Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Khắc phục điểm yếu định giá tài sản

Theo Việt Anh/baodauthau.vn

Định giá tài sản nhà nước trong cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian qua được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá là điểm yếu nhất trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.

Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011 – 2017. Ảnh: Hoài Tâm
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011 – 2017. Ảnh: Hoài Tâm

Khắc phục hạn chế này, Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN vừa được Quốc hội thông qua ngày 15/6 đã chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện.

Định giá đất phù hợp với giá thị trường

Tại nghị quyết nêu trên, Quốc hội chỉ rõ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và CPH DNNN còn nhiều tồn tại, bất cập. Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và CPH DNNN vẫn còn chồng chéo, thiếu thống nhất với một số luật khác. Việc xử lý, cơ cấu lại một số tập đoàn, tổng công ty, dự án đầu tư thua lỗ, thu hồi vốn của Nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả còn chậm. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề đất đai, chính quyền ở một số địa phương còn buông lỏng quản lý đất đai, quản lý chuyển đổi mục đích, thực hiện nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất của DN sau CPH còn bất cập, thiếu minh bạch.

Xử lý điểm yếu về định giá đất trong CPH DNNN, Nghị quyết yêu cầu Chính phủ tiến hành rà soát diện tích đất của các DNNN, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực hiện việc xác định giá đất cụ thể phù hợp với quy định của Luật Đất đai để xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN CPH, tính đúng, tính đủ tiền thuê đất của DN, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước. Quản lý chặt chẽ, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của DN sau CPH, bảo đảm tuân thủ phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương CPH DN; trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án đã được phê duyệt thì tổ chức thu hồi và đấu giá công khai theo quy định của pháp luật; nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật đất đai về thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai. Tiến hành thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của DNNN, DN CPH sang kinh doanh, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2017, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

Đánh giá cao nội dung này của Nghị quyết, trao đổi bên hàng lang Quốc hội sáng 15/6, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) cho rằng, vấn đề đất đai trong CPH DNNN là vấn đề nổi cộm và bức xúc của nhiều cử tri. Theo ông Cường, những dự án sai phạm thời gian vừa qua đều xuất phát từ đất công CPH. Vì vậy, Quốc hội không chỉ đề ra các biện pháp thắt chặt xử lý đất công trong CPH tại nghị quyết này, mà còn đặt ra trong cả nghị quyết về giám sát chuyên đề sử dụng đất tại các khu đô thị, trong đó có vấn đề sử dụng đất của DNNN.

Nhìn lại quá trình CPH DNNN thời gian qua, ông Cường nhìn nhận: “Điểm yếu nhất liên quan đến định giá tài sản của DNNN một cách thỏa đáng, từ đó đưa ra giá chào bán hợp lý nhất mà không vi phạm luật pháp, nhưng cũng đủ hấp dẫn để kêu gọi các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược vào tiếp nhận DN”.

Để quản lý hiệu quả đất đai trong CPH DNNN, Nghị quyết Quốc hội cũng chỉ đạo Chính phủ giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN và việc sử dụng nguồn thu từ đất của các DNNN đã CPH giai đoạn 2011 - 2017, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019).

Liên quan đến vấn đề đất đai, Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày 15/6 cũng cho biết, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”. 

Không dùng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của DN

Một điểm đáng chú ý khác được Nghị quyết Quốc hội nhấn mạnh là không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của DN trong khắc phục những hạn chế, bất cập; thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN.  “Đến năm 2020, xử lý dứt điểm các DN vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của DN”, Nghị quyết nêu rõ.

“Bỏ tiền ngân sách để xử lý các DN thua lỗ là việc đã được thực hiện nhiều năm nay, song không có hiệu quả. Nếu Chính phủ tiếp tục bỏ tiền ngân sách vào để xử lý các dự án thua lỗ kéo dài có thể khiến tình trạng thua lỗ tiếp tục nặng thêm”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói và cho rằng, quá trình xử lý các DN thua lỗ phải theo phương châm tái cấu trúc DN. “Tái cấu trúc không có nghĩa là phải bán DN thua lỗ ngay lập tức mà phải tìm phương án cái gì giữ lại, cái gì thoái vốn. Bởi lẽ, có thể trong cùng DN có những phần chúng ta bán đi hoặc giữ lại để tạo ra các nguồn lực tái đầu tư, để cứu DN thua lỗ trở thành DN làm ăn có hiệu quả, sau đó mới thực hiện lộ trình chuyển thành DN tư nhân”, ông Cường nhấn mạnh.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong giai đoạn vừa qua; xử lý kịp thời các đề xuất, kiến nghị của DN. Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và CPH DNNN, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019).

Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của DNNN, nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ở nước ngoài, nguồn vốn mua bán, sáp nhập DN; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với DNNN. Tăng cường minh bạch thông tin đối với tất cả các DNNN theo các tiêu chuẩn áp dụng đối với công ty đại chúng; nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN...