Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn ra thế giới

Theo Ngọc Khanh/thoibaonganhang.vn

Thương mại quốc tế diễn biến tích cực, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam giao thương toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Việt Nam đã và đang chuẩn bị tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nắm bắt nhiều cơ hội giao thương quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng cho tới nay các hoạt động thương mại quốc tế dường như vẫn ngoài tầm với của đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hầu như chỉ có DN lớn là thực hiện được. Tuy nhiên tại Hội thảo “Hỗ trợ thương mại quốc tế cho DNNVV”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 31/10, viễn cảnh tươi sáng hơn cho khối DN này đã được mở ra.

Vì sao giao dịch quốc tế ngoài tầm với?

Dẫn kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu châu Á, TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết, tỷ lệ DNNVV Việt Nam tham gia thương mại quốc tế còn thấp so với các nước trong khu vực. Mặc dù chiếm tới gần 98% tổng số DN, nhưng các DNNVV chỉ chiếm trên dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

“Tỷ lệ DNNVV Việt Nam tham gia mạng lưới thương mại toàn cầu còn thấp chỉ chiếm khoảng 21%, trong khi con số này tại Malaysia là 46%... Tỷ lệ này cho thấy đây là điểm yếu của DNNVV Việt Nam”, TS. Phạm Thị Thu Hằng cho biết. Bà Hằng giải thích, sự tham gia của khối DNNVV vào hoạt động thương mại quốc tế còn hạn chế do khối này gặp phải không ít khó khăn và thách thức trong việc cập nhật thông tin vĩ mô, chuẩn bị năng lực tài chính, năng lực giao dịch quốc tế và chuẩn hóa quy trình xuất nhập khẩu.

Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định, khi Việt Nam mở rộng thương mại quốc tế, các DNNVV sẽ đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên hiện nay khối DN này đang gặp nhiều thách thức như hạn chế trong việc tiếp cận vốn và tài trợ thương mại, thiếu dữ liệu, thiếu kênh bán hàng và thiếu kinh nghiệm giao dịch quốc tế.

Từ hoạt động thực tế của DN mình, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty cổ phần OIC chia sẻ, DN gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin thị trường, nhu cầu, tiêu chuẩn của các thị trường mới. Vị này cho rằng tìm kiếm khách hàng ở nước ngoài rất khó khăn, cùng với đó là cách thức tiếp cận với từng môi trường, từng nước để xem văn hoá, cách làm việc như thế nào. “Tôi mong Chính phủ có biện pháp hỗ trợ DN một cách tổng thể, có thể tạo ra cộng đồng hoặc dữ liệu chung để chúng tôi tra cứu khi cần”, bà Tuyết kiến nghị.

Cơ hội rộng mở hơn, doanh nghiệp cần chủ động

Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho biết, diễn biến thương mại quốc tế có nhiều dấu hiệu tốt lành, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN Việt Nam, đặc biệt là DNNVV tham gia vào hoạt động giao thương toàn cầu. Cho đến thời điểm hiện tại, cái nhìn về kinh tế thế giới đã tươi sáng hơn rất nhiều so với đầu năm, tất cả các dự báo đều điều chỉnh theo hướng tốt hơn. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo đạt mức 3,6-3,7% cao hơn dự báo đầu năm là 3,3-3,4%… Nền kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản đều được dự báo tăng trưởng tốt, và đó đều là đối tác lớn nhất của Việt Nam. Chưa kể có rất nhiều thị trường lớn mà Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, đơn cử như xuất khẩu sang Nga trong năm vừa qua chỉ chiếm khoảng 1% tổng thương mại hàng hoá của Việt Nam, trong khi đây là thị trường rất rộng lớn.

Tin tốt lành thứ 2 là giai đoạn 2015-2016, thời kỳ đen tối nhất của thương mại thế giới dường như đã đi qua. Ông Thành phân tích, chưa bao giờ trong 40-50 năm qua, tăng trưởng thương mại lại thấp hơn tăng trưởng kinh tế chung. Trước sự chững lại đột ngột của thương mại toàn cầu trong 2 năm vừa qua, Việt Nam chỉ dám đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cho năm 2017 là 10%, song thực tế đến nay lại vọt lên tới 20%. “Năm nay và năm sau, và có thể là tới năm 2020, tăng trưởng thương mại sẽ cao hơn tăng trưởng chung, đạt mức 4,2-4,3%, là tín hiệu tốt cho xuất khẩu của Việt Nam”, ông Thành dự báo.

Trước những dấu hiệu thuận lợi của kinh tế và thương mại thế giới, cơ hội khai thác thị trường sẽ nằm trong tay của chính các DN. Theo ông Thành, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, trên thế giới hiện nay có 2 xu hướng phát triển của DN là ngày càng to lên, hoặc ngày càng nhỏ đi. Vì vậy lâu nay xu hướng phát triển của DNNVV Việt Nam là ngày càng “li ti hoá”, tuy có vẻ không tốt, nhưng theo nghĩa nào đó lại có điểm tốt. “Điều này cho thấy khả năng giao diện, tiếp cận thị trường, quảng bá thông tin… của DN linh hoạt hơn, có những lợi thế nhất định để kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Thành bình luận.

Trả lời câu hỏi của DN về khả năng tiếp cận chuỗi giá trị, TS. Võ Trí Thành cho rằng cơ hội đến từ chính các tập đoàn đang có mặt tại Việt Nam. Để giao thương quốc tế, DN không nhất thiết phải tìm khách hàng ở nước ngoài. Cụ thể, theo ông Thành, trong mạng sản xuất của các tập đoàn lớn như Samsung vẫn còn rất nhiều vị trí mà DN Việt Nam có thể tham gia, không chỉ là sản xuất hàng hoá mà cả cung cấp dịch vụ. Các DNNVV khi tham gia với các tập đoàn này sẽ được hưởng các lợi thế như lợi thế nhờ quy mô, vì các tập đoàn này đều sản xuất ở quy mô lớn. Lợi thế thứ 2 là được hưởng uy tín khi hợp tác với các tập đoàn lớn, sẽ giúp các DN tháo gỡ các nút thắt về tín dụng, công nghệ…

Ông Thành phân tích từ vấn đề tín dụng, hiện nay chưa cao như kỳ vọng. Tuy nhiên đó là do năng lực tài chính của DN còn hạn chế. Cụ thể, cách làm, trình bày thuyết minh dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh đầu tư của DN còn rất yếu. Bên cạnh đó năng lực tài sản của DN cũng không cao và chúng ta đều biết vay NH thì điều kiện quan trọng là thế chấp hoặc tín chấp, nhưng khả năng tài sản của DN rất yếu, vì vậy NH chưa đủ tin tưởng.

Cuối cùng là năng lực kết nối của DN chưa tốt. “Nhiều NH có thể cho vay theo dòng tiền, theo mức tín nhiệm, thế nhưng khả năng kết nối với hoạt động của các tập đoàn lớn, DN dẫn dắt, tiên phong của DNNVV còn yếu, nên lòng tin của NH không cao”, ông Thành cho biết. Vì vậy, trong bối cảnh này, không chỉ cần sự nỗ lực của DN mà Nhà nước cũng cần có vai trò đề ra các chương trình hỗ trợ, lập ra các tổ chức định mức tín nhiệm cho DNNVV để chung tay hỗ trợ khối DN này tham gia hoạt động thương mại quốc tế.