Công ty chứng khoán huy động vốn lãi suất cao: Cơ hội và rủi ro

Theo SGTT

Tăng lãi suất hợp tác kinh doanh lên rất cao để thu hút vốn, trong khi bản thân vẫn đang có sẵn một lượng tiền lớn gửi ngân hàng, các công ty chứng khoán đang gây chú ý và tạo ra nhiều câu hỏi nơi nhà đầu tư.

Việc nhiều công ty chứng khoán (CTCK) ký hợp đồng với khách hàng để “hợp tác kinh doanh chứng khoán” với nội dung CTCK và khách hàng cùng hợp tác kinh doanh chứng khoán, CTCK sẽ góp vốn và khách hàng góp chứng khoán (CK). Tiếng là vậy, nhưng không nhiều khách hàng vay vốn để mua CK trong lúc TTCK còn ảm đạm như hiện nay, mà chủ yếu là gửi tiền (dưới hình thức đặt cọc) để hưởng lãi suất cao, còn các CTCK thông qua hình thức hợp tác kinh doanh để huy động vốn phục vụ cho các mục đích của mình.

Hợp tác kinh doanh hay huy động vốn?

Xét về bản chất, hình thức hợp tác kinh doanh này nếu không có hành vi mua- bán mà chỉ có chiều gửi vốn từ khách hàng vào CTCK thì đây là việc CTCK huy động vốn tương tự như các ngân hàng thương mại (NHTM) huy động tiền gửi. Gần đây, dư luận rất chú ý đến thông tin CTCK Thăng Long đưa ra mức lãi suất (LS) kỳ hạn 3 tháng cho người góp vốn VND là 17,157%/năm (cao hơn trần LS huy động của NH đến hơn 3%), mức lãi suất huy động cao này còn lớn hơn lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh của một số ngân hàng lớn.

Điều đáng nói nằm ở vấn đề: CTCK đang lách luật huy động vốn mà đây lại là nghiệp vụ riêng có của ngân hàng hoặc các công ty tài chính được pháp luật quy định. Kế đến việc nguồn vốn chảy vào các CTCK đang tích tụ ngày càng lớn có khả năng trở thành “con sóng ngầm” trên thị trường tài chính nếu nguồn vốn này đột ngột dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác (thông qua nguồn tiền gửi của công ty tại ngân hàng), hoặc được rút ra để tham gia vào việc tự doanh khi TTCK sốt nóng .

Nhiều ý kiến cho rằng CTCK kêu gọi góp vốn “hợp tác kinh doanh” là hình thức huy động vốn lách luật vì chỉ có tổ chức tín dụng (TCTD) mới được mở tài khoản cho khách hàng và huy động vốn. Sự lập lờ ở đây thể hiện ngay cả trong từ ngữ thông báo của CTCK đối với khách hàng. Ví dụ, trong thông báo thay đổi mức thu nhập cho khoản tiền hợp tác kinh doanh chứng khoán của CTCK Thăng Long mức thu nhập là tỷ lệ lãi suất (%), có giải thích rõ đâu là lãi suất ghi trên hợp đồng và đâu là lãi suất thực nhận của khách hàng...

Tình trạng này cho thấy các Luật điều chỉnh (Luật các TCTD và Luật Chứng khoán) cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác vẫn còn những kẻ hở và đang được “tận dụng” để lách. Quý 4/2010 nhiều CTCK hiệu quả kinh doanh kém, thậm chí thua lỗ nhưng vẫn có lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng lên đến hàng ngàn tỉ đồng (theo báo cáo năm), thế mà hiện vẫn đang nhiệt tình mời gọi “góp vốn kinh doanh”.

Chuẩn bị tiền để chủ động lướt sóng?

Hiện tại không ít vốn của các CTCK đã nằm chết trong thị trường OTC, trong các mã CK tự doanh đang chờ thời. Sự thiếu hụt vốn kinh doanh cũng khó bù đắp bằng việc phát hành thêm cổ phiếu. Trong khi đó việc vay vốn NH không dễ dàng nếu tài chính công ty không lành mạnh, không có phương án kinh doanh thuyết phục, ngoài ra lại còn bị NH kiểm tra sử dụng vốn vay nên thông tin mật nếu có cũng dễ bị lộ”. NHNN cũng không khuyến khích NHTM cho vay CK (cho vay phi sản xuất)… nên nhiều CTCK thấy cần phải chủ động nguồn vốn kinh doanh hơn nữa, đặc biệt là nguồn vốn cho mảng tự doanh khi TTCK đổi chiều.

