Để doanh nghiệp tăng đăng ký mới, giảm bỏ cuộc

Theo Trung Vũ/thanhtravietnam.vn

Nền kinh tế đất nước luôn cần và ngày càng cần gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Mục tiêu phấn đấu của chúng ta là cả nước phải có được một triệu doanh nghiệp. Chính vì thế, tin tức thời sự về các doanh nghiệp luôn được các bộ, ngành quản lý kinh tế theo dõi, các chuyên gia kinh tế và xã hội quan tâm để mừng vui kỳ vọng, hay băn khoăn suy tư tìm giải pháp nâng rước, vực lên.

Nền kinh tế đất nước luôn cần và ngày càng cần gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nguồn: internet
Nền kinh tế đất nước luôn cần và ngày càng cần gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nguồn: internet

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tháng 04 năm 2018, cả nước có 14.510 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 133,5 nghìn tỷ đồng, tăng 79,5% về số doanh nghiệp và tăng 64,5% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Cả nước có 3.281 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhưng lại có 6.138 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 71,3%, 1.378 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 74% so với tháng 03.

Tính cả 4  tháng đầu năm, thì tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 52.737, song lại có 4. 699 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, 26.277 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, cứ 2,5 doanh nghiệp khai sinh, lại có 1 doanh nghiệp khai tử. Tỷ lệ này không chỉ cho thấy sự sàng lọc của thị trường trong kinh doanh mà còn bộc lộ những khó khăn, nguy cơ phải bỏ cuộc mà khu vực doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt.

Nhìn vào hiệu quả trong sản xuất hàng hóa, có thể mừng cho số đông các doanh nghiệp là đã lấy được đà phát triển trong tháng 04 với sản lượng và số lượng đơn đặt hàng trong nước, cả hàng xuất khẩu đều tăng. Song các doanh nghiệp vẫn gặp phải không ít khó khăn, nhất là tiếp cận tín dụng, nhu cầu mặt bằng để sản xuất, kinh doanh, thiếu, hay khó tham gia thị trường. Nếu không có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thì tỷ lệ doanh nghiệp phải ngừng hoạt động so với doanh nghiệp đăng ký mới sẽ tiếp  tục gia tăng.
Nêu ra những khó khăn cũng đồng nghĩa với việc phải giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn đó, thông qua những giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu không, mỗi năm một gia tăng số doanh nghiệp rời bỏ kinh doanh, số cố cầm cự thì sẽ méo mặt vì thua lỗ. Tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ đã tăng cao liên tục từ năm 2012 đến nay, hiện lên đến 48% tổng số doanh nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng này là do tự thân yếu kém, cộng với việc phải đối mặt với quá nhiều rào cản đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Theo nhiều chuyên gia, thực lực của nền kinh tế nước ta hiện đang được đánh giá là lớn, song nếu tách, bỏ đóng góp của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI, thì thực lực đó không còn đáng để lạc quan về doanh nghiệp trong nước. Nên rất cần sự hỗ trợ làm cho thực lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở nên mạnh mẽ hơn, chứ nếu cứ nặng về khẩu hiệu và lời hứa thì doanh nghiệp khó vượt lên và con số giải thể sẽ tăng lên, làm giảm đi niềm vui trước con số doanh nghiệp đăng ký mới, cho dù có tháng nọ tăng hơn tháng kia.

Tất nhiên, sự thua lỗ, giải thể doanh nghiệp, nguyên nhân còn ở chính bản thân các doanh nghiệp, như khả năng kinh doanh yếu kém, hàng làm ra không hấp dẫn khách mua cả mẫu mã lẫn chất lượng, giá cả lại cao, sự yếu kém ngay từ khâu thiết kế sản phẩm. Mặc dù Cục Xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương từ năm 2010 đã triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm, với hàng loạt hoạt động như hội thảo, hội nghị quốc tế, phổ biến kiến thức, tư vấn về thiết kế, về nhận diện thương hiệu, cải tiến bao bì, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm, song mới chỉ có một số ít doanh nghiệp tiếp thu và vận dụng, còn số đông vẫn lơ là, xem nhẹ.

Nhiều doanh nghiệp lại chưa nhận thức đúng về xây dựng thương hiệu, không những thế còn để mình đứng trước nguy cơ bị chiếm dụng nhãn hiệu hàng hóa. Bởi họ còn suy nghĩ giản đơn rằng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm là không cần thiết, khiến nhiều sản phẩm nổi tiếng có nguy cơ bị chiếm đoạt thương hiệu. Chưa kể tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan làm ảnh hưởng tới uy tín của thương hiệu đích thực và doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh.

Có một tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp sau khi bị từ chối bảo hộ đối với nhãn hiệu đăng ký, họ đã từ bỏ luôn việc đăng ký, dù hoàn toàn có thể chỉnh sửa nhãn hiệu để nộp lại theo yêu cầu, dẫn đến những thiệt hại lớn cho doanh nghiệp về giá trị thương hiệu do bị trùng lặp, tranh chấp, bị chiếm dụng luôn thương hiệu. Kết quả khảo sát ở 165 doanh nghiệp thì thấy 142 doanh nghiệp đang thực hiện chiến lược cạnh tranh bằng giá, ít quan tâm tới sự khác biệt hàng hóa khác cho sản phẩm của mình. Việc truyền thông thương hiệu của doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm, chứ chưa chú trọng đến truyền thông nhận thức về giá trị lợi ích, sự khác biệt của sản phẩm.

Cũng trong 165 doanh nghiệp được khảo sát, mới có 26 doanh nghiệp thường xuyên tiến hành các hoạt động quan hệ công chúng như tổ chức sự kiện, tài trợ cộng đồng, giao tiếp trực tiếp với khách hàng; chỉ có 35% doanh nghiệp thực sự đang quảng cáo sản phẩm thương hiệu qua internet và mạng di động. Trong khi đáng lý ra, doanh nghiệp cần xác định thương hiệu, xây dựng chiến lược sản phẩm để cạnh tranh. Quan trọng hơn nữa là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp đầy đủ thông tin về xuất xứ, quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối sản phẩm, sản suất kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp cần cùng các hiệp hội, tổ chức xã hội đi vào cuộc sống để tuyên truyền giới thiệu sản phẩm có chất lượng tốt, chống hàng giả, hàng nhái.

Các doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều nhất vẫn là vốn kinh doanh. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn vốn bản thân thì ít, vay ngân hàng lại khó, sự bảo lãnh vay vốn chưa được đẩy mạnh, chi phí lại cao, nên các doanh nghiệp không mặn mà vay qua tín dụng bảo lãnh. Một số tổ chức tín dụng lại chỉ ưu tiên đối với khách hàng là doanh nghiệp lớn hoạt động ổn định để tránh rủi ro, còn với doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc họ ngại cho vay, hoặc thẩm định rất lâu.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới ban hành, qua đó có thêm cơ sở pháp lý trong việc cho vay. Song cần triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về bảo lãnh tín dụng, vay vốn từ các tổ chức  tín dụng, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp, tổ chức hành động của ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi về vốn cho các doanh nghiệp, cải tiến thủ tục vay vốn, tháo gỡ khó khăn trong quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Ngân hàng phải đồng hành với doanh nghiệp, cần chú ý hơn tới các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nông nghiệp.

Chỉ số độ phủ thông tin tín dụng ở Việt Nam mới đạt 19,7%, thấp hơn nhiều so mức trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, rất cần vượt lên khỏi mức quá khiêm tốn này. Mặt khác, đối với các doanh nghiệp, muốn dễ vay tiền, tạo điều kiện cho ngân hàng cải cách mạnh mẽ thủ tục cho vay thì doanh nghiệp phải xây dựng được những dự án có độ bảo đảm rằng doanh nghiệp sẽ không thất bại, thua lỗ, độ tín nhiệm cũng như hiệu quả là chắc chắn, tránh với mức cao nhất sự rủi ro cho tổ chức tín dụng mà mình vay tiền, hai bên nên làm việc với nhau cởi mở, minh bạch.