Cổ phần hóa, thoái vốn chậm “làm khó” kế hoạch nộp tiền thu về ngân sách nhà nước

PV.

Khả năng hoàn thành kế hoạch nộp tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp về ngân sách nhà nước (NSNN) gặp khó trong bối cảnh nhiều yếu tố đang tác động đến hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016-2020, nguồn thu từ cổ phần hóa nộp về NSNN để phục vụ đầu tư trung và dài hạn là 250.000 tỷ đồng.

Trong năm 2019, Bộ Tài chính đã chuyển 50.000 tỷ đồng và 8 tháng đầu năm 2020 đã chuyển 6.500 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào NSNN. Luỹ kế từ năm 2016 đến tháng 6/2020, đã có 211.500 tỷ đồng được chuyển từ Quỹ vào NSNN, đạt 85% kế hoạch. Như vậy, trong năm 2020, số còn lại phải chuyển từ Quỹ vào NSNN theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội là 38.500 tỷ đồng.

Trong năm 2020, số còn lại phải chuyển từ Quỹ vào NSNN theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội là 38.500 tỷ đồng.

Dự kiến, trong trường hợp thực hiện thành công việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco và Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP trong quý III/2020 (về tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp), thì nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn năm 2020 là 42.200 tỷ đồng.

Thậm chí, con số này có thể đạt trên 45.000 tỷ đồng nếu các bộ, ngành trung ương, địa phương quyết liệt chỉ đạo triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng lộ trình cùng với xu hướng phục hồi của thị trường tài chính, chứng khoán.

Tuy nhiên, tình hình cổ phần hóa, thoái vốn khá chậm trong giai đoạn 2016-2019 và 8 tháng đầu năm 2020 khiến việc triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp theo kế hoạch trong 4 tháng còn lại năm 2020 khó khả thi, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành kế hoạch chuyển từ Quỹ về NSNN.

Nhằm đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn từ nay đến hết năm 2020, mới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ kịp thời nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khẩn trương xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thoái vốn để đảm bảo nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào NSNN theo yêu cầu của Quốc hội.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện bán cổ phần lần đầu (đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa) và thoái vốn, không thực hiện bán cổ phần, thoái vốn bằng mọi giá để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết, cần phải giảm chi đầu tư từ nguồn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp để đảm bảo cân đối NSNN.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa; xác định số phải nộp/tạm nộp và thực hiện nộp về Quỹ theo quy định, trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này. Đồng thời, thực hiện bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo đúng quy định hiện hành.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị cần tăng cường công tác chấp hành kỷ luật kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, mang lại hiệu quả, lợi ích cao nhất cho nhà nước...

Hiện nay, có khá nhiều nguyên nhân đang tác động đến hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp. Cụ thể, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ ra gồm: Chậm sửa đổi quy định về cổ phần hóa, thoái vốn; Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa quyết liệt; chưa chủ động hoặc chưa tham mưu, đề xuất với Thủ tướng để tháo gỡ các vướng mắc; vẫn còn hiện tượng “không dám làm, không dám chịu trách nhiệm”...

Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia, nguyên nhân bất khả kháng là dịch bệnh Covid-19 cũng đã gây ra nhiều hệ lụy khiến cho hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp vốn đã chậm, ì ạch nay càng “bế tắc” hơn.