Bức tranh doanh nghiệp và nội lực nền kinh tế

Theo Khanh Đoàn/thoibaonganhang.vn

Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ chuyển đổi, tình hình tăng trưởng của khối DN trong nước cho thấy nền kinh tế vẫn phát triển dựa chủ yếu vào đầu tư về vốn, tạo doanh thu nhưng giá trị gia tăng thấp, lao động thu hút chậm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
10 tháng đầu năm 2017, số DN thành lập mới tăng cả về số lượng, số vốn đăng ký và tỷ trọng vốn đăng ký bình quân. Kết quả này cho thấy nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước đã mang lại tác động tích cực. Tuy nhiên khi phân tích sâu hơn về lát cắt này, có nhiều băn khoăn đã được nêu lên về khả năng cạnh tranh của DN, từ đó phản ánh nội lực nền kinh tế còn tương đối yếu ớt.

Sản xuất chững lại, dịch vụ lên ngôi

Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận: “ngành kinh doanh bất động sản đã có sự chuyển biến tích cực, thu hút rất lớn lượng vốn DN đổ vào đầu tư so với các ngành còn lại”.

Số vốn đăng ký mới đạt 283.893 tỷ đồng, chiếm 27,8%. Không chỉ số lượng và số vốn tăng cao, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên DN của ngành này cũng xếp đầu bảng với 70,3 tỷ đồng/DN. Trái ngược với “lên ngôi” của ngành kinh doanh bất động sản, các ngành sản xuất quan trọng lại đang chứng kiến sự suy giảm.

Theo đó, trong 10 tháng đầu năm 2017, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng giảm ở số lao động đăng ký; ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm về số vốn đăng ký và số lao động đăng ký; ngành vận tải kho bãi giảm cả về số lượng DN, số vốn đăng ký và số lao động đăng ký. Đặc biệt, xét về tổng thể, số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong 10 tháng qua đã giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.   

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) lưu ý, xu hướng sụt giảm quy mô việc làm tạo mới đã bắt đầu từ quý III và tới nay vẫn tiếp diễn. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới cũng giảm đi 4,5% so với cùng kỳ năm trước và giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Không chỉ suy giảm trong việc làm mới, số lượng lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp cũng có xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng. Tăng trưởng số lượng lao động tại thời điểm 1/9/2017 cao hơn so với cùng kỳ năm 2016, tuy nhiên thấp hơn đáng kể so với năm 2015. Xét theo thành phần, tăng trưởng lao động chủ yếu đến từ khu vực FDI, với mức tăng 7,5%, trong khi khu vực nhà nước giảm 3,6% và khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 1,6%.

Chuyên gia của Tổng cục Thống kê cho biết, công nghiệp chế biến chế tạo hiện đang là ngành chiếm tỷ trọng lao động cao nhất trong các ngành kinh tế với 27,3 lao động/DN. Vì vậy, khi tốc độ tăng DN thành lập mới trong ngành này sụt giảm, lập tức quy mô việc làm tạo mới cũng giảm theo.

“Thực tế này cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế trong nước vẫn chưa thực sự được cải thiện và kinh tế tư nhân chưa phải là động lực của nền kinh tế”, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR lo ngại.

Lo cho nội lực dài hạn

Ông Phạm Hoàng Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, DNNVV Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển. Đó là cơ hội tiếp cận thị trường rộng mở; tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam; tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến; nâng cao năng lực quản lý và trình độ lao động; tiếp cận cơ sở dữ liệu và thông tin trực tuyến; tiếp cận các dịch vụ phát triển kinh doanh…

Tuy nhiên nếu so với các cơ hội gia tăng mạnh trong thời gian qua, thì sự phát triển của DN còn quá chậm chạp. Ông Tiến phân tích, tỷ lệ DN báo lãi trong năm vừa qua đã tăng nhẹ lên mức 65% so với con số 60,3% và 63,1% của năm 2014-2015; cùng với đó, tỷ lệ DN báo lỗ cũng giảm nhẹ xuống 23% vào năm 2016 so với 26,4% và 24,1% của năm 2014-2015. Tuy nhiên kết quả này vẫn còn kém giai đoạn 10 năm trước đó. Cụ thể, vào năm 2007-2008, tỷ lệ DN báo lãi lên tới 81,1% và 82,3%; trong khi chỉ có 9,3% và 8,7% DN báo lỗ trong 2 năm tương ứng.

Sự cải thiện chậm chạp của khối DN trong nước cũng đang là cản trở lớn nhất đối với khả năng tăng trưởng thực chất của cả nền kinh tế. Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê nhận định, so sánh với các nền kinh tế lớn và nhiều nước trong khu vực thì tăng trưởng của Việt Nam trong 10 tháng vừa qua là rất ấn tượng. Tuy nhiên vấn đề là nếu khối DN trong nước vẫn duy trì mức cạnh tranh thấp cả về năng suất chất lượng, điều kiện kỹ thuật, năng lực quản trị… như hiện nay thì hiệu quả thực của nền kinh tế sẽ rất thấp.

Ông Thuý cũng phân tích thêm, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ chuyển đổi, tình hình tăng trưởng của khối DN trong nước cho thấy nền kinh tế vẫn phát triển dựa chủ yếu vào đầu tư về vốn, tạo doanh thu nhưng giá trị gia tăng thấp, lao động thu hút chậm. Hiện nay đóng góp của DN vào nền kinh tế vẫn thấp, thể hiện ở các số liệu thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng… đóng góp vào ngân sách nhà nước còn thấp.

Đặc biệt, các chuyên gia lo ngại, khả năng nâng cao nội lực sẽ càng trở nên khó khăn hơn nếu tình trạng đăng ký DN trong 10 tháng đầu năm nay tiếp diễn. Đó là khối DN sản xuất trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; nông nghiệp… đồng loạt sụt giảm về số vốn, số lao động đăng ký. Bởi lẽ một nền kinh tế muốn phát triển bền vững, rất cần có lực lượng DN phát triển mạnh mẽ trong các ngành sản xuất để làm “xương sống” cho cả nền kinh tế.