Bỏ thương hiệu Vinashin: Không dễ!

Theo Pháp luật Tp.HCM

Sau khi Vinashin đứng bên bờ vực phá sản, một loạt cán bộ chủ chốt bị bắt giữ, thương hiệu Vinashin xuống dốc không phanh và ngay lập tức bị “hắt hủi”.

Xin hợp rồi đòi tách

Đầu năm 2008, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển du lịch Tân Quang Minh - chủ dự án đầu tư khu vui chơi giải trí thể thao văn hóa du lịch sinh thái (huyện Thủy Nguyên) - đã đổi sang tên mới: Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển du lịch Quang Minh-Vinashin.

Với việc góp vốn bằng thương hiệu, Vinashin có 20% vốn góp trong tổng số vốn điều lệ của Công ty Quang Minh-Vinashin. Trước đó, tại Hải Phòng, một số công ty cũng đã cho Vinashin góp vốn bằng thương hiệu như Công ty Cổ phần Công nghệ thông tin Shinec, Công ty Cổ phần Thép Cửu Long-Vinashin, Công ty Cổ phần Xây dựng Duyên hải-Vinashin…

Theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ thông tin Shinec, đến nay chưa nhận được một đồng vốn nào từ Vinashin ngoài 30% vốn góp bằng thương hiệu. Nhưng thực tế, thương hiệu Vinashin một thời đã là sự “bảo lãnh” giúp các công ty này dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay từ ngân hàng, đồng thời nâng tầm giá trị cho doanh nghiệp.

Một số công ty cổ phần được Vinashin góp vốn bằng việc gắn thương hiệu tại Hải Phòng đã tính tới chuyện gỡ bỏ cái tên Vinashin ra khỏi công ty. Đầu tháng 9 vừa qua, Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng liên tục nhận được các cuộc điện thoại của các công ty cổ phần mà Vinashin góp vốn bằng thương hiệu hỏi về thủ tục bỏ tên Vinashin ra khỏi tên doanh nghiệp mình.

Tại buổi làm việc với UBND thành phố Hải Phòng mới đây, đại diện nhiều công ty cổ phần có vốn góp của Vinashin đã phàn nàn rằng họ đã bị các ngân hàng từ chối cho vay vốn.

Xin đổi tên doanh nghiệp

Theo ông Dương Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng, khi tham gia góp vốn bằng thương hiệu vào các công ty cổ phần, thương hiệu Vinashin đã được định giá bằng tiền và thời hạn tham gia. Bây giờ nếu các doanh nghiệp đòi gỡ bỏ thương hiệu, xóa vốn góp bằng thương hiệu của Vinashin là vấn đề không đơn giản. Việc này chỉ có thể thực hiện được khi hai bên thỏa thuận và Vinashin đồng ý chứ các doanh nghiệp cổ phần không thể đơn phương yêu cầu việc đó.

Ông Tuấn nói, việc xóa vốn góp bằng thương hiệu của Vinashin hiện không thực hiện được vì theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định 139/NĐ-CP thì các công ty không được quyền giảm số vốn điều lệ mà các cổ đông sáng lập đã đăng ký góp. Vì vậy, hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND thành phố Hải Phòng có văn bản xin ý kiến của Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp hướng dẫn biện pháp xử lý.

Theo ông Tuấn, trong điều kiện Vinashin chấp thuận thì doanh nghiệp có thể xóa phần vốn góp bằng thương hiệu của Vinashin bằng hình thức hạch toán vào lỗ của doanh nghiệp cổ phần. Nhưng về nguyên tắc tài chính thì không được phép hạch toán cho âm tài sản và có thể cơ quan thuế sẽ không chấp nhận. Còn các doanh nghiệp muốn xóa bỏ phần tên Vinashin đã gắn vào, biện pháp đơn giản nhất là xin đổi tên doanh nghiệp với sự đồng ý của Vinashin. Như vậy, Vinashin vẫn có vốn góp trong phần vốn điều lệ công ty nhưng về mặt hình thức thì không còn cái tên Vinashin gắn vào tên doanh nghiệp này.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, cho rằng việc gắn kết thương hiệu Vinashin là có sự thỏa thuận giữa các bên nên việc xóa bỏ cũng cần thận trọng chứ không đơn thuần là doanh nghiệp thích hay không.

“Đã “cưới” rồi, không phải muốn “ly hôn” là bỏ được ngay mà phải căn cứ theo quy định của pháp luật”, ông Thành nói.