Cú hích để kinh doanh bán lẻ trực tuyến bứt tốc
Kinh doanh trực tuyến (online) không còn là điều mới mẻ trong nền kinh tế số. Song, sự gia tăng làn sóng kinh doanh và mua sắm trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp những ngày qua cho thấy, dịch Covid-19 như một cú hích để mảng bán lẻ trực tuyến bứt tốc, tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Tìm cơ hội trong khó khăn
Nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực hoa tươi, chưa năm nào anh Tuấn Minh, điều hành một cửa hàng hoa tươi trên phố Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng) lại thấy thị trường ảm đạm như dịp Valentine và Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 vừa qua. Dịch Covid-19 khiến lượng khách mua hoa giảm hẳn. Mặc dù đã triển khai kinh doanh trực tuyến từ trước đó, nhưng trước tình thế rất mới của thị trường, anh Minh quyết định đẩy mạnh kênh bán hàng trên mạng nhằm tăng doanh thu. Nhiều mẫu lẵng, bó hoa mới liên tục được cập nhật, giới thiệu trên các fanpage của cửa hàng. Nhờ chăm chỉ tiếp cận khách hàng trên mạng cùng chính sách thanh toán linh hoạt, chuyển hàng miễn phí, nhanh chóng mà dịp 8-3 vừa qua, lượng khách mua hàng online của cửa hàng anh Tuấn Minh tăng tới 40% so với cuối năm 2019.
Là thương hiệu bán lẻ có diện phủ khắp các ngõ phố tại Hà Nội, song trước sự gia tăng nhu cầu mua sắm trực tuyến nhằm “né” dịch bệnh, hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh bán hàng trực tuyến. Bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Vincommerce (đơn vị quản lý Vinmart và Vinmart+) cho biết: “Từ khi dịch bệnh xảy ra, khách hàng có nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao, nhiều thời điểm lượng đơn đặt hàng trực tuyến tăng tới 10.000 đơn/ngày. Chúng tôi đã tăng cường điều phối nhân sự tiếp nhận đơn và giao hàng tận nhà từ 2 đến 5 tiếng. Việc thanh toán cũng linh hoạt, như tại nhà, chuyển khoản, qua thẻ...”.
Trong cái khó do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ tập trung chuyển hướng kinh doanh qua mạng. Nhanh nhạy đầu tư phát triển kênh bán hàng trực tuyến song hành cách thức bán hàng truyền thống, nhiều doanh nghiệp bán lẻ vẫn có thể “sống tốt”, thậm chí còn đạt tăng trưởng cao.
Kinh doanh trực tuyến bứt tốc
Chị Nguyễn Linh Giang (37 tuổi, ở 181 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa) cho biết: “Dịch Covid-19 diễn biến khó lường, tôi và mọi người đều hạn chế ra ngoài. Mọi nhu cầu mua sắm, từ đồ ăn, thức uống tới các vật dụng... đều thông qua điện thoại và nhận hàng vận chuyển đến nhà hay cơ quan”. Sự thay đổi thói quen mua sắm của chị Giang và nhiều người tiêu dùng khác đã buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi hình thức kinh doanh của mình. Thời gian qua, làn sóng kinh doanh trực tuyến lan rộng trong cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ với những tăng trưởng rõ nét. Đi tiên phong và đạt hiệu quả cao là hệ thống các siêu thị, cụ thể như Aeon Mall tăng 3 lần, Co.op Mart tăng 10 lần.
Thông qua các kênh phân phối trực tuyến trên website hay phần mềm trên nền tảng di động, những năm qua các siêu thị đã đầu tư hàng chục triệu USD cho kinh doanh online. Miễn phí vận chuyển cho đơn hàng trị giá trên 500.000 đồng và chỉ thu phí 10.000 đồng với đơn hàng giá trị nhỏ hơn, thời gian giao hàng trong vòng 24 giờ…, nhiều ưu đãi lớn như vậy đang được các siêu thị triển khai càng thu hút người tiêu dùng đến với kênh mua hàng thuận tiện này.
Để kích thích người tiêu dùng tăng mua qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… lại chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mại lớn. Chị Lê Thị Thủy, quản lý cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm (tại phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên) cho biết, doanh số bán hàng trực tuyến tăng từ 15% lên 30% trong 2 tháng qua, với khoảng 60 trong tổng số gần 300 đơn hàng mỗi ngày. Tăng 80% khách hàng mua sắm qua mạng và 30% trong tổng mức tăng trưởng là con số ấn tượng mà bà Lê Tuấn Anh, đại diện thương hiệu thời trang OZ Design cho biết sau 2 tháng thương hiệu này tăng cường bán hàng trực tuyến do dịch Covid-19.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương nhìn nhận: “Kinh doanh trực tuyến, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, đã trở nên phổ biến trước xu hướng tiêu dùng online tăng mạnh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt, đây là dịp để các doanh nghiệp cơ cấu lại phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến. Các doanh nghiệp đã quan tâm tới kinh doanh trực tuyến sẽ càng quyết liệt hơn; còn các doanh nghiệp chưa thật mặn mà với bán hàng trực tuyến sẽ buộc phải chuyển hướng”.
Ông Hiếu khuyến cáo: “Kinh doanh trực tuyến rõ ràng có phần thách thức hơn phương thức truyền thống vì những giao dịch trên không gian mạng, do đó thay đổi tư duy và cách thức kinh doanh nhằm tạo lòng tin với khách hàng là điều doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm. Vấn đề cốt lõi vẫn là doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng sản phẩm, chuyển tải thông tin hàng hóa kỹ lưỡng và bài bản tới khách hàng đi kèm dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp”.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin: “Kinh doanh trực tuyến góp phần tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn. Đây là hướng đi được thành phố và ngành Công Thương rất quan tâm phát triển. Hiện thương mại điện tử đang chiếm 8% trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa lĩnh vực bán lẻ. Năm 2020, dự kiến tăng trưởng bán lẻ trực tuyến của Hà Nội đạt khoảng 30% và chiếm khoảng 9-10% trong tổng mức bán lẻ”.