Để hàng Việt có chỗ đứng trong lòng người Việt

Theo VOV

Sau 1 năm Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các siêu thị, tỉ lệ hàng Việt chiếm từ 70% - 80%. Đặc biệt tại TP HCM, tỷ lệ hàng Việt có trong siêu thị chiếm tới 95%. Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải làm gì?

Bước đầu chiếm lĩnh được thị trường

Sau một năm phát động, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận và nhiều chương trình bán hàng được đưa ra để hưởng ứng. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng tích cực vào cuộc và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: hỗ trợ doanh nghiệp chi phí vận chuyển để có thể đưa được hàng Việt về với khu vực nông thôn, quy định doanh nghiệp Nhà nước cần  ưu tiên dùng nguyên liệu, phụ liệu sản xuất trong nước... Sau hơn một năm thực hiện chương trình “Hàng Việt về nông thôn”, đã có 132 doanh nghiệp tham gia 46 phiên chợ tại 18 tỉnh thành, trong đó 60 doanh nghiệp tham gia thường xuyên, đầy đủ.

Tại các phiên chợ này, nông dân được cung ứng những hàng hoá thiết yếu đạt chất lượng, nhu cầu tiêu dùng chuyên biệt của nông dân cũng được các doanh nghiệp lưu ý để có kế hoạch sản xuất, khắc phục tình trạng kéo dài nhiều năm trước đây đó là hàng xấu, hàng kém chất lượng mới đưa về nông thôn. Cùng với đó, dự án nghiên cứu 30.000 hộ nông dân ở 13 tỉnh, thành phố nhằm cung cấp số liệu về thói quen tiêu dùng, sở thích, nhu cầu cho doanh nghiệp để thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh đúng hướng. Mỗi chuyến hàng nội là một phiên chợ, đưa hàng nội tiếp cận với nông dân, nông dân được tư vấn, tặng cẩm nang tiêu dùng để nâng cao kiến thức tiêu dùng.

Ông Cao Sỹ Khiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: “Ý thức của chúng ta trong cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam là rất đúng, rất tốt, nhiều người đồng thuận. Tuy nhiên, ở những nơi làm ra hàng hoá, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với các khâu lưu thông, chế biến, bảo quản… chúng ta chưa làm một cách hiệu quả, đồng bộ và giải quyết dứt điểm để cho hàng Việt đủ tầm, cũng như tạo ra các yếu tố để người Việt Nam yêu mến hàng Việt Nam”.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết: Hiện có khoảng hơn 10 doanh nghiệp có hàng phân phối rộng khắp cả nước, đến cả những vùng sâu vùng xa được người tiêu dùng đón nhận và ủng hộ. Họ thành công trên thương trường là do sản phẩm bán với giá phù hợp, chất lượng ổn định, các mạng lưới phân phối rộng khắp; Khâu chăm sóc khách hàng cũng được thực hiện chu đáo, cùng với đó là sản phẩm được quảng cáo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền hình hay đài phát thanh.

Một năm sau phiên chợ đầu tiên thực hiện chiến dịch “Đưa hàng về nông thôn” được tổ chức tại An Giang, đến nay chương trình vươn ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thành công của các phiên chợ không chỉ nằm ở lợi nhuận mà lợi ích lớn hơn là các doanh nghiệp đã ghi vào tiềm thức của người tiêu dùng nông thôn ấn tượng hàng Việt Nam vừa tốt lại vừa rẻ. Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng: “Các cơ quan truyền thông cần có tính chuyên nghiệp cao, quảng bá có hiệu quả cho hàng Việt. Muốn như vậy, những nhà báo phải đến với người dân nông thôn, tìm hiểu yêu cầu của họ để đưa ra những thông tin làm cho người dân chuyển biến trong quan niệm tiêu dùng đối với hàng Việt”. 

Cần đổi mới mẫu mã, chủng loại theo nhu cầu người tiêu dùng

Theo ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Hiếm có doanh nghiệp nào thành công ở thị trường nước ngoài, lại không khẳng định được mình ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, điều đó cũng khó thực hiện nếu không có sự hợp tác tốt. Hiện nay, ở các siêu thị, tỉ lệ bày bán hàng hóa Việt Nam chiếm từ 70 - 80%, đặc biệt tại TP HCM, tỉ lệ hàng Việt chiếm 95% quầy kệ. Tuy nhiên, hàng Việt vẫn còn nghèo nàn về mẫu mã, chủng loại, người tiêu dùng ít có sự lựa chọn.

Một thách thức hiện nay đối với các doanh nghiệp vẫn là xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối. Muốn làm một cách bài bản thì doanh nghiệp sẽ phải đầu tư vốn khá lớn.

Ông Đỗ Gia Phan cho rằng, các doanh nghiệp phải cố gắng nhiều hơn nữa, nếu để người tiêu dùng mất lòng tin thì sẽ mất khách hàng. Người tiêu dùng cũng cần tinh tường hơn để nhận biết được hàng thật, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và cần có sự kết hợp giữa người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh thì cuộc vận động mới thành công được. Ông Đỗ Gia Phan nhấn mạnh: “Trong cuộc vận động này, không chỉ có doanh nghiệp, mà cần phải có sự giúp đỡ của Nhà nước, chính quyền các địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, phân phối cho người dân”.

Theo kết quả điều tra của Tập đoàn Grey Group - Mỹ tại 16 nước châu Á, có đến 77% người Việt Nam ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài. Trong khi đó, con số này trung bình trên toàn châu Á là 40%. Không thể phủ nhận rằng, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực tạo ra thương hiệu chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, 500 nhãn hiệu được công nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao", nhưng con số này so với hàng triệu sản phẩm, nhãn hiệu hàng nội có mặt trên thị trường thì vẫn còn là con số quá nhỏ bé. Do vậy, để hàng Việt Nam có chỗ đứng trong lòng người Việt, các doanh nghiệp cần có chiến lược cải cách mẫu mã, chủng loại hàng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được cao nhất nhu cầu  của người tiêu dùng Việt Nam.