Cơ cấu vốn của các doanh nghiệp thủy sản ở Việt Nam và vấn đề đặt ra
Dựa vào số liệu tổng hợp của Tổng cục Thống kê đối với 54 doanh nghiệp thủy sản từ năm 2011 – 2017 bao gồm cả những doanh nghiệp có quy mô lớn, nhỏ và vừa thuộc các loại hình doanh nghiệp khác nhau, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu về cơ cấu vốn. Nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp thủy sản đang có cơ cấu vốn nghiêng nhiều về nợ phải trả và vấn đề lo ngại là xu hướng ngày càng tăng vay nợ để tài trợ cho nhu cầu vốn. Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp lại liên tục giảm. Nghiên cứu này cũng chỉ ra các nguyên nhân của thực trạng đó, từ đó đề xuất các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh nhằm gia tăng lợi nhuận và hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh.
Trong quá trình phát triển, ngành Thủy sản phải đối diện với không ít khó khăn liên quan đến vấn đề vốn đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh. Quy mô lớn hơn thì đòi hỏi nhiều hơn về vốn, về khả năng quản lý, khả năng mở rộng thị trường tìm kiếm doanh thu. Quy mô nhỏ và ít vốn thì khó nâng cao trình độ khoa học công nghệ, chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh thị phần. Lựa chọn quy mô phù hợp và một cơ cấu vốn tối ưu, tăng khả năng quản trị tài chính nội bộ các doanh nghiệp (DN) để nâng cao hiệu quả kinh doanh là một bài toán cần có lời giải.
Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả lựa chọn một số DN cả quy mô lớn, nhỏ và vừa, có vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản. Từ số liệu của Tổng cục Thống kê, nhóm tác giả đã lựa chọn số liệu của 54 DN thủy sản điển hình ở Việt Nam thuộc các loại hình như: DNNN, công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài để đánh giá thực trạng hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN (trong đó có 17 DN niêm yết).
Tác giả sử dụng các phương pháp định tính, thống kê dữ liệu, thu thập ý kiến chuyên gia và tiến hành tổng hợp, phân tích và luận giải các vấn đề về tài chính, vấn đề vốn và cơ cấu vốn tại các DN để thực hiện nghiên cứu. Kết hợp với những dữ liệu chứng minh từ thực tế, tác giả đưa ra những nhận định về nguyên nhân của thực trạng và đề xuất một số khuyến nghị phù hợp.
Kết quả nghiên cứu thực trạng cơ cấu vốn của các doanh nghiệp thủy sản
Khái quát về tổng vốn của doanh nghiệp
Tổng vốn của các DN thủy sản không ngừng tăng trong 7 năm qua (2011 - 2016). Cụ thể, tổng tài sản năm 2016 tăng 70,59% so với năm 2011. Việc chủ động gia tăng quy mô tài sản trong bối cảnh khó khăn về thị trường là việc làm có tầm nhìn xa cho chiến lược phát triển dài hạn. Điều này cho thấy, quyết tâm mở rộng sản xuất kinh doanh của nhiều DN trong ngành Thủy sản.
Quy mô và cơ cấu tài sản của các DN thủy sản giai đoạn 2011 - 2017 (Hình 1) cho thấy, tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của các DN thủy sản giai đoạn 2011 – 2017 và có xu hướng tăng. Cụ thể, tổng tài sản ngắn hạn năm 2016 tăng 68,63% so với 2011. Như vậy, việc gia tăng tài sản chủ yếu là tài sản ngắn hạn. Điều này có nghĩa là phần lớn vốn vay là phục vụ cho việc hình thành các tài sản ngắn hạn như hàng tồn kho, khoản phải thu, tiền đáp ứng nhu cầu trước mắt của DN khi tăng doanh thu.
Tuy vậy, chênh lệch về tỷ lệ tài sản cho thấy, cũng có sự gia tăng cả về tài sản dài hạn nhưng chưa nhiều. Điều này thể hiện đã có sự đầu tư theo chiều sâu của các DN. Ngoại trừ một số DN chế biến thủy sản có công nghệ hiện đại, phần lớn DN còn sử dụng công nghệ nuôi trồng, chế biến chưa tiên tiến và quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ cho ra sản phẩm với chất lượng chưa đạt như mong muốn. Điều này khiến sản phẩm thủy sản Việt Nam có năng lực cạnh tranh thấp hơn so với sản phẩm thủy sản đến từ các quốc gia khác có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, quy mô lớn như: Thái Lan, Indonexia, Trung Quốc. Vì vậy, việc phải đổi mới công nghệ, xây dựng liên kết chuỗi giá trị trong ngành Thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm là vấn đề cấp thiết đặt ra.
Cơ cấu vốn của các doanh nghiệp
Số liệu trong Bảng 1 và Bảng 2 cũng cho thấy, sự gia tăng tài sản được tài trợ bằng việc gia tăng các khoản nợ phải trả vì tỷ số nợ các năm đều trên 60%; đồng thời, tốc độ gia tăng nợ vay nhanh và liên tục qua các năm; Nợ vay năm 2017 tăng 72% so với năm 2011. Tỷ suất tự tài trợ thì đang giảm dần; Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu tăng dần ở mức cao... Điều này chỉ ra các DN đang gia tăng sử dụng đòn bẩy tài chính; Tăng vay nợ để tài trợ nhu cầu vốn hình thành tài sản, đáp ứng gia tăng doanh thu là một quyết định tài chính cơ bản.
