Cơ hội M&A từ doanh nghiệp nhà nước

Hoàng Phi (theo TBKTSG)

Quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang được các chuyên gia nhìn nhận là một cơ hội lớn đối với hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong thời gian tới.

Mới đây, Bộ Tài chính thông báo kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa 899 DNNN giai đoạn 2011 - 2015, trong đó 367 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa, và 532 doanh nghiệp sẽ được xử lý theo nhiều hình thức như giao, bán, giải thể, phá sản…

Theo thông báo của bộ, có 93 DNNN đã đăng ký cổ phần hóa trong năm 2012, trong đó 22 doanh nghiệp thuộc các bộ, 33 doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, và 38 doanh nghiệp thuộc các địa phương.

Trong danh sách này có những cái tên mà giới đầu tư nước ngoài đang dòm ngó như Vinatex, Lọc - Hóa dầu Bình Sơn, Viglacera hay Lilama.

Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đang rao bán và chuyển nhượng cổ phần tại 32 công ty mà mình góp vốn, từ quỹ đầu tư, công ty gas, du lịch, công nghiệp, sứ, chế tạo dàn khoan …, bao gồm cả mua cổ phần lẫn góp vốn thương hiệu.

Có 13 doanh nghiệp thành viên cùng tài sản đất đai ở bốn doanh nghiệp khác thuộc Vinashin cũng đang được công ty chào mời thị trường mua vào.

Cụ thể bốn tài sản đất đai gồm 318.000m2 đất cho nuôi trồng thuỷ sản tại Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, và đất cho xây dựng cơ sở giáo dục và khu đô thị mới tại Đà Nẵng và Quảng Nam.

Đây là một phần trong hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp của tập đoàn có đến hơn 200 công ty con này, nhằm để đến năm 2013, Vinashin chỉ còn giữ lại 15 công ty con, hai liên doanh, một công ty liên kết và hai đơn vị sự nghiệp.

Động thái của Vinashin trong tiến trình tái cơ cấu, cùng với quá trình cổ phần hóa các DNNN khác, đang là đích nhắm của nhiều nhà đầu tư bên ngoài.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đổi mới DNNN, năm 2001 cả nước có khoảng gần 6.000 DNNN thì đến nay con số còn lại là 1.309 doanh nghiệp, và trong thời gian tới 60% số doanh nghiệp này phải cổ phần hóa.

“Tiến trình cổ phần hóa sắp tới sẽ được thúc đẩy, và đây là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư tham gia vào M&A”, ông Tuấn nhận định.

Giám đốc điều hành VinaCapital, quỹ đang đầu tư vào bốn DNNN, gồm Vinamilk, Đạm Phú Mỹ, Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao và Cao su Phước Hòa, ông Andy Ho, nhận định quá trình cổ phần hóa DNNN, một hoạt động trọng yếu của thị trường vốn đang tăng trưởng tại Việt Nam, đang bước vào giai đoạn cuối.

“Thanh khoản trên thị trường chứng khoán sẽ gia tăng thúc đẩy các hoạt động M&A. Trong khoảng ba năm tới, tiềm năng của việc các DNNN phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) là rất lớn”, ông nhận định.

Danh sách một số doanh nghiệp hấp dẫn, theo ông Andy Ho gồm Vinatex, Vietnam Airlines, Vinafood1, Satra…

Đặc biệt nhất là MobiFone, công ty có doanh thu 2,1 tỉ đô la Mỹ và lợi nhuận trước thuế 386 triệu đô la Mỹ.