GS.,TS. Trần Thọ Đạt:

Covid-19 là cơ hội đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Theo Thanh Hương/nhadautu.vn

Khẳng định khó khăn không nhỏ mà dịch bệnh Covid-19 gây ra cho hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp còn non trẻ, song GS.,TS. Trần Thọ Đạt cũng nhấn mạnh rằng bên cạnh những thách thức thì đây cũng là cơ hội cho sự đổi mới sáng tạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các mô hình startup, hay còn gọi là doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là khi các quỹ đầu tư đang ngày càng cẩn trọng đối với lĩnh vực này.

Và để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với GS.,TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bên lề Tọa đàm đối thoại chính sách "Định hướng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo sau đại dịch Covid-19" diễn ra mới đây.

Phóng viên: Định hướng cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam sau giai đoạn Covid-19 là như nào, thưa ông?

GS.,TS. Trần Thọ Đạt
GS.,TS. Trần Thọ Đạt

GS.,TS. Trần Thọ Đạt: Đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra đã gây hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Đại dịch khiến đứt gẫy các chuỗi sản xuất, thương mại, làm hạn chế sự di chuyển các nguồn lực trên quy mô quốc gia và quốc tế cũng như dẫn tới sự khó khăn của hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn non trẻ và dễ bị tổn thương, gây ra những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. 

Sự đứt gãy của các chuỗi giá trị cùng sự suy giảm của nền kinh tế bên cạnh những khó khăn, thách thức thì đây cũng là cơ hội cho sự đổi mới sáng tạo, và tôi đặc biệt nhấn mạnh vai trò chính sách trong quá trình này bởi đây là điều hết sức quan trọng. Việc định hướng cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam sau giai đoạn Covid-19, tôi mong muốn sẽ có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, nuôi dưỡng cho hệ sinh thái này ngày càng phát triển.

Theo ông, chúng ta phải quan tâm đến vấn đề gì đầu tiên để hệ sinh thái khởi nghiệp này phát triển?

Tôi cho rằng đầu tiên vẫn là vấn đề chính sách, nếu chúng ta coi chính sách là nguồn lực.

Hiện nay các yếu tố cấu thành của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam tác bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tuy nhiên mối quan hệ khăng khít giữa các đơn vị trong hệ này nếu được duy trì và phát triển thì hệ sinh thái  sẽ tái khởi động lại rất nhanh sau khi chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và trong bối cảnh đó, chính sách phải được ban hành kịp thời, phải mở đường cho những động thái mới, chuyển động mới sôi động hơn trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thứ hai là vấn đề nguồn lực tài chính, chúng ta cần nhiều nguồn lực hơn để hỗ trợ các tổ chức doanh nghiệp, kể cả của cá nhân cũng như cộng đồng.

Như ông đã nói, chính sách là vấn đề đầu tiên cần lưu tâm để hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển giai đoạn hậu Covid-19, cụ thể chính sách đặc biệt mà ông nói ở đây là gì?

Thực tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Số lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của nước ta đã tăng rất nhiều trong 10 năm qua, số lượng các doanh nghiệp cách đây 10 năm là 400, nhưng hiện tại con số này đã tăng lên thành 3.000 với các lĩnh vực như: Công nghệ, thương mại điện tử, công nghệ giáo dục, công nghệ nông nghiệp, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và du lịch.

Đây đa số là những doanh nghiệp vừa mới được hình thành, tuy nhiên lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, do vậy, tôi cho rằng, chính sách của Chính phủ cũng như các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính, ngân hàng nên có hỗ trợ ban đầu về mặt tài chính để cho các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ vượt qua được giai đoạn khó khăn này, bởi chỉ có thế các doanh nghiệp này mới có thể nuôi dưỡng và theo đuổi được ý tưởng sáng tạo.

Ông có lưu ý gì cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong giai đoạn hiện nay?

Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một quá trình liên tục và không bao giờ là muộn, cho nên ngay, trong và sau đại dịch, những ý tưởng khởi nghiệp cần phải được nuôi dưỡng và duy trì.

Xin cám ơn ông!