Cục Hải quan An Giang: Làm việc theo phương châm “Chuyên nghiệp – minh bạch – hiệu quả”

Nguyễn Văn Biên

Trong xu thế hội nhập và mở cửa, Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các cam kết quốc tế, trong đó, Hải quan là một trong những ngành tiếp cận và thực hiện nhiều nhất các cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế, chính vì điều này đòi hỏi ngành Hải quan phải liên tục đổi mới về mọi mặt, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải cách phát triển và hiện đại hóa với những mục tiêu cụ thể.

Điểm nổi bật của việc thực hiện theo phương châm hành động đó là: Trên cơ sở Quy chế làm việc của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan An Giang đã ban hành Quy chế làm việc của đơn vị, có hiệu lực từ ngày 1- 2- 2011, đáp ứng kịp thời  theo chức năng nhiệm vụ mà Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan vừa mới ban hành có nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức cũng như chức năng nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Cục Hải quan tỉnh. Đồng thời, đây là tiền đề phục vụ cho công tác cải cách hiện đại hóa Hải quan, cho việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào xử lý công việc hàng ngày, nhất là ứng dụng CNTT vào công tác văn phòng, cũng như việc áp dụng những chuẩn mực quốc tế vào công tác quản lý hành chính, công tác điều hành công việc như ứng dụng theo tiêu chuẩn TCVN- ISO 9001: 2008 vào quản lý điều hành. Từ đó đã tạo ra bước chuyển mới, nhất là những năm gần đây hàng loạt các quy trình giải quyết công việc, quy trình nghiệp vụ theo ISO đã được ứng dụng tại Cục Hải quan An Giang.

Công tác cải cách hành chính trong các cơ quan Nhà nước nói chung và cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan ngày càng cấp thiết đòi hỏi phải giảm giấy tờ hành chính, phân định rõ trách nhiệm của từng cá nhân đơn vị, mối quan hệ công tác trong xử lý công việc; cần có quy định cụ thể việc phân cấp xử lý công việc cho lãnh đạo các đơn vị, nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết nhanh công việc, giúp cho các cấp lãnh đạo chỉ đạo, quản lý và điều hành công việc ngày một hiệu quả.

Cụ thể, trong Quy chế làm việc của Cục Hải quan An Giang vừa ban hành đã quy định rõ trách nhiệm, phạm vi và cách thức giải quyết công việc theo hướng quy định từ trách nhiệm đến phạm vi giải quyết đối với từng chức danh: Cục trưởng, các Phó Cục trưởng, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Cục và cán bộ, công chức Hải quan. Ngoài việc điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với thực tế, Quy chế cũng bổ sung nội dung quan trọng là phân cấp giải quyết công việc cụ thể cho cấp dưới trong việc ký một số văn bản thừa lệnh lãnh đạo Cục theo danh mục trong một số vụ việc cụ thể kèm theo quy chế, nhằm giảm tải cho lãnh đạo Cục, thể hiện tính tích cực, chủ động trong công tác tham mưu giúp lãnh đạo Cục điều hành công việc một cách có hiệu quả hơn.

Quy định về mối quan hệ công tác: Trong quá trình giải quyết công việc đòi hỏi rất nhiều mối quan hệ, do vậy dự thảo lần này dành 1 chương quy định cụ thể mối quan hệ công tác giữa: Cục Hải quan An Giang với Tổng cục Hải quan, với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan; mối quan hệ giữa lãnh đạo Cục với các đơn vị; mối quan hệ giữa các đơn vị trong Cục với nhau; quan hệ giữa lãnh đạo Cục với các tổ chức chính trị - xã hội; quan hệ với công dân, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành và phối hợp giải quyết công việc…