CPTPP: Cửa đã mở, chờ doanh nghiệp

Theo Thanh Lâm/saigondautu.vn

Ngày 12/11 vừa qua, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thời điểm hiệp định có hiệu lực đang đến rất gần, cơ hội đang chạm ngõ nhiều nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Cơ hội đến
Nhắc đến một hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, điều nhiều doanh nghiệp (DN) sẽ nghĩ ngay đến chính là khả năng cắt giảm thuế đến đâu. CPTPP cũng không ngoại lệ, khi có hiệu lực nhiều dòng thuế sẽ ngay lập tức được cắt giảm, trong đó 3 nhóm ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam là dệt may, da giày và thủy sản được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ hiệp định này.

Dễ thấy cơ hội đã cận kề, nhưng nếu không có sự chuyển động nhanh đối tượng hưởng lợi rất có thể sẽ không phải là các DN Việt Nam. Câu chuyện nguyên phụ liệu cho 2 ngành hàng xuất khẩu chính không phải mới, nhưng đến nay DN vẫn chưa biết phải xoay trở như thế nào."

Theo phân tích của ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương): “Các mặt hàng chủ chốt mà DN Việt Nam đang xuất khẩu sẽ có cơ hội rất lớn. Nhưng DN cũng phải chủ động, tìm hiểu cam kết, cơ hội kinh doanh. Các FTA Chính phủ mang về là cơ hội còn tận dụng được hay không là do DN”.
Ông Khanh phân tích cơ hội cụ thể với các mặt hàng như dệt may: Canada xóa 100% thuế vào năm thứ 4, trong đó 42,9% xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Nhật Bản gần 99% xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Mexico một thị trường khá lớn nhưng hiện nay DN Việt Nam chưa khai thác cũng xóa bỏ có lộ trình, nhưng thời gian kéo dài hơn vì Mexico rất e ngại dệt may Việt Nam.
Về giày dép: Canada đồng ý 67% xóa bỏ ngay, 12% xóa bỏ trong năm thứ 7, còn lại cắt giảm vào năm thứ 12. Nhật Bản gần 80% xóa bỏ vào năm thứ 10. Mexico xóa theo lộ trình và về 0% vào năm thứ 13. Về Thủy sản: Canada phần lớn được xóa bỏ ngay, Nhật Bản cũng vây. Thậm chí với những mặt hàng chưa cam kết xóa bỏ thuế quan trong FTA song phương Việt Nam  - Nhật Bản cũng cắt giảm, tức với CPTPP Nhật Bản cam kết dành thị trường tốt hơn cho Việt Nam.
“Đấy cũng là giá trị gia tăng Việt Nam có được từ CPTPP khi chúng ta ký kết hiệp định này” - ông Khanh nhấn mạnh. 
Về phía các hiệp hội ngành hàng cũng tỏ rõ sự háo hức khi CPTPP được Quốc hội thông qua. Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TPHCM khẳng định, các DN trong ngành đón đợi điều này từ rất lâu khi TPP khởi động. Nay tuy không còn Hoa Kỳ, nhưng khi hiệp định có hiệu lực cơ hội vào các thị trường lớn khác cũng rất nhiều.
Đặc biệt thông qua thị trường Canada, các DN sẽ có thể đưa hàng vào Hoa Kỳ, điều này cho thấy nếu Canada giảm thuế mạnh cơ hội cho ngành da giày Việt Nam sẽ lớn. Ngoài ra, khi hiệp định có hiệu lực cũng là thời điểm thu hút thêm được các nhà đầu tư nước ngoài vào mảng nguyên phụ liệu, vì hiện ngành da giày vẫn phải nhập khẩu đến khoảng 70% da từ nước ngoài. 
Một nhóm ngành khác là thủy sản cũng đang kỳ vọng nhiều từ CPTPP. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định: “Hiện các nước CPTPP hàng năm nhập khẩu gần 2 tỷ USD hàng thủy sản từ Việt Nam, tương đương 23% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Sau khi CPTPP có hiệu lực, giá trị kinh tế đem lại có thể cao hơn nhiều vì dư địa từ các thị trường này còn khá lớn". 
Cũng đánh giá khả quan những tác động của CPTPP với ngành hàng của mình, song ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TPHCM cho rằng sẽ chưa có những mức tăng trưởng mạnh. Lý do hiện nay những thị trường lớn của dệt may là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Như vậy trong CPTPP chủ yếu đẩy mạnh thị trường Nhật Bản, còn các thị trường kia vẫn khá giới hạn. Đó là chưa kể câu chuyện xuất xứ từ sợi trở đi cũng chưa tìm được lời giải phù hợp. 

