Dệt may thiếu đơn đặt hàng: Các doanh nghiệp vệ tinh cạnh tranh khốc liệt

Theo SGTT

Việc các doanh nghiệp lớn ngành dệt may phải chờ đợi đơn hàng từ nước ngoài đã tác động dây chuyền đến các doanh nghiệp nhỏ vệ tinh

Hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 1,15 tỉ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2008, có khoảng 70% doanh nghiệp xuất khẩu dệt may chỉ mới có đơn hàng sản xuất ngắn hạn trong 1 – 2 tháng kế tiếp, theo hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Giành mối lẫn nhau

Dù đã giảm giá gia công cắt vải viền đến hơn 20%, nhưng từ sau tết đến nay cơ sở của ông H. ở quận Tân Bình vẫn bị giảm đến một nửa lượng hàng. Ông H. kể: “Doanh nghiệp không có hợp đồng xuất khẩu, lượng hàng gia công vì thế bị giảm khá mạnh. Để nuôi nhân viên và có doanh thu thì bắt buộc phải giảm giá giành mối lẫn nhau. Mấy tuần nay vợ chồng tui chia nhau đến chào hỏi, gởi bảng giá mới đến cho các công ty không phải là mối của mình. Tui biết làm vậy là kỳ, nhưng tui cũng bị người khác giựt mối quen hơn năm năm chỉ vì giá rẻ hơn có 20đ/m vải cắt viền”. Ông H. nói thêm: “Thậm chí phải vừa giảm giá, vừa tăng hoa hồng chi riêng cho người phụ trách kinh doanh ở các công ty. Nhưng rốt cuộc thu vẫn không đủ bù chi”. Ông H. vừa vay nóng ở bên ngoài hơn 30 triệu đồng để trả lương cho nhân viên trong khi chờ khách hàng thanh toán.

Theo nguồn tin trong giới mà ông H. biết được, đã có hai cơ sở ở quận 6 và quận 11 phải đóng cửa. Một cơ sở ở Tân Bình vốn nổi tiếng là làm giá rