Bất chấp dịch COVID-19, nhiều mặt hàng nông sản vẫn xuất khẩu tỷ đô


Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,4 tỷ USD (giảm 1,0%), lâm sản chính khoảng 1,1 tỷ USD (tăng 9,8%), thủy sản đạt 780 triệu USD (tăng 8,4%) và chăn nuôi đạt 33 triệu USD (giảm 2,7%).

 Trong tháng 7/2020, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông, lâm thủy sản ước đạt 3,4 tỷ USD. Nguồn: internet
Trong tháng 7/2020, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông, lâm thủy sản ước đạt 3,4 tỷ USD. Nguồn: internet

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong tháng 7/2020, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông, lâm thủy sản ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng 6/2020.

Trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính ước đạt 1,4 tỷ USD (giảm 1,0%), lâm sản chính khoảng 1,1 tỷ USD (tăng 9,8%), thủy sản đạt 780 triệu USD (tăng 8,4%) và chăn nuôi đạt 33 triệu USD (giảm 2,7%).

Ở chiều ngược lại, trong 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu (NK) các mặt hàng nông, lâm thủy sản ước khoảng 17,2 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị NK các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 13,9 tỷ USD, giảm 6,1%.

Tính chung 7 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm thủy sản ước đạt gần 39,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) ước đạt 22,3 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu (NK) ước khoảng 17,2 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất siêu gần 5,2 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, trong 7 tháng, các mặt hàng gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre đều có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ. 

Cụ thể, xuất khẩu gạo đạt 1,9 tỷ USD (tăng 10,9%); rau đạt 414 triệu USD (tăng 9,6%); sắn đạt 107 triệu USD (tăng 101,8%), xuất khẩu tôm thu về gần 2 tỷ USD (tăng 12,1%); quế đạt 110 triệu USD (tăng 15,4%); sản phẩm gỗ đạt 4,5 tỷ USD (tăng 9,0%); mây, tre, cói thảm đạt 305 triệu USD (tăng 14,7%).

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, những tháng cuối năm tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Bất ổn liên quan dịch COVID-19, chính sách thương mại, căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực. Xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước; nhiều thị trường nhập khẩu nông sản siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp chứng thư xuất khẩu, đẩy mạnh chính ngạch, thanh kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu.

Ở trong nước, ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Việc VPA/FLEGT có hiệu lực là cơ hội lớn để gia tăng xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU và việc thực thi Hiệp định thương mại tự do EVFTA mở ra cơ hội, triển vọng thị trường lớn cho hàng nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức từ tác động của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến sản xuất, xuất nhập, cũng như tiêu thụ trong nước; diễn biến thời tiết khó lường (hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt và dài), dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, dẫn đến thiếu nguồn cung phải tăng nhập khẩu thịt các loại để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ngoài ra, dịch bệnh trên thủy sản có nguy cơ tăng cao, như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm; bệnh gan thận mủ và xuất huyết trên cá tra...

Theo đó, năm 2020, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn dự kiến phương án tăng trưởng toàn ngành phấn đấu đạt 2,6 - 3%, trong đó, nông nghiệp tăng 2,85%; thủy sản tăng 3,0%; lâm nghiệp tăng 2,57%. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 khoảng 41 tỷ USD.