Chất lượng lao động Việt không thua kém thế giới

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Việt Nam luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) tương đối cao, nhưng khi so sánh với bình quân của các nhóm nước phân chia theo thu nhập, NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp.

NSLĐ của người dân Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới. Nguồn: Internet
NSLĐ của người dân Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới. Nguồn: Internet

Tại “Đối thoại chính sách: Tăng năng suất lao động cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 26/9, hầu hết các chuyên gia đều khẳng định, chất lượng lao động của người Việt Nam không hề thua kém nước nào trên thế giới nếu “đặt” người lao động vào một môi trường công nghệ, thậm chí còn hơn nhân sự nước ngoài.

Năng suất lao động tăng cao

Theo VERP, NSLĐ bình quân của Việt Nam đang tăng trưởng tốt. Cụ thể, NSLĐ bình quân Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động trong năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017. Tốc độ tăng trưởng bình quân NSLĐ trong giai đoạn 2006 - 2012 đạt 3,29%/năm, giai đoạn 2012 - 2017 đạt 5,3%/ năm (mức tăng trưởng cao nhất vào năm 2015 đạt 6,49%).

Riêng năm 2017 đạt 6,0%, gấp 2 lần NSLĐ trung bình của nhóm nước thu nhập thấp, bằng hơn 50% nhóm nước thu nhập trung bình thấp và bằng 18,3% nhóm các nước thu nhập trung bình cao.

PGS.,TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VERP, cho rằng: “Thực ra, nếu so sánh với quốc tế, năng suất ở tất cả các ngành của Việt Nam không cao hơn bất kỳ nước ASEAN nào cả, thậm chí một số ngành còn thấp hơn Campuchia”.

Tính trong năm 2015, NSLĐ ngành của Việt Nam thấp nhất, xếp sau Campuchia cả 3 ngành: Công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng và vận tải, kho bãi.

Đối với ngành nông nghiệp, điện, nước, khí đốt, bán buôn, bán lẻ và sửa chữa, NSLĐ của Việt Nam thấp thứ hai, chỉ cao hơn Campuchia.

Ngược lại, Việt Nam có NSLĐ cao hơn một số nước trong ba nhóm ngành: Khai mỏ và khai khoáng, tài chính, bất động sản và dịch vụ văn phòng, dịch vụ cộng đồng, xã hội, cá nhân.

Theo các chuyên gia, hiện nay NSLĐ của Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào khu vực FDI.

Tính toán của Viện kinh tế Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2006 - 2016 khu vực FDI đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ bình quân hàng năm đứng thứ 2, đạt 29,3%. Trong đó chủ yếu nhờ sự chuyển dịch lao động từ khu vực nội địa, nông nghiệp và phi chính thức sang khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao hơn.

Ông Lê Văn Hùng - Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết sự có mặt của các doanh nghiệp FDI như Sam Sung, Honda… đã kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay mức độ liên kết giữa khu vực này với doanh nghiệp nội địa hầu hết đều thấp ở tất cả các ngành, đặc biệt ở nhóm ngành công nghệ và kỹ năng cao. Vì vậy, khả năng tác động gián tiếp vào NSLĐ của khu vực FDI thông qua hiệu ứng tràn về công nghệ và kỹ năng lao động còn thấp.

“Nếu trừ dịch chuyển lao động, đóng góp từ tăng trưởng NSLĐ của chính khu vực FDI chỉ chiếm 36%”, ông Hùng nói.

Chất lượng lao động Việt không thua kém thế giới - Ảnh 1

Chất lượng lao động của người Việt Nam không thua kém nước nào trên thế giới

Cần làm chủ công nghệ

Trước những quan điểm cho rằng NSLĐ và năng lực nhân sự của người Việt Nam thấp, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng nhận định này có phần chưa đúng. “Thực tế, NSLĐ của người dân Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới”, vị chuyên gia này khẳng định.

So sánh chất lượng của lao động Việt Nam với các quốc gia khác, ông Ánh lấy ví dụ, một điều dưỡng viên A làm việc tại một công ty dược trong nước, hưởng mức lương 7 triệu/tháng, nhưng người điều dưỡng đó đi sang một công ty dược ở Nhật Bản làm việc sẽ được hưởng mức lương 70 triệu/tháng. Vậy người lao động đó có năng suất cao hay thấp?

“Nếu chúng ta xét về mặt giá trị làm ra, lương thì năng suất người đó gấp 10 lần, nhưng lao động của người điều dưỡng đó thậm chí nhẹ nhàng và đơn giản hơn do có nhiều máy móc, công nghệ hiện đại hỗ trợ. Vì vậy cần phải xem xét lại cách tính NSLĐ hay NSLĐ xã hội”, ông Ánh nói.

Theo ông Ánh, hiện nay bàn về NSLĐ và tăng NSLĐ ở Việt Nam mới chỉ quan tâm đến góc độ kinh tế vĩ mô, đó là trả lời cho câu hỏi làm như thế nào, trong khi cách tiếp cận về tài chính và giá học thì NSLĐ cần phải trả lời làm cái gì?.

Để trả lời được cả hai câu hỏi trên, các chuyên gia cho rằng phải nâng cao được hàm lượng công nghệ, nâng cao chất lượng lao động, thay vì giá trị sản xuất chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ và khai thác tài nguyên.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất thấp và trung bình chiếm tỷ lệ quá cao sẽ làm giảm năng suất của người lao động, trong khi đó, NSLĐ của từng cá nhân tại các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc… luôn đạt trên 1 tỷ đồng/năm nhờ sự làm chủ về công nghệ, thương hiệu.

Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động mạnh vào nền kinh tế, máy móc đang dần thay thế con người. Vì vậy, cần thay đổi quan niệm lao động giá rẻ là ưu thế, mà thay vào đó cần phải nâng cao chất lượng lao động.

Với góc nhìn của chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp, PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh - Phó Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng trước hết cần phải thay đổi tư duy lãnh đạo của chủ doanh nghiệp, phải xây dựng được hệ thống và quy trình nhân sự tinh gọn, nhưng làm việc hiệu quả bằng cách tạo ra môi trường gắn kết, gần gũi giúp nhân viên nhiệt tình và hăng say trong công việc.