Chính vì vậy, CTCK gia tăng huy động vốn bằng nhiều cách thức, gia tăng huy động ngay cả khi TTCK còn ảm đạm và khi bản thân mình vẫn đang có nhiều tiền mặt,tiền gửi NH. Tiền huy động phải trả lãi cao trong lúc tiền gửi NH thì lại hưởng mức lãi suất thấp hơn khá nhiều; tuy nhiên sự thiệt hại vài %/năm này sẽ không là gì lúc TTCK nổi sóng với biên độ từ 5- 7%/ngày của hai sàn, nếu vào đúng sóng, đúng mã. Việc tăng lãi suất lên cao, khiến cho nhiều CTCK đã tích tụ được một lượng tiền lớn, có thể CTCK đang kỳ vọng TTCK sẽ có những đột biến ít nhất là từ cuối quý 1/2011 nên dự trữ sẵn tiền để chủ động tham dự khi tín hiệu thị trường phát ra đã rõ ràng. Và chính sự kỳ vọng này đã đẩy lãi suất huy động vốn của các CTCK lên cao ngất.

Rủi ro và nguy cơ bất ổn

Tiền gửi của khách hàng ở ngân hàng và gửi ở CTCK là hai hoạt động rất khác biệt trên hai phương diện: rủi ro và lãi suất. Về rủi ro, tiền gửi NHTM có độ rủi ro thấp vì hệ thống còn có người cho vay cuối cùng là ngân hàng Nhà nước (NHNN), nên khả năng NHTM lâm vào tình trạng mất thanh khoản phải tuyên bố phá sản là cực khó, ngoài ra NHNN còn bộ máy thanh tra giám sát chuyên nghiệp và khá đồ sộ thực hiện giám sát từ xa hay kiểm tra trực tiếp nhằm phát hiện những sai sót của hệ thống để chỉnh sửa kịp thời; còn với các CTCK thì không được như vậy. Thêm vào đó, tiền gửi tại ngân hàng có bảo hiểm tiền gửi trong khi tiền gửi tại CTCK lại không được bảo hiểm. Vì rủi ro thấp hơn nên lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp hơn là lẽ đương nhiên. Mức độ chênh lệch từ 2-4%/năm giữa lãi suất ngân hàng và lãi suất của CTCK là mức bình thường.

Đẩy mạnh việc huy động vốn trong khi vốn còn ứ đọng hàng ngàn tỉ đồng, cho thấy thực trạng nhiều CTCK cung cấp dịch vụ đúng nghĩa còn quá ít và chưa đa dạng, chất lượng còn thấp; nên doanh thu và lợi nhuận vẫn chủ yếu trông chờ vào mảng tự doanh, repo với nguồn vốn vay ngân hàng và nguồn vốn hợp tác kinh doanh.

Quá chú trọng mảng tự doanh sẽ làm cho thị trường bị méo mó do CTCK vừa tư vấn (bởi có đội ngũ phân tích chuyên nghiệp và biết nhiều thông tin có giá trị) nhưng lại vừa mua- bán chứng khoán với chính những khách hàng mà họ tư vấn, điều này sẽ không làm cho TTCK Việt Nam tốt lên được. Về phía người gửi tiền cũng rất dễ bị rủi ro vì CTCK nếu mất thanh khoản chỉ có thể đi vay ngân hàng hoặc phát hành thêm chứng khoán để bù đắp, chứ không có cơ chế huy động vốn linh hoạt như ngân hàng hay có NHNN là người cho vay cuối cùng để duy trì thanh khoản.

Một vấn đề đáng lưu ý nữa là với lãi suất áp dụng hiện nay của các CTCK khiến cho người gửi tiền có cơ sở để kỳ vọng hay đòi hỏi một mức lãi suất cao hơn nữa, do đó khó mà đưa mặt bằng lãi suất chung của thị trường giảm xuống như mong muốn của Chính phủ và NHNN. Trong khi ổn định thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang còn là một bài toán nan giải, thì việc làm của CTCK huy động vốn với lãi suất vượt trội so với mức lãi suất huy động đồng thuận của NHTM và cao hơn rất nhiều so với chỉ số lạm phát, thì rất cần được xem xét trên cơ sở pháp lý vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế.