Cải cách đăng ký kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp

TS. Trần Thị Hồng Minh - Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Việt Nam bắt đầu tiến hành chương trình cải cách tổng thể công tác đăng ký kinh doanh bằng việc ban hành và thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999. Cùng với quá trình phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế với những yêu cầu đặt ra theo thời gian, khung khổ pháp lý về đăng ký kinh doanh đã và đang ngày một hoàn thiện để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo được ý nghĩa, vai trò của công tác đăng ký kinh doanh trong nền kinh tế nói chung cũng như trong việc tạo động lực để phát triển doanh nghiệp nói riêng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bối cảnh cải cách đăng ký kinh doanh

Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh được đẩy mạnh thực hiện từ năm 2007 với sự ra đời của Nghị quyết 59/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp xử lý những vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng và cải cách một số thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp (DN) và các thông tư liên tịch của 3 Bộ là Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Công an.

Các văn bản quy phạm này đã tạo mở đường cho sự liên thông cơ chế một cửa giữa 3 thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu; đồng thời hợp nhất quy trình đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế thành một thủ tục duy nhất là đăng ký DN. Qua đó, nguyên tắc pháp lý về thông tin lưu trữ tại Cơ sở Dữ liệu quốc gia về đăng ký DN được thiết lập là thông tin gốc có giá trị pháp lý về DN; Tạo cơ sở pháp lý cho việc đăng ký kinh doanh qua mạng và cung cấp thông  tin cho cộng đồng.

Đến ngày 31/12/2010, Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia chính thức được vận hành trên phạm vi toàn quốc, góp phần đưa đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế trở thành mô hình liên thông điện tử đầu tiên trong khối các cơ quan nhà nước.

Tiếp đó, Luật DN 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn đăng ký DN, Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC về cung cấp thông tin DN giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, Thông tư 02/2017/TT-BKHĐT về phối hợp liên thông giữa đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh... đã góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho công tác đăng ký kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho công tác này phát huy vai trò của mình trong hỗ trợ phát triển DN.

Đóng góp nổi bật của công tác đăng ký kinh doanh với sự phát triển của doanh nghiệp

Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành liên quan, những kết quả về cải cách đăng ký kinh doanh tại Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế và DN đánh giá cao. Khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong suốt giai đoạn 2006-2016 luôn ghi nhận những cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực gia nhập thị trường (là lĩnh vực dẫn đầu bảng xếp hạng các chỉ số PCI 11 năm liên tiếp). Công tác cải cách đăng ký kinh doanh được đánh giá có tác động rất tích cực đối với sự phát triển của DN, thể hiện trên các khía cạnh:

Thứ nhất, cải cách đăng ký kinh doanh giúp DN được “khai sinh”, thay đổi cơ cấu tổ chức, rút lui khỏi thị trường thuận lợi hơn, ít chi phí hơn.

Về bản chất pháp lý, đăng ký thành lập DN nhằm bảo vệ quyền lợi của DN, tạo nền tảng cho DN chuyển thành một thực thể kinh tế, đủ điều kiện tham gia thị trường. Nhận thức được vai trò quan trọng của thủ tục đăng ký DN đối với DN, xuyên suốt quá trình cải cách đăng ký kinh doanh đều hướng đến một mục tiêu cao nhất là tạo thuận lợi tối đa cho DN, giúp DN thực hiện thủ tục gia nhập thị trường với thời gian ngắn nhất và chi phí rẻ nhất. Theo đó, kể từ năm 2007 – khi thủ tục đăng ký kinh doanh được thực hiện liên thông với thủ tục đăng ký thuế và các thủ tục liên quan đến con dấu, đến nay, quy trình, thủ tục đăng ký kinh doanh đã từng bước được đơn giản hóa, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí cho DN khi gia nhập và hoạt động trên thị trường. Thời gian thực hiện các thủ tục cơ bản của quá trình gia nhập thị trường theo quy định đã được giảm từ 32 ngày làm việc (giai đoạn trước năm 2005) xuống 22 ngày làm việc (từ khi Luật DN 2005 có hiệu lực), 15 ngày làm việc (kể từ năm 2007), 5 ngày làm việc (kể từ năm 2008 đến năm 2014) và hiện nay chỉ còn tối đa 3 ngày làm việc.

