Mức thặng dư này, cộng với xu hướng đầu tư từ Trung Quốc vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam, có thể tạo ra những mối quan tâm đặc biệt từ Hoa Kỳ.

Thực tế này đặt ra yêu cầu ngành Gỗ và các cơ quan quản lý của Việt Nam cần có sự chuẩn bị thích hợp, nhằm giảm thiểu những thay đổi trong xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Vấn đề cần lưu tâm đối với thị trường này là chính sách thương mại của Tổng thống Trump theo hướng giảm thâm hụt thương mại, bảo hộ mậu dịch, khuyến khích sản xuất trong nước.

Bàn về xu hướng phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu - Ảnh 2

Các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản: Hiện nay, Trung Quốc đã áp dụng quy định chỉ có gỗ hợp pháp được sử dụng trong các cơ quan công quyền và cân nhắc áp dụng chính sách từng bước trong việc kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ sử dụng tại nước này trong thời gian tới.

Chính phủ Nhật Bản ban hành Đạo luật Gỗ sạch có hiệu lực kể từ tháng 5/2017. Hiện các văn bản hướng dẫn áp dụng Đạo luật Gỗ sạch đang dần được Chính phủ Nhật Bản rà soát, điều chỉnh hoàn thiện. Tương tự, Chính phủ Hàn Quốc cũng ban hành Đạo luật Sử dụng gỗ bền vững và đạo luật này có hiệu lực kể từ tháng 3/2018.

Việc thực thi các Đạo luật này đồng nghĩa với việc áp dụng các biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này tác động rất lớn đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam trong thời gian tới.

Việc giảm xuất khẩu gỗ tròn/đẽo vuông thô và gỗ xẻ là tín hiệu đáng mừng, nhưng điều này cho thấy sự khó khăn trong việc hạn chế xuất khẩu nguồn gỗ nguyên liệu thô có nguồn gốc từ Việt Nam. Năm 2017, các doanh nghiệp Việt Nam đã phải chi ra khoảng 2,1 tỷ USD để nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Con số này tương ứng với khoảng 28,3% của tổng kim ngạch xuất khẩu. Thực tế này cho thấy, viễn cảnh, thặng dư thương mại trong xuất nhập khẩu của ngành Gỗ có khả năng sẽ bị co hẹp trong tương lai.

Để vượt qua những khó khăn, thách thức, ngành công nghiệp gỗ chế biến xuất khẩu cần phát huy tối đa các lợi thế của mình, điều quan trọng là cần nâng cao tính cạnh tranh của Ngành. Đảm bảo các điều kiện về nhân tố đầu vào như lao động tay nghề cao, vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, kiến thức. Vì thực tế cho thấy, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn sử dụng nguyên liệu thô, trình độ, tay nghề lao động trong Ngành còn thấp, tiêu hao năng lượng còn phổ biến...

Cơ chế chính sách nghề cần ưu tiên, khuyến khích đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, hạn chế tiêu hao nguyên liệu gỗ đầu vào, chuyển đổi các nguồn gỗ nhập khẩu rủi ro cao sang nguồn nhập khẩu rủi ro thấp, hoặc sang nguồn gỗ rừng trồng trong nước.

Đặc biệt là cần có các giải pháp hợp lý trong việc cân đối cung - cầu nguyên liệu từ nguồn nhập khẩu, khai thác trong nước và xuất khẩu, giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu… Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích hình thành các cơ sở đào tạo nghề, với các nghề đào tạo hình thành dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, chú trọng các loại hình kiến thức và tay nghề tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Khuyến khích doanh nghiệp cải tiến công nghệ  theo hướng tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu đầu vào, giảm giá thành sản xuất.

Đồng thời, các cơ quan chức năng và các hiệp hội cũng cần cung cấp các thông tin cơ bản về cơ chế chính sách, về khai thác, chế biến, thương mại, đặc điểm các loài gỗ được phép và không được phép khai thác, sử dụng và thương mại hóa tại quốc gia nhập khẩu.

Các thông tin này cần được cập nhập phổ biến cho các cơ quan quản lý, kiểm soát nhập khẩu cũng như những công ty nhập khẩu và các hộ tại các làng nghề, nơi nguồn gỗ được sử dụng.

Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu cần liên kết mạnh mẽ với nhau nhằm chia sẻ thông tin, hạn chế những rủi ro về mặt pháp lý có thể xảy ra; Đồng thuận, thống nhất, về nhiều mặt tạo nền tảng để Ngành có thể phát triển bền vững trong tương lai…     

Tài liệu tham khảo:

1. Tô Xuân Phúc, Trần Huy Lê, Cao Thị Cẩm, Nguyễn Tôn Quyền, Huỳnh Văn Hạnh (2017), Báo cáo “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Thực trạng và xu hướng phát triển bền vững”;

2. Vũ Thị Minh Ngọc, Hoàng Thị Dung (2014), Thực trạng một số giải pháp phát triển thị trường lâm sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay;

3. Cẩm Tú Lan (2013), Kết quả nghiên cứu, khảo sát đánh giá thị trường tiêu thụ lâm sản tại các vùng thực hiện dự án, định hướng chính sách và giải pháp tiêu thụ sản phẩm gắn với quản lý rừng bền vững;

4. Quyết định số 1739/QĐ-BNN-TCLN ngày 31/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

5. Một số website: viettrade.gov.vn, customs.gov.vn, gso.gov.vn.