Chờ hạ tầng cảng lên "nấc thang" cao hơn giữa đại dịch

Theo Thế Vinh/vnbusiness.vn

Các cảng, ICD (cảng cạn) tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai hiện đã gần hết công suất khai thác. Tình trạng tồn bãi tăng cao ở cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đợt 4 là dẫn chứng điển hình. Điều này đòi hỏi cần có “nấc thang” cao hơn cho hạ tầng cảng trước tình hình mới, nhất là nâng cấp, phát triển dài hạn các công trình cảng và ICD mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cuối tuần qua, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thông báo cảng Cát Lái không tiếp nhận các trường hợp hạ bãi chờ xuất sớm, chỉ tiếp nhận hạ bãi chờ xuất đúng thời gian quy định. Các doanh nghiệp (DN) được khuyến cáo nên cập nhật thông tin lịch tàu thường xuyên để chủ động trong việc hạ container về cảng Cát Lái.

Giảm tải cho cảng Cát Lái 

Giữa tình hình dịch COVID-19 đợt 4 “leo thang” căng thẳng ở các tỉnh phía Nam, do nhiều DN tạm dừng hoạt động, việc lưu thông hàng hóa tại cảng Cát Lái giảm mạnh, khiến cho dung lượng tồn bãi tại cảng này đang tăng cao.

Ghi nhận những ngày gần đây cho thấy, dung lượng tồn bãi tại cảng Cát Lái luôn chạm mức hết công suất, đặc biệt dung lượng dành cho hàng nhập khẩu luôn chạm ngưỡng trên 100% công suất. Điều này dẫn đến nguy cơ gián đoạn hoạt động, phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng bán hàng trên bãi. 

Để giảm tải cho cảng Cát Lái trong thời điểm dịch bệnh này đang có những đề xuất vận chuyển hàng tồn đọng về cảng Tân Cảng Hiệp Phước để lưu giữ và chờ làm thủ tục. 

Ngoài ra, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn có thể thuê các cảng thuộc địa bàn của TP. Hồ Chí Minh (cảng SP-ITC, cảng VICT, cảng Lotus, cảng Tân Thuận...) để lưu giữ hàng hóa thay cho cảng Cát Lái.

Trong khi đó, bà Đỗ Thu Hường, Phó giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, hầu hết các cảng, ICD tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đã gần hết công suất khai thác và hiện tại chưa có dự án mới.

“Hiện nay, các ICD gần như là hết công suất. Khách hàng chỉ được hạ container hàng xuất trước 2 - 3 ngày. Thậm chí như cảng Cát Lái cũng chỉ tiếp nhận container hàng xuất trước 4 ngày”, bà Hường thông tin.

Không chỉ vậy, đối với tàu ghé cảng biển nước sâu Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì trên 85% hàng hoá được trung chuyển qua các cảng, ICD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh bằng đường thuỷ.

Cảng Cái Mép hiện vẫn đang được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải hàng nhập khẩu cho cảng Cát Lái. Tuy nhiên, giữa bối cảnh dịch bệnh thì thời gian vận chuyển container từ Cái Mép về TP. Hồ Chí Minh có thể kéo dài, phát sinh chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, dịch vụ của các DN xuất nhập khẩu.

Với việc kết nối hàng hoá giữa một số ICD với khu vực cảng Cái Mép, bà Hường nhấn mạnh, cần tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tiến quy trình sản xuất nhằm nâng cao năng lực thông qua tại các cảng và các ICD trong hệ thống.

Xung lực” mới cho thị trường

Mặt khác, theo Phó giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, cần phát triển dịch vụ tiếp nhận, lưu giữ, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cơ sở ICD. 

Đặc biệt, nên tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực vận tải hàng hóa giữa các cảng, chuyển khẩu bằng đường thủy, đường bộ kết nối các cảng, ICD, cũng như có kế hoạch phát triển dài hạn các công trình cảng và ICD mới nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng xuất nhập khẩu trong tương lai.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dịch bệnh đang tác động tiêu cực đến lĩnh vực logistics, nhưng vẫn có DN trong lĩnh vực này có thể hưởng lợi, trong đó có hoạt động của các cảng đang cho thấy tăng trưởng rất mạnh trong thời gian qua. 

Ở TP. Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận, 87% hàng hoá xuất khẩu được hạ tại các ICD và các cảng sông để xuất qua cảng nước sâu; 13% còn lại được hạ tại cảng Cát Lái.

Trong khi đó, 73% lượng hàng nhập khẩu từ cảng nước sâu được chuyển về khu vực ICD và cảng sông. 26% còn lại là chuyển về cảng Cát Lái.

Từ số liệu này, ông Hải cho biết nhu cầu về hàng hoá thông qua hệ thống ICD được dự báo tăng dần trong giai đoạn 2020 - 2025 và 2030, kể cả sau năm 2030. 

Với cảng Cái Mép, theo Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đây là một trong hai cảng nước sâu lớn của cả nước, trong tương lai sẽ còn được đầu tư thêm nhằm trở thành cảng “hạng đặc biệt”.

Cùng với việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cùng các FTA trước đây, ông Hải tin rằng sẽ đem lại “xung lực” mới cho hoạt động xuất nhập khẩu và cũng tạo ra “xung lực” cho hoạt động của các cảng.

Giới chuyên gia cho rằng, sức hấp dẫn của thị trường cảng, ICD nói riêng sẽ chỉ theo chiều tăng lên trong mắt các nhà đầu tư. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics đang rất nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, cần phải thấy thị trường cảng, ICD nói riêng và thị trường logistics nói chung ở trong nước vẫn còn một số mặt hạn chế nhất định và đã bộc lộ rõ giữa đại dịch COVID-19 đợt 4. 

Theo ông Paul Fisher, tổng giám đốc một công ty nghiên cứu thị trường về hạ tầng công nghiệp tại Việt Nam, thị trường logistics ở Việt Nam đang đòi hỏi cần có một lượng lớn nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cũng như phát triển các cơ sở vật chất hiện đại.

Và ông Paul tin tưởng thị trường logistics Việt sẽ bước lên một “nấc thang” cao hơn trong tiến trình phát triển, tương tự như tiến trình mà các thị trường khác trong khu vực đã trải qua.