Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước đảm bảo tiến độ và minh bạch

Theo Lan Anh/baocongthuong.com.vn

Đảm bảo sự phát triển bền vững sau khi cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước thay vì chỉ chú trọng tới yếu tố kinh tế - là nội dung chính tại hội thảo: “Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - Góc nhìn chuyên gia”, diễn ra ngày 12/6 tại Hà Nội.

Đảm bảo tiến độ và minh bạch thông tin về quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại DN. Nguồn: Internet
Đảm bảo tiến độ và minh bạch thông tin về quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại DN. Nguồn: Internet

Phát sinh vướng mắc

Theo các chuyên gia kinh tế, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn còn diễn ra chậm chạp, chính điều này đã làm không ít nhà đầu tư nản lòng, mất niềm tin vào lộ trình, kế hoạch mà Chính phủ đặt ra. Một vấn đề quan trọng mà Nhà nước cần quan tâm là phải đảm bảo sự phát triển bền vững sau khi cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp (DN) Nhà nước, thay vì chỉ chú trọng tới yếu tố kinh tế.

Báo cáo của Quốc hội khóa XIV cũng cho thấy về cổ phần hóa, thoái vốn tại DN, trong giai đoạn 2011-2016, trong số 426 DN, nhà đầu tư chiến lược chỉ nắm giữ 7,3% vốn điều lệ của DN cổ phần hóa. Điều này đã dẫn đến một thực tế đáng lo ngại là việc tham gia vào hội đồng quản trị của nhà đầu tư chiến lược chỉ mang tính hình thức.

PGS., TS. Ngô Trí Long chia sẻ, để quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước hỗ trợ tốt hơn nữa cho mục tiêu cải thiện chất lượng quản trị tại DN, trước hết, Nhà nước cần phải nhận thức được vai trò quan trọng của các nhà đầu tư chiến lược và tạo môi trường để các nhà đầu tư này tham gia tích cực hơn vào quá trình điều hành hoạt động của DN. Điều này chỉ có thể phát huy tác dụng nếu Nhà nước lựa chọn được các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, công nghệ và kinh nghiệm phù hợp với sứ mệnh thúc đẩy DN phát triển.

Song song với việc này cần có cơ chế cho phép nhà đầu tư chiến lược nắm giữ được một lượng cổ phần đủ lớn để có thể tạo ra sự ảnh hưởng có ý nghĩa tới hoạt động của DN. Có như vậy mới có thể tận dụng được các lợi thế của nhà đầu tư, cải thiện sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN sau cổ phần hóa.

Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC đánh giá, cũng bày tỏ những nút thắt xung quanh việc lựa chọn phương pháp xác định giá khởi điểm. Theo pháp luật hiện hành không quy định về căn cứ để lựa chọn phương pháp định giá phù hợp khi xác định giá khởi điểm bán vốn Nhà nước; cách thức xử lý trong trường hợp việc định giá đưa đến nhiều kết quả khác nhau hoặc có ý kiến khác nhau giữa tổ chức tư vấn và DN bán vốn. Chính vì vậy rủi ro pháp lý rất lớn cho những người ra quyết định thoái vốn. “Để đảm bảo an toàn pháp lý, DN chủ động lựa chọn phương pháp định giá cho kết quả cao nhất”, ông Lai lưu ý.

Đảm bảo minh bạch

Một số chuyên gia góp ý, cần đảm bảo tiến độ và minh bạch thông tin về quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại DN. Theo ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, thực tế cho thấy DN hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa, do vậy, đã đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế và cả ngân sách Nhà nước. Khi DN hoạt động hiệu quả thì các đợt thoái vốn Nhà nước tiếp theo sẽ có giá trị cao hơn, giúp đem lại nguồn thu lớn hơn cho ngân sách.

Bên cạnh đó, chương trình cổ phần hóa cũng giúp thị trường vốn có thêm nhiều công ty niêm yết, từ đó phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Các DN trên thị trường nhờ đó có thể gọi vốn thuận lợi hơn thông qua phát hành cổ phiếu, giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, giúp cơ cấu vốn tổng thể của nền kinh tế cân bằng hơn.

Chính vì vậy, dù điều kiện thị trường có thay đổi, Chính phủ vẫn cần có biện pháp đảm bảo tiến độ chương trình cổ phần hóa, tránh để các biến động tăng, giảm của thị trường làm ảnh hưởng quá lớn đến số lượng các DN được cổ phần hóa. Đặc biệt, đối với các thương vụ lớn thì Chính phủ cần lên kế hoạch kỹ càng từ trước và thực hiện dần từng bước, tránh gây ra tình trạng thị trường không hấp thu kịp.

Liên quan đến việc minh bạch hóa thông tin, bảo đảm cho công chúng và thị trường có được thông tin đầy đủ, kịp thời, ông Vương Tuấn Dương nhấn mạnh, một trong những vấn đề cần được cải thiện hiện nay là công tác thông tin đến công chúng.

“Theo định kỳ 6 tháng, hoặc ít nhất là hàng năm, Chính phủ nên cung cấp cho báo chí, cộng đồng nhà đầu tư những thông tin cơ bản về: Kế hoạch cổ phần hóa/thoái vốn cho giai đoạn vừa qua; những thành quả đạt được và các biện pháp khắc phục khi không đạt kế hoạch” - ông Vương Tuấn Dương đề xuất.