Thậm chí, thời gian xử lý hồ sơ thực tế còn thấp hơn thời gian so với quy định. Cụ thể, theo thống kê từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN thì thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập DN mới của cả nước hiện nay chỉ còn 2,9 ngày, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin đăng ký DN là 2,05 ngày, nhanh hơn so với quy định của Luật DN 2014. Tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tiên đạt gần 86%, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hẹn đạt gần 90%. Với những cải cách mạnh mẽ về khung khổ pháp lý, về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cùng với việc thay đổi tư duy quản lý của cán bộ đăng ký kinh doanh, con số về DN đăng ký thành lập mới không ngừng gia tăng qua các năm. Đặc biệt, trong năm 2016 đã chứng kiến con số kỷ lục cao chưa từng có là 110.100 DN đăng ký thành lập mới, tăng 16,2% so với năm 2015; Số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng bình quân 8,09 tỷ đồng cho mỗi DN thành lập mới, tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015.

Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN cũng cung cấp công cụ hỗ trợ DN và người thành lập DN trong quá trình nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh. Đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, DN và người thành lập DN cũng có thể tra cứu trạng thái xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin, xem được lý do yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ mà không cần đến trực tiếp Phòng Đăng ký kinh doanh, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và DN.

Bên cạnh đó, Luật DN 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng quy định hồ sơ đăng ký thành lập DN đơn giản hơn, bỏ các giấy tờ mang tính tiền kiểm như chứng chỉ hành nghề; Ngành nghề kinh doanh cũng không còn phải ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký DN tạo điều kiện cho DN có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (DN chỉ cần ghi trên Giấy đề nghị các ngành nghề dự kiến kinh doanh và khi có thay đổi chỉ cần thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh). Về con dấu, các quy định của Luật DN và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng được thực hiện theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào con dấu (ví dụ như trong hồ sơ đăng ký DN có những giấy tờ không đòi hỏi phải đóng dấu).

Bên cạnh đó, các quy định về giải thể DN cũng đơn giản và rõ ràng hơn, tạo thuận lợi cho DN rút lui khỏi thị trường và để chuẩn bị cho các cơ hội kinh doanh mới.

Thứ hai, cải cách đăng ký kinh doanh làm cơ sở cho sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước nhằm hỗ trợ DN tốt hơn.

Có thể nói, sự phối hợp liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước khác như thuế, công an, sở hữu trí tuệ đã tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước đối với DN cũng như trực tiếp hỗ trợ DN trong khâu gia nhập, phát triển sản xuất kinh doanh cũng như rút lui khỏi thị trường. Từ năm 2010 đến nay, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế đã thực hiện việc kết nối, trao đổi thông tin giữa Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN và Hệ thống thông tin đăng ký thuế. Bên cạnh đó, các cơ quan này đã phối hợp rà soát, đồng bộ thông tin đăng ký DN, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đăng ký DN và đảm bảo việc cung cấp kịp thời đầy đủ các thông tin có giá trị pháp lý về đăng ký DN cho các cơ quan có liên quan, cộng đồng DN và các tổ chức cá nhân có nhu cầu, tăng  tính minh bạch của môi trường kinh doanh. Đối với vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan sở hữu trí tuệ cũng đã có cơ chế phối hợp để xử lý các DN xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện cho các DN bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình...

Thứ ba, cải cách đăng ký kinh doanh giúp DN được phát triển trong một môi trường kinh doanh công khai, minh bạch.

Thông tin luôn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho DN trong quá trình hoạt động, tìm hiểu đối tác, bạn hàng cũng như là cơ sở để tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hoạt động của DN. Kể từ năm 2010, thực hiện kế hoạch trong chương trình cải cách đăng ký kinh doanh quốc gia, trên cơ sở hợp nhất dữ liệu rời rạc từ 65 Phòng Đăng ký kinh doanh trên cả nước và đối chiếu với Cơ sở dữ liệu trong Hệ thống thông tin thuế, hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN đã lưu giữ thông tin có giá trị pháp lý là thông tin gốc của gần 1.000.000 DN và 300.000 đơn vị phụ thuộc trên phạm vi toàn quốc.

Trên cơ sở các thông tin có giá trị pháp lý được chiết xuất từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN đã cung cấp các công cụ tìm kiếm, cho phép người sử dụng tra cứu các thông tin cơ bản, miễn phí, có giá trị pháp lý của DN. Tất cả các tổ chức, cá nhân đều có thể tiếp cận nhanh hơn, dễ dàng hơn với các thông tin này thông qua một đầu mối thông tin duy nhất và có giá trị pháp lý, thay thế phương thức tiếp cận thông tin truyền thống là cơ chế “xin - cho”. Các sản phẩm dịch vụ thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác, kinh doanh của DN, giúp các cá nhân, DN tiếp cận và quản lý khách hàng tốt hơn, mở rộng thị trường, hạn chế các rủi ro trong giao dịch thương mại, dân sự... đồng thời, nâng cao sự giám sát của toàn xã hội đối với cộng đồng DN và hướng tới sự minh bạch của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN khi gia nhập thị trường, đồng thời, hướng tới một dịch vụ hành chính công hiện đại, trên cơ sở thành công của Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục triển khai xây dựng cấu phần đăng ký DN qua mạng điện tử trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN. Quy trình đăng ký DN qua mạng điện tử đáp ứng yêu cầu về một dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, giúp giảm thời gian, chi phí gia nhập thị trường cho DN, đồng thời, góp phần xây dựng một nền hành chính thuận lợi, minh bạch thông qua việc hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh.

Đến nay, cả nước đã có khoảng 15,6 nghìn hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử được nộp thành công. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng so với hồ sơ nộp bản giấy tăng dần qua từng năm. Theo thống kê từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN thì trong năm 2016 tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử đạt 14%, riêng trong quý IV/2016 đạt 35,26%, đến quý III/2017, tỷ lệ này đã đạt tới 44,7%.

Thứ tư, cải cách đăng ký kinh doanh giúp DN được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công hiện đại

Trong những năm qua, cùng với nhiều đợt nâng cấp để phù hợp với các quy định mới của Luật DN, Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN đã trở thành một địa chỉ quen thuộc cho người sử dụng thực hiện các dịch vụ công trực tuyến như đăng ký DN qua mạng điện tử; dịch vụ thông tin đăng ký DN; công bố nội dung đăng ký DN; chuẩn hóa dữ liệu đăng ký DN...

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tính đến ngày 16/10/2017, tổng số lượng truy cập Cổng thông tin đạt gần 158 triệu lượt truy cập. Như vậy, có thể thấy rằng, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN ngày càng trở thành một địa chỉ quen thuộc người dân về DN.

Có thể thấy, trong hơn 20 năm vừa qua, công tác đăng ký kinh doanh đã có nhiều chuyển biến quan trọng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là phục vụ sự tăng trưởng của khối kinh tế tư nhân. Trong thời gian tới, công cuộc cải cách công tác đăng ký kinh doanh cần tiếp tục được đẩy mạnh nhằm từng bước đưa quy trình quản lý đăng ký kinh doanh của Việt Nam tiến gần hơn với chuẩn mực quốc tế, qua đó tạo môi trường kinh doanh tiên tiến, hiệu quả cho cộng đồng DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.      

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Đầu tư 67/2014/QH13;

2. Luật DN 68/2014/QH13;

3. Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 của Chính phủ về đăng ký DN;

4. Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký DN;

5. Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/