Bước tiến quan trọng trong nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Thái Hằng

Sau gần 10 năm triển khai chương trình Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” trên phạm vi toàn quốc, đến nay hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng đã ghi nhận những bước chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình; được hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng hiện đại, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm, từ đó khẳng định được vị thế và năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Năng suất chất lượng - chìa khóa phát triển và hội nhập

Vai trò và tầm quan trọng của năng suất, chất lượng đã được nhấn mạnh hơn ở Việt Nam kể từ khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Năng suất châu Á (01/10/1996).

Kể từ Thập niên Chất lượng lần thứ 1 (1996-2005), các hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng tại Việt Nam được hình thành, các doanh nghiệp (DN) bắt đầu quan tâm tới vấn đề cải tiến năng suất chất lượng và đã có những bước tiến quan trọng trên chặng đường nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm, hàng hóa và hội nhập quốc tế.

Tiếp nối thành công của Thập niên Chất lượng lần thứ 1, Thập niên Chất lượng lần thứ 2 với chủ đề “Năng suất chất lượng - chìa khóa phát triển và hội nhập” được đặt ra với mục tiêu là tạo lập uy tín chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam”.

Ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng tại Việt Nam.

Từ đó đến nay, sau gần 10 năm triển khai chương trình Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” trên phạm vi toàn quốc, hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng đã ghi nhận những bước chuyển biến mạnh mẽ. Từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp, người tiêu dùng về năng suất chất lượng.

Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức, cơ quan hành chính nhà nước cũng tham gia hỗ trợ tích cực trong việc thúc đẩy triển khai thực hiện Chương trình bằng việc tiếp thu, ứng dụng các phương pháp, công cụ quản lý mới như ISO 9000 để đẩy mạnh chất lượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Việc triển khai các nhiệm vụ của Chương trình đã góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên 35% vào năm 2020. Năm 2018, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP đạt 43,5%, bình quân 3 năm 2016 - 2018 đạt 43,29%,

Năm 2019, GDP ước tăng 6,81%, ước đóng góp của tăng TFP vào tăng GDP khoảng 42.7%. Giai đoạn 2016-2019, đóng góp của tăng TFP vào GDP khoảng 40,4% và dự kiến 2016-2020 đạt 40,5% vượt chỉ tiêu đề ra của Chương trình.

Giúp doanh nghiệp làm chủ công nghệ tiên tiến

Nhờ được hỗ trợ xây dựng, triển khai các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng, năng lực quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng lên. Việc nghiên cứu, ứng dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và từng bước làm chủ các công nghệ quản lý tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài việc góp phần nâng cao năng lực quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam, Chương trình còn giúp sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam thay đổi một bước lớn về chất lượng. Nhiều doanh nghiệp đã giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất; tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, cải thiện hình ảnh, thương hiệu và tính cạnh tranh, qua đó khẳng định chỗ đứng trên thị trường, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước.