Chiến trường gọi xe công nghệ và những chiến binh đã gục ngã

Theo Thanh Thúy/thuongtruong.vn

Sau khi Grab hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber Việt Nam, các ứng dụng gọi xe trong nước liên tục xuất hiện với tham vọng lấp đầy khoảng trống mà Uber để lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Các tân binh "hăm hở" tiến vào thị trường

Từ đầu tháng 4, ngay sau khi  Uber rời Việt Nam, Vato chính thức ra nhập thị trường, thậm chí sớm hơn 1 tháng so với dự kiến. Ứng dụng Vato cũng cung cấp các dịch vụ vận chuyển giống với Grab, bao gồm: Vato Car, Vato Bike và Vato Ship (giao hàng). Với khoản đầu tư được cam kết là 100 triệu USD từ Phương Trang, Vato không chỉ nhắm tới phát triển ứng dụng gọi xe đơn thuần mà sẽ tích hợp nhiều chức năng đi kèm trong đó có cả mảng thanh toán. Năm đầu tiên ra mắt, ứng dụng cũng dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 100 tỉ đồng để chạy các chương trình khuyến mãi cho tài xế và cách hàng, theo cách Uber hay Grab dùng trong thời gian đầu tham gia thị trường.

Đến giữa tháng 6, hai tân binh nội cùng gia nhập thị trường là Fastgo và Aber. Trong đó, Fastgo là ứng dụng được phát triển bởi Công ty cổ phần công nghệ mPOS, thuộc hệ sinh thái Tập đoàn công nghệ Nexttech. Fasgo cung cấp 3 dịch vụ cốt lõi là: Fast Car - dịch vụ xe 4 bánh dành cho tài xế cá nhân có nhu cầu gia tăng thu nhập; Fast Taxi - dịch vụ liên kết với các hãng taxi để cung cấp giải pháp gọi xe trên ứng dụng FastGo, Fast Luxury - dịch vụ xe hơi sang trọng. Sau khi ra mắt tại Hà Nội, ứng dụng này đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có mặt tại 8 thành phố lớn, đạt 5 triệu người dùng và 20.000 lái xe. 

Aber do một nhóm những người Việt trẻ ở thế hệ 8x, 9x dựng lên dựa trên nền tảng công nghệ của Đức. So về mặt dịch vụ, Aber thậm chí còn đa dạng hơn cả Vato khi cung cấp tới 6 dịch vụ vận chuyển gồm: Aber Bike (xe ôm công nghệ), Aber Car (taxi công nghệ), Aber Truck (xe giao hàng - xe tải), Aber Travel (trải nghiệm du lịch cùng Aber), Aber Business (xe doanh nghiệp) và Aber Express (dịch vụ giao hàng). Hãng này còn tính đến kế hoạch mở rộng ra thị trường các nước láng giềng vào năm 2020.

Và mới xuất hiện và gây sốt thời gian gần đây, Go-Viet là dịch vụ gọi xe công nghệ được công ty Go-Jek đầu tư và hậu thuẫn phía sau. Go-Jek đã có 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực gọi xe tại Indonesia, với khoản đầu tư 500 triệu USD để mở rộng thị trường ra các nước Đông Nam Á để đẩy mạnh sự cạnh tranh với Grab. Việt Nam là nước đầu tiên hoạt động trong kế hoạch này và tuần vừa rồi Go-Jek tại Thái Lan mang tên là GET cũng đang tuyển dụng tài xế để chuẩn bị ra mắt thị trường.

Tiềm lực tài chính không đủ, hụt hơi trước các ông lớn

Ông Tan Hooi Ling - đồng sáng lập Grab, chia sẻ: "tiềm lực tài chính không đủ mạnh là nguyên nhân khiến các ứng dụng nội đang hụt hơi trong cuộc chiến đường dài với ông lớn Grab. Sau thời gian rầm rộ khai trương lúc ban đầu, Fastgo hay Vato đều đang hoạt động khá im ắng. Aber thậm chí còn thê thảm hơn khi đã tạm ngưng hoạt động nhưng chưa thấy hẹn ngày "tái ngộ".

Trên trang Fanpage chính thức, Aber thông báo sẽ tạm ngưng ứng dụng từ ngày 10/8 để nâng cấp hệ thống. Facebook có tên Aber Nguyễn, người tự xưng là CEO Aber cũng đề cập đến vấn đề này và cho biết sau thời gian nâng cấp, "dự kiến ngày 20/09/2018, Aber sẽ trở lại bằng việc "bùng nổ" tại thị trường Hà Nội". Nhưng đến nay đã là đầu tháng 10, chưa thấy dấu hiệu gì của việc Aber sẽ trở lại. Fanpage Aber Việt Nam đã dừng cập nhật từ ngày 18/9. Thậm chí địa chỉ trang web Aber.com.vn thì biến mất hoàn toàn.

Việc này khiến nhiều người liên tưởng đến ứng dụng gọi xe Yoko Cab của Nhật Bản khi ra mắt vào 18/08/2017 tại TPHCM tuy nhiên chưa đầy 2 tháng sau đã ra thông báo ngưng hoạt động vĩnh viễn.

Trong bối cảnh các ông lớn liên tục chạy chương trình khuyến mãi cho tài xế dựa trên số cuốc xe, việc chiết khấu dựa vào tổng thu nhập cuối tháng (tính ra chưa đến 10%) của Aber không thể đủ hấp dẫn để kéo tài xế về phía hãng này, đặc biệt khi lượng khách hàng sử dụng dịch vụ vẫn còn quá khiêm tốn. Đấy là chưa kể Grab hay Uber phát đồng phục miễn phí cho tài xế xe ôm để tăng độ phủ thương hiệu còn Aber vẫn yêu họ phải trả tiền mua đồng phục. Rất có thể Aber là trường hợp đầu tiên nhưng không phải cuối cùng tạm dừng cuộc chơi tại thị trường gọi xe khốc liệt của Việt Nam.