Việc gia tăng quy mô và doanh thu liên tục khiến các DN trong Ngành luôn gặp áp lực về tài chính. Nhu cầu vốn tăng cao khiến tỷ lệ nợ phải trả cũng vì vậy mà tăng theo. DN bị phụ thuộc nhiều hơn vào các khoản nợ. Riêng các DN thủy sản niêm yết có tỷ lệ nợ lên tới 75% năm 2015. Tỷ lệ vay nợ tăng liên tục là điều rất đáng lo ngại, nhất là khi lợi nhuận của các DN có dấu hiệu đi xuống. Vấn đề lợi nhuận sụt giảm là do nhiều nguyên nhân khách quan nhưng cũng có một phần chủ quan của công tác quản trị tài chính. Các DN chi phí cho lãi vay ngày càng cao khiến gia tăng chi phí tài chính, làm cho lợi nhuận giảm. Trước sức ép của thị trường, DN phải chủ động chi phí nhiều hơn cho quản lý DN, tạo dựng thương hiệu, giành các giấy chứng nhận cần thiết, tăng chi phí khác. Đây cũng là một lý do giảm lợi nhuận. Năm 2015, lợi nhuận giảm rất mạnh trong khi vay nợ tăng cao.
Sự sụt giảm lợi nhuận là nguyên nhân trực tiếp tác động giảm mạnh đến tỷ suất sinh lời lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trong 2 năm gần đây. Trong khi đó, vòng quay tài sản ổn định. Phân tích Dupont chỉ ra rằng, đòn bẩy tài chính không còn có khả năng khuếch đại ROE, trong 2 năm gần nhất. Như vậy, việc vay nợ không đạt được nhiều mục tiêu như nhà quản trị tài chính mong đợi. Hiệu quả kinh tế tài chính còn đang bị ảnh hưởng bởi hành vi này.
DN vay nợ còn nhiều là do còn thiếu các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường tài chính để hỗ trợ các DN thủy sản về khía cạnh vốn đầu tư. Số các DN niêm yết là quá ít so với tiềm lực thực sự của các DN trong Ngành. Kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán đang chưa đem lại lợi ích nhiều cho Ngành. Bản thân các DN niêm yết cũng chưa khai thác được vốn chủ sở hữu qua thị trường hay vốn đầu tư trực tiếp mà vẫn phải gia tăng vay nợ. Cùng với rủi ro tài chính còn cao, các rủi ro về kinh doanh do đặc thù riêng khiến các DN thủy sản ở Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề khó giải quyết khiến cho bài toán vay nợ khó tìm ra lời giải.
Kết luận và đề xuất một số giải pháp
Tại các DN thủy sản ở Việt Nam, nhu cầu về vốn rất lớn phục vụ cho gia tăng quy mô tài sản để chủ động nâng cao lợi thế cạnh tranh. Với quy mô lớn, các DN thủy sản có điều kiện để áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm với chi phí thấp hơn. Quy mô lớn cũng đáp ứng được các yêu cầu đơn hàng quốc tế và trong nước tốt hơn. Từ thực trạng đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau:
Thứ nhất, thực hiện gia tăng quy mô các DN thủy sản bằng một số biện pháp có tính bền vững, có thể bằng việc mua bán sáp nhập các DN cùng Ngành. Bên cạnh đó, các DN cũng có thể gọi vốn đầu tư trực tiếp từ trong và ngoài nước thông qua các kênh huy động tài chính như thị trường chứng khoán. Việc thu hút vốn qua thị trường chứng khoán sẽ giúp DN thủy sản có được lượng vốn lớn, giảm chi phí lãi vay, giảm rủi ro tài chính để kích thích gia tăng lợi nhuận. Tuy vậy, số lượng các DN thủy sản niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam còn ít và khả năng huy động vốn cũng hạn chế. Các DN thủy sản đủ điều kiện niêm yết phải thấy được lợi ích lâu dài của việc tham gia thị trường mà hoàn thiện các yêu cầu để có thể được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Thứ hai, để có đủ vốn ngắn hạn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày, các DN cần xem xét bài toán về chuỗi giá trị tài chính. Chuỗi giá trị tài chính cũng là một biện pháp mà các DN cần nghiên cứu. Như đã phân tích, chuỗi giá trị theo chiều dọc liên kết chặt chẽ sẽ hỗ trợ các DN hay hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm tiết kiệm chi phí, khai thác được lợi thế của nhau và tận dụng được cả vấn đề về vốn kinh doanh.
Tài liệu tham khảo:
- Bùi Văn Vần, Vũ Văn Ninh, Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính 2013;
- Nguyễn Trọng Cơ, Nghiêm Thị Thà, Phân tích tài chính doanh nghiệp,
NXB Tài chính 2011; - Bùi Đức Tuân (2010), Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chế biến thủy sản Việt Nam, Luận án tiến sĩ;
- Phạm Thị Thanh Hòa (2016), Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn vốn của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết tại Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp học viện, Học viện Tài chính;
- Website Hiệp hội Thủy sản Việt Nam Vasep, Tổng cục Thủy sản Việt Nam, Website của 17 công ty thủy sản niêm yết.