Thừa Thiên Huế:

Dành 800 triệu đồng triển khai Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của các doanh nghiệp năm 2020

Anh Minh

Thừa Thiên - Huế sẽ dành tổng mức kinh phí 800 triệu đồng để triển khai Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của các doanh nghiệp (DN) năm 2020.

Huế đặt mục tiêu có 3 DN/hợp tác xã/cơ sở sản xuất đặc sản Huế được hỗ trợ xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến về thực hành sản xuất tốt theo Tiêu chuẩn GMP.
Huế đặt mục tiêu có 3 DN/hợp tác xã/cơ sở sản xuất đặc sản Huế được hỗ trợ xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến về thực hành sản xuất tốt theo Tiêu chuẩn GMP.

Đó là một trong những nội dung nêu tại Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 3/3/2020 về triển khai Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của các DN năm 2020. Tại Kế hoạch này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các DN năm 2020.

Nâng cao nhận thức của các DN về ứng dụng khoa học và công nghệ

Cụ thể, đối với mục tiêu chung là nhằm nâng cao nhận thức của các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh về nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế để tăng khả năng cạnh tranh của DN; Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; Nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm, hàng hóa của các DN trong Tỉnh, tăng cường khả năng canh tranh của DN, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Cùng với đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề ra 6 mục tiêu cụ thể, gồm:

Một là, ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với 01 sản phẩm đặc sản Huế.

Hai là, có 2 mô hình tích hợp về áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất cho các DN thuộc các lĩnh vực dệt may, vật liệu xây dựng, sản xuất thực phẩm, nông nghiệp (1 mô hình áp dụng Tiêu chuẩn ISO 9000 và công cụ 5S; 1 mô hình áp dụng Tiêu chuẩn ISO 22000 và công cụ 5S).

Ba là, có ít nhất 20 DN, cơ sở được hỗ trợ xây dựng ít nhất 20 tiêu chuẩn cơ sở, công bố hợp chuẩn/hợp quy phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tiêu chuẩn quốc gia; hướng dẫn 5 DN đăng ký mã số, mã vạch mới.

Bốn là, có ít nhất 5 DN, cơ sở được hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị thuộc các lĩnh vực: Dệt may; sản xuất thực phẩm; vật liệu xây dựng; các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, nông nghiệp; các sản phẩm đặc sản của địa phương.

Năm là, có 3 DN/hợp tác xã/cơ sở sản xuất đặc sản Huế (tôm chua, ruốc, Mè xững Huế...) được hỗ trợ xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến về thực hành sản xuất tốt theo Tiêu chuẩn GMP; 2 DN/cơ sở sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn HACCP/ISO 22000; 1 Hợp tác xã/DN xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sáu là, có trên 200 lượt DN/hợp tác xã/cơ sở sản xuất được tham dự đào tạo, tập huấn chuyên sâu, hội thảo chuyên đề về các mô hình áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng Việt GAP...; Cử 02 lượt cán bộ thuộc Ban điều hành và Tổ giúp việc tham dự đào tạo, tập huấn, hội thảo phổ biến mô hình áp dụng hệ thống, công cụ cải tiến năng suất do Trung ương tổ chức.

6 nhiệm vụ trọng tâm về nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như sau:

Thứ nhất, xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm Chả Huế.

Thứ hai, hướng dẫn, hỗ trợ DN, tổ chức, cá nhân xây dựng 2 mô hình tích hợp về áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất cho các DN thuộc các lĩnh vực dệt may, vật liệu xây dựng, sản xuất thực phẩm, nông nghiệp.

Thứ ba, hướng dẫn, tư vấn DN, tổ chức, cá nhân xây dựng 20 tiêu chuẩn cơ sở, công bố hợp chuẩn/hợp quy và đánh giá phù hợp với Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia (đối với sản phẩm nhóm 2), đánh giá phù hợp TCVN và đăng ký mã số mã vạch.

Thứ tư, vận động, hỗ trợ từ 5 - 7 DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị thuộc các lĩnh vực: dệt may; sản xuất thực phẩm; vật liệu xây dựng; các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, nông nghiệp; các sản phẩm đặc sản của địa phương.

Thứ năm, triển  khai các Đề án tư vấn, hướng dẫn xây dựng, đánh giá áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường và các công cụ quản lý tiên tiến (ISO 9000, ISO 22000, GMP, 5S, VietGAP, Kaizen, 5S, Lean,...); Tổ chức từ 1 - 2 hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các mục tiêu phát triển bền vững và sản xuất tiêu dùng bền vững phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ sáu, tổ chức từ 4 - 6 khoá đào tạo, tập huấn chuyên sâu, hội thảo chuyên đề về các mô hình áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất cát nhân tạo từ nguồn vật liệu có sẵn, hợp quy các sản phẩm hàng hóa nhóm 2, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP...