Cục Cạnh tranh tiếp tục thực hiện quản lý về kinh doanh đa cấp

Theo Đức Duy (Vietnam+)

Hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vẫn được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng triển khai thực hiện từ 1/7.

Cục Cạnh tranh tiếp tục thực hiện quản lý về kinh doanh đa cấp.
Cục Cạnh tranh tiếp tục thực hiện quản lý về kinh doanh đa cấp.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, hiện Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Do đó, kể từ ngày 1/7/2019, các hoạt động liên quan đến điều tra, xét xử vụ việc cạnh tranh, giải quyết thủ tục hành chính về miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranhvà tập trung kinh tế … sẽ không thể triển khai thực hiện do chưa có cơ quan thực thi.

Vì vậy, hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vẫn được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng triển khai thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật chuyên ngành và phân cấp quản lý của Bộ Công Thương.

Thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, tính đến ngày 1/4/2019, chỉ có 23 doanh nghiệp được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng xác nhận đáp ứng các điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

“Việc thu hồi Giấy chứng nhận của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp không giải phóng các doanh nghiệp này khỏi các nghĩa vụ của mình trước pháp luật, trong đó có nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà phân phối và người tham gia bán hàng đa cấp trong mạng lưới bán hàng đa cấp của doanh nghiệp,” đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh.