“Dễ ăn” nhưng không “dễ nuôi“

Theo Đức Chung/saigondautu.vn

Chưa bao giờ ngành hàng không Việt Nam lại bùng nổ như lúc này. Tuy nhiên, trong quá khứ, việc các hãng bay thành lập rồi đóng cửa chỉ sau thời gian ngắn hoạt động, đang là bài học đắt giá trong bối cảnh nhiều hãng bay vừa được cấp phép khai thác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Vòng tròn thành lập - giải thể

Giai đoạn 2015-2016 được đánh giá thành công của ngành hàng không Việt Nam. Thị trường hàng không đã trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết khi trong quý I-2016, liên tiếp 2 hãng hàng không Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) và SkyViet trình văn bản lên Bộ GTVT xin cấp phép kinh doanh và thành lập mới.

Thực tế trong thời gian qua, Vietstar vẫn là nhà khai thác tàu bay và mở rộng sang hãng nội địa, nhưng thị phần nhỏ. Còn SkyViet được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO), với sự tham gia góp vốn 51% của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và các đối tác Công ty Quản lý quỹ (Techcom Capital), Công ty Phát triển dự án (Techcom Developer).

Trước đó, vào tháng 5-2008, Hãng hàng không Đông Dương Indochina Airlines được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng. Tháng 12-2008, hãng thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đến Nội Bài và Đà Nẵng.

Sau 1 năm hoạt động, hãng kinh doanh thua lỗ và mất khả năng tài chính, đã phải dừng hoạt động bay. Sau Indochina Airlines, Air Mekong mất hơn 1 năm mới xin được giấy phép hoạt động và cất cánh chuyến bay đầu tiên vào tháng 10-2010. Cũng do thua lỗ trong kinh doanh đã khiến hãng phải ngừng bay từ tháng 2-2013, đến đầu năm 2015 bị hủy bỏ giấy phép hoạt động.

Mới nhất, tháng 11-2018, Hãng hàng không Bamboo Airways của Tập đoàn FLC đã được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, trở thành hãng hàng không thứ 5 ở Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ đã có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét cho trường hợp của Vietstar Airlines, đã xin giấy phép hoạt động những năm trước.

Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng của châu Á - AirAsia (Malaysia) cũng có kế hoạch thiết lập liên minh hàng không giữa Hải Âu và AirAsia. Theo dự tính, liên minh Hải Âu - AirAsia có thể thực hiện chuyến bay đầu tiên vào mùa hè năm nay. Nếu tham vọng này thành hiện thực, liên doanh AirAsia - Hải Âu sẽ là hãng hàng không thứ 6 của Việt Nam, bên cạnh Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, VASCO và tân binh Bamboo Airways.

Kiểm soát khả năng tài chính

Theo khảo sát của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), tốc độ tăng trưởng hành khách đi máy bay tại Việt Nam là 28%, cao gấp 3 lần các nước ASEAN. Dự báo, Việt Nam sẽ đứng thứ 5 thế giới về tăng trưởng lượt khách hàng không giai đoạn 2015-2035, ước đạt tốc độ tăng trưởng kép 6,7%/năm, cao hơn so với mức trung bình thế giới (3,9%) và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (4,6%).

Về lợi nhuận trong năm 2018, đối với Vietnam Airlines, đây là năm đầu tiên tổng doanh thu hợp nhất của công ty vượt mức hơn 100.000 tỷ đồng, ước đạt khoảng 102.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 15% so với kế hoạch. Trong đó, công ty mẹ ước đạt 73.500 tỷ đồng doanh thu và 2.012 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 102,7% kế hoạch năm 2018.

Trong khi đó, chỉ tính trong 9 tháng năm 2018, VietJet Air đạt lợi nhuận trước thuế lên tới 3.868 tỷ đồng. Còn Jetstar Pacific vừa công bố tổng lượng khách vận chuyển năm 2018 đạt 6,2 triệu lượt khách, tổng doanh thu 9.100 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 21% năm 2018, vượt kế hoạch 161 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thành lập - ngừng hoạt động - thành lập, vòng tròn này đang là bức tranh thực của ngành hàng không Việt Nam hiện nay. Theo phân tích của các chuyên gia, thị trường hàng không Việt hiện do 4 hãng Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific và VASCO thống lĩnh.

Trong đó, Vietnam Airlines nắm quyền sở hữu chi phối VASCO và Jetstar Pacific. Vì thế, cuộc cạnh tranh thị phần trong ngành hàng không Việt Nam thực chất là sự đối đầu của Vietnam Airlines và VietJet Air. Đây cũng là các đại diện cho 2 loại hình vận chuyển chuyên biệt: hàng không dân dụng truyền thống và hàng không giá rẻ. Theo thống kê, đến hết năm 2017, 2 hãng bay này có thị phần ngang nhau: 44% ở Vietnam Airlines và 42% đối với VietJet Air.

Trở lại với Bamboo Airways, hãng hàng không mới mẻ này hướng tới thị trường ngách với mạng bay ở địa phương. Sắp tới, hãng dự tính khai thác khoảng 100 đường bay kết nối tất cả các thành phố lớn cùng điểm đến du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Mục tiêu của Bamboo Airways là tạo hệ sinh thái khép kín và phục vụ cho các dự án du lịch của Tập đoàn FLC.

Nhưng thách thức cho các hãng tân binh là bài toán chi phí. Bài học vừa ra ràng đã chết yểu của Indochina Airlines, Mekong Air năm nào vẫn còn nóng hổi, buộc Bamboo Airways, kể cả Vietstar Airlines phải kiểm soát khả năng tài chính của mình, nếu không muốn mình phải dừng bước sớm trong cuộc chơi đường hàng không ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Những hãng hàng không ra đời sau sẽ khó cạnh tranh với các hãng hoạt động trước. Ngoài ra, các hãng bay mới sẽ đối mặt với áp lực vốn. Thí dụ, theo quy định Bamboo Airways cần tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 1.300 tỷ đồng nếu muốn vận hành trên 30 máy bay. Nếu không vượt qua trở ngại này, các hãng bay mới có thể lao đao và sẽ phải dừng bước.
Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn