"Đặc phẩm" Mỹ đổ bộ, nguy cơ nông sản Việt

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Cuộc đổ bộ của các “đặc phẩm” xuất xứ từ Mỹ với giá giảm mạnh so với thời điểm trước giúp người tiêu dùng trong nước được lợi. Tuy nhiên, điều này đang tạo ra thách thức đối với thị trường trong nước và sức ép cạnh tranh cho nông sản Việt.

7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Mỹ đạt 8,2 tỷ USD, tăng 1,1 tỷ USD so với thời điểm cuối năm 2018. Nguồn: Internet.
7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Mỹ đạt 8,2 tỷ USD, tăng 1,1 tỷ USD so với thời điểm cuối năm 2018. Nguồn: Internet.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Mỹ đạt 8,2 tỷ USD, tăng 1,1 tỷ USD so với thời điểm cuối năm 2018, trong đó có một số mặt hàng tăng như: thuỷ sản, nông sản…

Nông sản Mỹ đổ bộ

Thời điểm trước, người dân có thu nhập trung bình không dễ dàng để mua được cherry Mỹ bởi giá đắt đỏ, dao động 400.000 – 500.000 đồng/ kg. Tuy nhiên, hiện nay, thưởng thức loại quả “xa xỉ” này đang nằm trong tầm tay của nhiều người. Hiện, 1kg cherry niêm yết trong các siêu thị tại Hà Nội có giá 200.000 – 300.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, sống ở Hà Nội, cho biết trước đây chị chưa bao giờ ăn cherry vì giá đắt, nhưng gần đây đã mua cherry với giá 230.000 đồng/kg, giảm 40% so với trước.

Khảo sát tại các siêu thị ở Hà Nội đang bán nhiều trái cây Mỹ như nho, việt quất, anh đào, táo… với mức giảm giá lớn. Một số mặt hàng thực phẩm Mỹ như thịt bò, thịt lợn, thịt gà… cũng được bán với giá rẻ hơn 15% so với hàng Việt.

Chẳng hạn, tại siêu thị BigC, Lotter Mart, đùi gà, cánh gà được nhập khẩu từ Mỹ đang niêm yết dao động ở mức giá 38.000 – 65.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà ta tươi sống trên thị trường hiện vào khoảng 100.000 – 120.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, mặt hàng được cho là khá đắt đỏ, chỉ dành cho giới thượng lưu là tôm hùm Alaska năm ngoái bán với giá từ 1 triệu đồng/kg nay chỉ còn 650.000 đồng/kg.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến “đặc phẩm” Mỹ ào ạt đổ bộ vào thị trường Việt Nam và giảm giá mạnh là do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. “Trước đây, ngành nông nghiệp Mỹ phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khi cuộc chiến tranh kinh tế nổ ra, hai nước giảm mạnh kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nhau và tăng mạnh thuế quan. Do đó, để tìm đầu ra cho sản phẩm, Mỹ buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khác, trong đó có Việt Nam”, một chuyên gia giải thích.

Nhìn chung, các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Mỹ đã giảm giá khoảng 30 – 40% so với trước và người tiêu dùng trong nước được hưởng lợi khi có cơ hội được thưởng thức các sản phẩm nhập ngoại, trong đó có những mặt hàng vốn được coi là xa xỉ.

Thực tế cho thấy từ trước tới nay, chất lượng các sản phẩm nông sản nhập khẩu từ các nước được đánh giá cao bởi sự đảm bảo nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ lượng tồn dư các chất độc hại trong sản phẩm, đảm bảo sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Đây là lý do vì sao dù giá thành cao nhưng nông sản nhập khẩu vẫn chiếm lĩnh và thu hút người có thu nhập cao.

Thịt bò Mỹ được bày bán trong siêu thị ở Hà Nội
Thịt bò Mỹ được bày bán trong siêu thị ở Hà Nội
 

Áp lực lên thị trường

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình trạng trên tiếp diễn đồng nghĩa với việc tạo áp lực cạnh tranh cho nông sản Việt. Không chỉ ở phân khúc cao cấp, một số mặt hàng là chủ lực tiêu thụ trong nước cũng đang bị “đe dọa” về thị phần như thịt gà, thịt bò…

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng tác động của chiến tranh thương mại ngày một rõ rệt hơn. Bên cạnh những mặt tích cực, lợi ích, trong tương lai sẽ còn nhiều diễn biến bất ngờ làm “sốc” thị trường nội địa nếu Việt Nam không chuẩn bị sẵn kịch bản đối phó.

Theo phân tích của các chuyên gia, lâu nay doanh nghiệp Việt chỉ chú trọng làm sao xuất khẩu hàng sang Mỹ khi nước này không mua từ Trung Quốc. Tuy nhiên, diễn biến này đặt ra bài toán hóc búa hơn: làm thế nào để đối phó với “hàng chất lượng cao” dội lại thị trường trong nước?.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng Việt Nam đã hội nhập và chấp nhận mở cửa để hàng hóa và hệ thống phân phối các nước vào thị trường nội địa, điều quan trọng là công tác quản lý hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ và các nước khác trên thế giới. Mặt khác, cũng phải quản lý hàng hóa sản xuất trong nước nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa và quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, thu nộp ngân sách cho Nhà nước.

Nhìn từ việc hàng Trung Quốc “đột lốt” hàng Việt Nam sang Mỹ, hàng Mỹ bất ngờ đổ bộ vào Việt Nam, ông Phú lưu ý: “Chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và hệ thống phân phối Việt, chủ động hợp tác và cạnh tranh ngay tại sân nhà”.

Để giải bài toán về thị trường nội địa, ông Phú cho rằng Bộ Công Thương và các ngành liên quan cùng các địa phương phải đặt ra một cách đúng mức để giải quyết nhằm phát triển thị trường nội địa một cách nhanh và vững chắc, không để hệ thống phân phối và hàng hóa ngoại nhập lấn át trên sân nhà.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng đánh giá làn sóng hàng nông sản Mỹ vào Việt Nam chắc chắn sẽ gia tăng khi thị trường lớn của họ là Trung Quốc giảm tiêu thụ.

“Để cạnh tranh với nông sản Mỹ, hàng thủy sản và nông sản Việt Nam cần nâng cao chất lượng, sản xuất đúng tiêu chuẩn, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới nhằm gia tăng thị phần tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mặt hàng nông sản Việt dễ dàng vào siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ”, ông Hiếu nói.