Biến cố Huawei ảnh hưởng thế nào tới các ‘ông lớn' bán lẻ và phân phối điện thoại di động Việt Nam?

Theo Bảo Linh/nhadautu.vn

Nhìn chung, thị trường điện thoại di động Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều từ biến cố Huawei. Bản thân các ông lớn bán lẻ điện thoại di động Việt Nam, ở kịch bản xấu nhất, cũng chỉ cần trích lập một phần nhỏ lợi nhuận ròng (<12%) với lô hàng tồn kho Huawei.

 Biến cố Huawei ảnh hưởng thế nào tới các ‘ông’ lớn bán lẻ và phân phối điện thoại di động Việt Nam?
Biến cố Huawei ảnh hưởng thế nào tới các ‘ông’ lớn bán lẻ và phân phối điện thoại di động Việt Nam?

Sau khi bị Chính phủ Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt, Huawei sẽ phải đối mặt với việc bị cấm cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông và smartphone tại thị trường Mỹ cũng như bị các nhà cung cấp phần cứng và phần mềm ngừng hợp tác. Sự kiện này được đánh giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không chỉ hoạt động sản xuất của Huawei mà còn ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng Huawei khi người dùng của họ không thể sử dụng các phần yêu cầu mã nguồn đóng của Android bao gồm YouTube, Play Store và Google Maps.

Tuy vậy, VNDIRECT mới đây đã nhận định, thị trường smartphone của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng không đáng kể bởi sự kiện nói trên. Nguyên do là bởi, thị phần điện thoại Huawei tại Việt Nam vẫn còn thấp ở mức xấp xỉ 4%, tương đương với quy mô 2.650 tỷ đồng trong năm 2018. Ngoài ra, sức mạnh thương hiệu của Huawei tại Việt Nam không quá cao và người tiêu dùng có thể lựa chọn chuyển sang các thương hiệu tầm trung khác.

Xu hướng tiêu dùng của thị trường điện thoại di động Việt Nam sau sự kiện này sẽ không có nhiều biến động lớn. Bản thân các nhà bán lẻ và phân phối điện thoại di động Việt Nam sẽ đón nhận những tác động khác nhau.

Cụ thể, FPT Retail và CTCP Đầu tư Thế giới Di động sẽ chịu ảnh hưởng nhưng không đáng kể. Đối với FRT và MWG, tỷ trọng của Huawei trong tổng doanh thu bán điện thoại vào khoảng 4 đến 6%, theo nghiên cứu thị trường của VNDIRECT.

Như đã đề cập ở trên, có nhiều sản phẩm có thể thay thế cho Huawei nên biến động này này sẽ không làm giảm doanh thu của các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, cả hai nhà bán lẻ đều phải đối mặt với rủi ro về hàng tồn kho và các hợp đồng thanh toán trả góp đang thực hiện cho các sản phẩm của Huawei (FRT với gói hỗ trợ Subsidy).

Khả năng sẽ là hai trường hợp xảy ra.

Một là, Huawei và các đối tác sẽ chia sẻ chi phí và xử lý hàng tồn kho bằng cách giảm giá bán và các chương trình khuyến mãi,

Hai là, Huawei sẽ mua lại toàn bộ lô hàng còn lại từ các nhà bán lẻ. Với kịch bản thứ 2, trong quá khứ cũng đã xảy ra trường hợp tương tự khi Samsung mua lại toàn bộ các sản phẩm Galaxy Note 7 với giá mua lại bằng giá bán lẻ sau sự cố về pin của mẫu flagship này.

Tuy vậy, vẫn còn có kịch bản kém tích cực hơn là, lệnh cấm của Chính phủ Mỹ kéo dài, các sản phẩm Huawei không tiêu thụ được hoặc Huawei không đưa ra chính sách hỗ trợ nào cho các đối tác.

Trong trường hợp này, các nhà bán lẻ có thể sẽ phải trích lập dự phòng cho lô hàng smartphone hiện tại của Huawei với quy mô tối đa khoảng 110 tỷ đồng cho MWG và 40 tỷ đồng cho FRT (lượng tồn kho ước tính của các sản phẩm Huawei đối với mỗi nhà bán lẻ với giả định 30 ngày tồn kho).

Ngay cả khi trường hợp này xảy ra, tác động cũng sẽ không đáng kể vì chi phí dự phòng nói trên chỉ tương đương với khoảng 3,8% và 11,5% lợi nhuận ròng của MWG và FRT (số liệu năm 2018). Tuy nhiên, MWG và FRT sẽ không phải chịu mọi chi phí vì biến cố này phát sinh từ phía nhà sản xuất.

Với Digiworld, doanh nghiệp này có thể được hưởng lợi từ biến cố của Huawei. Câu chuyện trở nên khác biệt với DGW vì nhà phân phối này không phân phối sản phẩm của Huawei. Do vậy, sự sụt giảm trong tiêu thụ sản phẩm Huawei tại thị trường Việt Nam có thể thúc đẩy doanh số phân phối các mặt hàng khác.