Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Chưa bao giờ quyết liệt đến thế!

Theo Đan Thanh/daibieunhandan.vn

“Chưa bao giờ hành động quyết liệt đến thế”, “môi trường kinh doanh đang tốt dần lên”, “hài lòng”… là những đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với nỗ lực cải cách của Chính phủ thời gian qua. Điều đó cho thấy, phương châm hành động 10 chữ vàng “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra đang được hiện thực hóa.

Môi trường kinh doanh được cải thiện là động lực để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Nguồn: Internet
Môi trường kinh doanh được cải thiện là động lực để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Nguồn: Internet
“Chúng tôi rất hài lòng”

Ngót 10 năm hoạt động kinh doanh với chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Rau Bác Tôm, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Hòn Đất Trần Mạnh Chiến cho biết “chưa bao giờ việc kinh doanh thuận lợi và hiệu quả” khiến ông “rất hài lòng” như bây giờ.

Sự hài lòng của ông Chiến bắt nguồn từ việc “thường xuyên được mời kết hợp trong các dự án về nông nghiệp của Nhà nước” hay “được dự hội thảo, tọa đàm do Bộ NN - PTNT cũng như các sở, ngành tổ chức để cập nhật thông tin chính sách, đóng góp ý kiến mỗi khi cơ quan quản lý chuẩn bị ra quy định mới” - những điều mà mấy năm trước vốn rất xa lạ với ông.

Đặc biệt, trước đây, khi muốn kinh doanh một sản phẩm nông sản mới, doanh nghiệp của ông phải gửi hồ sơ công bố sản phẩm, làm các xét nghiệm… chỉ khi thủ tục xong xuôi mới được bán.

Vậy nhưng khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, doanh nghiệp chỉ cần tuân thủ các quy trình rồi đem sản phẩm ra bán, tự chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm. “Điều này khiến chúng tôi cảm thấy có động lực để hoạt động hiệu quả hơn, sáng tạo hơn”, ông Chiến bộc bạch.

Cảm nhận “môi trường thể chế đang tốt dần lên” đã nhận được sự chia sẻ của Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tô Hoài Nam. “Điều tôi đặc biệt ấn tượng là trong năm nay, Chính phủ đã khẩn trương hành động hơn, thông qua việc xử lý các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Đặc biệt, với mục tiêu cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, giao hạn chót cho các bộ ngành vào ngày 15.8 thực sự rất có ý nghĩa đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn rất dễ bị đuối sức khi phải chịu các gánh nặng về chi phí gián tiếp”, ông Nam nói.

Ở góc độ làm công tác nghiên cứu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu phân tích, thời gian qua, môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt là bởi Chính phủ đã bám sát phương châm hành động 10 chữ vàng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra hồi đầu năm: Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả. Trong đó, Chính phủ đã làm tốt nhất ở 3 phương châm “Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”.

Minh chứng cho điều này, Phó Viện trưởng CIEM nêu rõ: Những năm trước, thực hiện các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đều chủ trương cắt giảm rào cản cho doanh nghiệp thông qua điều kiện kinh doanh bất hợp lý.

Thế nhưng, việc cắt giảm này không thực chất, thậm chí cắt ở văn bản này nhưng lại thêm ở văn bản khác. Năm nay, Chính phủ đã tạo sự khác biệt, hướng tới hiệu quả khi về giải pháp đã lượng hóa được chỉ tiêu cắt tối thiểu 50%, có thời hạn cụ thể khiến các bộ, ngành đã phải thực sự vào cuộc.

Trong khâu tổ chức thực hiện cũng có sự quyết liệt khi tại các cuộc họp hàng tháng, Thủ tướng đều sát sao với mục tiêu đã đề ra. Tổ công tác của Thủ tướng cũng đi đôn đốc từng bộ ngành. “Chưa bao giờ Chính phủ quyết liệt đến thế!”, ông Hiếu bình luận.

Quyết liệt cải cách hơn nữa

Rõ ràng, nỗ lực cải cách của Chính phủ thời gian qua, đặc biệt trong năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, “vẫn còn nhiều thách thức đặt ra trong việc theo đuổi phương châm hành động 10 chữ vàng của Chính phủ”, Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu nhận xét.

Theo đó, mặc dù môi trường kinh doanh đã dần được cải thiện, song Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố năm nay cho thấy, vẫn còn tới 59% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức, trong số này có đến 9,8% doanh nghiệp cho rằng đã phải trả tới hơn 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức.

Trên thực tế, hiện tượng này có giảm so với năm trước, nhưng mức độ chi trả chi phí không chính thức vẫn còn nghiêm trọng. Đáng chú ý, số cán bộ công chức bị phát hiện, xử lý liên quan đến nhũng nhiễu doanh nghiệp dường như chưa tương xứng.

Mặt khác, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành dù đã quyết liệt hơn các năm trước song không đạt đúng thời hạn, khi đáng ra ngày 15.8, các bộ ngành phải cắt giảm tối thiểu 50% nhưng trên thực tế chỉ đạt hơn 10%.

Từ thực tế này, đại diện doanh nghiệp và giới chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục cải cách quyết liệt hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nhằm mang tính thực chất.

Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp  nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam thừa nhận, “dù muốn hay không chúng ta cũng cần phải chấp nhận một thực tế là bộ máy hành chính nhà nước hiện quá cồng kềnh, với nhiều tầng nấc, chức năng, nhiệm vụ quản lý khiến hiệu quả thực thi không cao.

Những tồn tại này cần phải được cơ cấu lại, mạnh dạn cải cách theo hướng thiết kế bộ máy thật gọn, giảm bớt tầng nấc để tạo tính nhất quán và thông suốt. Đây là thách thức lớn nhưng không phải không thực hiện được nếu thực sự có quyết tâm vì doanh nghiệp, người dân”.

Ông Trần Mạnh Chiến cho biết, chuỗi cửa hàng bán thực phẩm của ông hiện đang phải chịu sự quản lý của cả ba ngành là công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế. “Mong mỏi lớn nhất của chúng tôi là việc quản lý nên tập trung về một mối để giảm bớt được thủ tục, tránh chồng chéo sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp”, ông Chiến nói.

Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu bổ sung, nếu việc tuân thủ pháp luật có tính tiên liệu trước mà mất đi tính bất định sẽ góp phần giảm chi phí không chính thức.

Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện quyết liệt cải cách nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Khi đó, sẽ không còn tình trạng doanh nghiệp vì muốn được việc mà chủ động trả chi phí không chính thức cho cán bộ thực thi để rút bớt quy trình thủ tục.

Đồng thời, cần tạo lập kênh tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp thực sự an toàn, xử lý ngay sai phạm của cán bộ có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp thay vì phải đợi theo quy trình có thể mất nhiều tháng trời. Trong đó, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tình trạng làm khó doanh nghiệp.

Bên cạnh nỗ lực cải cách từ phía Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nhập cuộc để chủ động trong việc tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp không nắm rõ quy trình thủ tục có thể thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để biến chi phí không chính thức thành chi phí chính thức.

Dĩ nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài đòi hỏi những cải cách mang tính căn cơ của Chính phủ. Điều này đồng nghĩa Chính phủ cần tiếp tục theo đuổi phương châm hành động 10 chữ vàng như đã đề ra.