Cần chuyển động tích cực
Quy tắc xuất xứ hiện vẫn đang là vấn đề gây lo ngại cho 2 ngành hàng chính của Việt Nam là dệt may và da giày. Theo đánh giá của ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hội nhập kinh tế quốc tế TPHCM, ưu đãi thuế quan trong các FTA không phải tự nhiên mà có, để được hưởng DN cần đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Đó là một quy định bắt buộc.
So với các FTA khác, CPTPP có quy định khá chặt về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Chẳng hạn một quy tắc nổi tiếng cho ngành dệt may đó chính là xuất xứ từ sợi trở đi, thậm chí có hẳn một chương cho ngành này. Đây là điều trong các hiệp định khác không có, thông thường đều là xuất xứ từ vải cho sản phẩm may mặc. 
Nói thêm về điều này, ông Phạm Xuân Hồng cho biết thời điểm trước khi TPP được khởi động, nhiều nhà đầu tư, DN đổ vốn vào mảng nguyên phụ liệu, nhưng khi TPP tạm dừng các dự án cũng chựng lại. Chính vì thế ngành may kỳ vọng với CPTPP các dự án đầu tư sẽ chuyển động trở lại mạnh mẽ hơn. 
Thực tế nguyên phụ liệu nếu chỉ một mình DN làm có lẽ sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí khó để làm được mà cần phải có chính sách và sự chung tay của cơ quan chức năng. Điều này được minh chứng khá rõ nét trong ngành da giày. Theo chia sẻ của Hiệp hội Da giày TP, hiện hiệp hội cũng đón tiếp khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào thuộc da, nhưng các nhà làm da lại chia sẻ tiêu chuẩn của Việt Nam còn cao hơn một số nước như Thái Lan, vì Việt Nam lo ngại ô nhiễm môi trường.
Do vậy, nếu cơ quan chức năng không có những chính sách hỗ trợ rất khó cho ngành da giày, vì để được hưởng lợi từ CPTPP phải đáp ứng quy tắc xuất xứ gần 50%, trong khi các nước thành viên CPTPP không có nước nào làm da. 
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, các DN muốn hưởng lợi từ CPTPP lưu ý, không chỉ đáp ứng điều kiện về xuất xứ hay phi thuế quan, mà còn đảm bảo các tiêu chuẩn cao về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, kể cả minh bạch về sổ sách, chứng từ. Nhiều ý kiến lo ngại khi Việt Nam ký quá nhiều FTA liệu có tận dụng hết cơ hội hay không. Thực chất mỗi hiệp định khi Việt Nam tham gia đều nhắm tới mục tiêu khác nhau.
Cụ thể như CPTPP hay EVFTA, là cuộc chơi với những nước phát triển, có lợi thế về công nghệ nguồn, quản trị tốt, làm ăn bài bản. Đặc biệt, Việt Nam lại đang xuất siêu vào những thị trường này, vì thế DN sẽ được hưởng lợi đồng thời khi cùng làm ăn sẽ học hỏi được nhiều tiến bộ. Tới đây chúng ta sẽ nhìn thấy rất nhiều thay đổi không chỉ của DN, mà của cả bộ máy công quyền.