Cổ phần hóa thành công từ phương thức mua bán nợ

Theo Tạp chí Cộng sản

Hiện nay, vướng mắc về tài chính, nợ xấu đang là lực cản lớn làm cho các doanh nghiệp nhà nước không đủ điều kiện để chuyển đổi sang hình thức cổ phần, hoặc cổ phần hóa gượng ép, xong vẫn tê liệt. Hoạt động cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua phương pháp mua bán nợ đang là một trong những điển hình, cách làm mới có hiệu quả trong việc giải quyết những vướng mắc tài chính nêu trên.

Để đẩy mạnh tiến trình sắp xếp DNNN, góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính của doanh nghiệp, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về cơ cấu lại tài chính của DNNN, trong đó có các quy định về xử lý nợ tồn đọng. Theo đó, doanh nghiệp được xử lý nợ tồn đọng thông qua nhiều biện pháp (tùy vào từng đối tượng cụ thể), trong đó có biện pháp bán nợ và tài sản tồn đọng cho Công ty Mua bán nợ (DATC) để thu hồi vốn. Và trong thực tế, nhiều DNNN dạng này đã tìm được lối thoát thông qua hoạt động của Công ty Mua bán nợ và xử lý tồn đọng của doanh nghiệp (nay là Công ty Mua bán nợ Việt Nam) - một trong những công cụ, phương thức tài chính hữu hiệu của Nhà nước để cứu các DNNN thoát khỏi nguy cơ phá sản, hơn nữa còn tiếp tục phát triển.
 
DATC là một trong những định chế tài chính trung gian được ra đời từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IX) về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN, phát huy vai trò, vị trí là một công cụ của nhà nước để tác động đến vị thế tài chính của DN. Với trọng trách đó, thực hiện hoạt động sắp xếp và chuyển đổi DNNN phù hợp với tình hình KT - XH Việt Nam hiện đại, nhiệm vụ trọng tâm nhất của DATC là tiếp nhận và xử lý tài sản tồn đọng, mua bán nợ gắn với tái cơ cấu nhằm mục tiêu lành mạnh hoá tình hình tài chính của các DN trong quá trình hội nhập và phát triển trong điều kiện nợ quá hạn, tồn đọng. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình, lợi ích mà DATC đem lại cho bản thân, doanh nghiệp và cộng đồng không chỉ là những giá trị hiệu quả cao về kinh tế.
 
Giải thoát nhiều doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản và cổ phần hóa thành công
 
Bằng giải pháp và phương thức cơ bản là tập trung vào hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu lại doanh nghiệp, DATC đã giúp các DN (mà DATC tham gia mua nợ) cơ cấu lại tài chính, bảo đảm có vốn tiếp tục hoạt động cũng như đủ điều kiện để chuyển đổi sở hữu, đồng thời tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vốn, hỗ trợ về kỹ thuật và quản lý để giúp DN cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý cũng như phát triển có hiệu quả hoạt động SX - KD sau khi được chuyển đổi sở hữu. Đến hết năm 2010, DATC đã cơ bản hoàn thành việc tiếp nhận và xử lý nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đã giải phóng mặt bằng, kho tàng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cổ phần phát triển và tận thu cho ngân sách nhà nước.
 
Lũy kế từ 2007 (là năm bắt đầu tái cơ cấu doanh nghiệp đầu tiên bằng phương thức này) đến năm 2010, chỉ trong 3 năm, thông qua hoạt động mua bán nợ, tiến hành xử lý tài chính, chuyển nợ thành vốn góp cổ phần, DATC đã triển khai thực hiện 62 phương án mua nợ và tài sản để tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó đã hoàn thành tái cơ cấu được 34 doanh nghiệp. Trong số 34 doanh nghiệp này có tới 14 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, không đủ điều kiện để cổ phần hóa, được DATC xử lý tài chính nên đã đủ điều kiện chuyển đổi thành CTCP thành công. 20 doanh nghiệp còn lại đều được DATC tái cơ cấu thành công trên nền cũ là các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có tiềm năng phát triển trên thị trường nhưng vẫn còn nhiều hệ lụy nợ đọng, chưa được xử lý triệt để về tài chính nên kinh doanh vẫn bị lỗ.
 
Như vậy, chỉ trong một khoảng thời gian 36 tháng kể từ khi bắt tay vào tái cơ cấu doanh nghiệp khách nợ đầu tiên, bình quân mỗi năm, DATC vực dậy trên 10 doanh nghiệp đã đứng bên bờ vực phá sản, nợ tồn đọng kéo dài và không còn đường thoát. Các doanh nghiệp được DATC tái cơ cấu thành công đều đã kinh doanh có hiệu quả trở lại, khi các chỉ tiêu cốt yếu như: doanh thu, lợi nhuận, cổ tức, nộp ngân sách nhà nước, thu nhập và giải quyết việc làm cho người lao động năm sau đều cao hơn năm trước. Điển hình cho loại hình doanh nghiệp khách nợ này là CTCP Đường Kon Tum, CTCP Mía đường Sơn La, CTCP Sadico Cần Thơ, CTCP 677, CTCP Intimex Nha Trang, CTCP Procimex Việt Nam, CTCP cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long, CTCP xây dựng vật tư vận tải, trong đó, CTCP Sadico Cần Thơ và CTCP Đường Kon Tum đã không những đứng dậy được từ đổ vỡ mà còn phát triển rất mạnh, tiến hành niêm yết thành công trên thị trường chứng khoán tập trung với giá trị cổ phiếu tăng xấp xỉ 3 đến 4 lần.
 
Điều đáng nói là tất cả các DN này trước chuyển đổi đều là các DN đang làm ăn thua lỗ, lâm vào bờ vực phá sản. Nhưng với phương thức mua bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp của DATC thì gần như ngay sau khi được DATC xử lý các vấn đề tồn đọng, tái cơ cấu phương thức SX-KD, bộ máy - cơ chế điều hành, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp dạng này đã thay đổi rõ rệt so với thời điểm bắt đầu tái cơ cấu, vượt qua khó khăn, làm ăn có lãi, trả được nợ vay và tích lũy đầu tư trở lại vào sản xuất, có doanh nghiệp trở thành công ty niêm yết. Những kết quả đó rất đáng mừng trên phương diện SX-KD - hoạt động mang tính quyết định sống còn của DN, nhưng điều đáng mừng, đáng nói hơn ở đây là từ những hiệu quả kinh tế mang tính trụ cột đó, các DN được DATC tái cơ cấu còn mang lại một hiệu quả kinh tế - xã hội rộng lớn không chỉ đối với người lao động trong DN nói riêng mà còn đối với bà con nhân dân nơi DN đứng chân nói chung. 
 
Tạo nên hiệu ứng xã hội to lớn
 
Trên phương diện lao động và việc làm, các doanh nghiệp tái cơ cấu đã không những duy trì việc làm mà còn mở rộng được thị trường, nâng cao thu nhập cho người lao động, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định. Không chỉ những người lao động trực tiếp của DN được hưởng lợi mà hàng chục ngàn lao động gián tiếp (như hộ nông dân trồng nguyên liệu, nhân dân trong vùng) cũng được hưởng lợi theo từ các DN làm ăn hiệu quả: CTCP Mía đường Sơn La đã gián tiếp giải quyết việc làm cho 4.465 hộ sản xuất và gần 100 xe tải, tạo việc làm cho trên 16.000 lao động là đồng bào dân tộc trong vùng nguyên liệu tại các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Thành phố Sơn La. CTCP Mía đường Kon Tum tạo việc làm, thu nhập cho 2.000 hộ nông dân trồng mía vùng Tây Nguyên. Hay như tại CTCP Mía đường Kiên Giang, Cà Mau, cùng với Sadico Cần Thơ, với điểm tựa trung tâm là doanh nghiệp, hàng chục ngàn lao động vùng Tây Nam Bộ sinh sống nơi doanh nghiệp đứng chân đã chịu ảnh hưởng từ hoạt động của các DN này. Cuộc sống của người công nhân, nông dân khấm khá, ổn định lại sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền cho các hoạt động khác như nâng cao đời sống văn hóa, giáo dục, y tế, ổn định dân cư, ổn định an ninh - xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho các lao động gián tiếp tại địa phương.
 
Với 3 điển hình của 3 DN được DATC tái cơ cấu ở vùng “tam Tây” (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ), có thể thấy hoạt động của DN có vị thế và ảnh hưởng mạnh mẽ đối với đời sống của cả vùng nông thôn - miền núi - hải đảo nói riêng. Thực tế cho thấy hoạt động tái cơ cấu DN thông qua phương thức mua bán nợ của DATC không những góp phần tích cực trong việc củng cố, sắp xếp lại và chuyển đổi sở hữu các DN (đặc biệt là các DNNN thua lỗ không còn vốn nhà nước, không đủ điều kiện để CPH), giúp các DN này tránh khỏi bị phá sản, xử lý được cơ bản các tồn tại tài chính, cơ cấu lại hoạt động SX - KD để tiếp tục tồn tại và phát triển có hiệu quả hơn... mà còn thiết thực góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, ổn định chính trị ở các địa phương, vùng, miền có các DN mà DATC tham gia hoạt động như đã tạo cơ hội việc làm cho người lao động và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là những lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ở địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
 
Đằng sau những thành công về việc làm, tiền lương, thu nhập doanh nghiệp này còn là những vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất đối với người lao động đã được DATC giải quyết tốt (như vấn đề giải quyết bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động). Hoạt động của DATC không những đảm bảo được tối đa quyền lợi của Nhà nước trong tiến trình xử lý nợ tồn đọng và lành mạnh hóa tình hình tài chính DN (bởi việc cơ cấu lại tài chính các DNNN làm ăn thua lỗ, mất hết vốn nhà nước không những không đòi hỏi phải có chi phí từ NSNN mà còn giúp nhà nước tiết kiệm được những khoản chi phí để xử lý các vấn đề chính trị, xã hội, đặc biệt là chi phí giải quyết việc làm, lao động dôi dư phát sinh từ việc phá sản DN, ngăn chặn việc phát sinh thêm những tổn thất tài chính đối với Nhà nước) mà còn giúp cho các khoản nợ đọng thuế, nợ bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn đều được giải quyết và thanh toán triệt để.
 
Với những hành động thiết thực của mình, DATC đã góp phần cùng ngành Tài chính thực thi có hiệu quả các giải pháp tài chính nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo mà Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ đã đề ra. Và, với việc xử lý nợ đọng, cổ phần hóa thành công, tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp, niêm yết thành công trên thị trường giao dịch chứng khoán tập trung đối với SADICO Cần Thơ (mã chứng khoán SDG), CTCP Đường Kon Tum (mã chứng khoán KTS) trong 2 năm vừa qua (và tới đây là CTCP Mía Đường Sơn La, Procimex Đà Nẵng..), rõ ràng, hoạt động cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua phương pháp mua bán nợ của DATC là một trong những điển hình mới, cách làm mới có hiệu quả cao trong tiến trình đổi mới DNNN nói riêng, đổi mới doanh nghiệp nói chung ở Việt Nam hiện nay.