Bảo vệ thương hiệu: Chủ sở hữu cũng phải vào cuộc

Theo Thu Phương/congthuong.vn

Thời gian gần đây, một số đơn vị sở hữu các thương hiệu lớn trên thế giới đã có sự phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng giả.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tràn lan đồ hiệu giá “bèo”

Hiện nay, tại Việt Nam, tình trạng hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các nhãn hiệu khá phổ biến. Người tiêu dùng không “khó” để mua bất kỳ sản phẩm mang nhãn hiệu Chanel, LV, Dior, Gucci, Rolex, Chopard, Patek Philippe, Hermes, Franck Muller, Montblanc, MCM, Burberry, Chanel, Hublot,… tại trung tâm thương mại, trang mua sắm trực tuyến, mạng xã hội facebook… và thậm chí cả ở chợ. Giá các sản phẩm này khá đa dạng, từ vài chục nghìn đến vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng mua đúng hàng chính hãng.

Chống hàng giả cần có sự vào cuộc của các chủ sở hữu thương hiệu
Chống hàng giả cần có sự vào cuộc của các chủ sở hữu thương hiệu
 

Để bài trừ vấn nạn hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thời gian gần đây, một số đơn vị sở hữu các thương hiệu lớn trên thế giới đã có sự phối hợp với Tổng cục QLTT trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng giả các thương hiệu của mình. Đơn cử như, tại chợ Ninh Hiệp (Hà Nội), lực lượng QLTT đã thu giữ gần 3.000 sản phẩm giả mạo thương hiệu nổi tiếng, có những quần áo mang thương hiệu áo Christian Dior chỉ được bán với giá 60.000 đồng/sản phẩm và cao nhất là hơn 100.000 đồng/sản phẩm. Trong khi đó, áo chính hãng này có giá khoảng 600 Euro (tương đương khoảng 15.000.000 đồng).

Không chỉ có ở chợ, ngay cả trung tâm mua sắm lớn cũng đã xuất hiện các sản phẩm giả mạo, như cửa hàng mua sắm ASEAN và Thương trường quốc tế Hồng Nguyên (TP. Móng Cái, Quảng Ninh). Tại đây, lực lượng QLTT đã phát hiện đồng hồ Patek Phillipe bày bán với giá 400 triệu đồng và được chuyên gia thẩm định của hãng xác định là hàng giả. Hay chợ Bến Thành, Trung tâm thương mại Sài gòn Square (TP. Hồ Chí Minh) mới đây cũng phát hiện gần 2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, với tổng số hàng hóa vi phạm trị giá 256.487.000 đồng. Và trước đó, vào đầu năm, hàng nghìn đồng hồ hiệu cũng bị lực lượng QLTT bắt giữ ở Nha Trang, trị giá lên tới 350.000 USD.

Cần sự phối hợp với chủ sở hữu thương hiệu

Thực tế, việc chống hàng giả, hàng nhái tại thị trường Việt Nam đang gặp phải những khó khăn nhất định do phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi, cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực, nhận thức của cộng đồng còn hạn chế. Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) - cho rằng, trong công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu doanh nghiệp không tích cực phối hợp thì việc chống hàng giả sẽ không hiệu quả.

Tập đoàn Mot Hennessy - Louis Vuitton (LVMH) - một tập đoàn chuyên về hàng xa xỉ của Pháp là đơn vị đầu tiên đặt vấn đề hợp tác chống hàng giả với Tổng cục QLTT. Đơn vị này cũng ký biên bản ghi nhớ về công tác phối hợp với Tổng cục và đã có những bước đi tiếp theo khi tổ chức tập huấn nhận biết hàng thật - hàng giả cho lực lượng thực thi công tác QLTT và có chuyến thực tế kiểm tra tại một số cửa hàng.

Tại buổi làm việc với Tổng cục QLTT mới đây, Tập đoàn Fast Retailing - liên doanh Dự án Uniqlo Việt Nam - cũng thể hiện mong muốn, vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng buôn lậu sản phẩm mang thương hiệu Uniqlo sẽ được kiểm soát tại Việt Nam.

Ông Trần Hữu Linh cho rằng, chỉ khi nào có sự vào cuộc của các chủ sở hữu thì công cuộc đẩy lùi hàng giả mới phát huy tác dụng thực sự, vì chỉ doanh nghiệp mới nắm chắc được đâu là hàng giả mạo thương hiệu của mình.

Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả, rút ngắn trong quá trình kiểm tra, “đề nghị đại diện các hãng hướng dẫn, hỗ trợ lực lượng thực thi trong việc nhận biết những dấu hiệu vi phạm, xâm phạm nhãn hiệu, cũng như cử đại diện pháp lý của hãng tại Việt Nam để cùng lực lượng QLTT xác minh chính xác vi phạm nếu có” - ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh thêm.

Theo thống kê của Tổng cục QLTT, mỗi năm, lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý trên 10.000 vụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, trở thành lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thị trường nội địa.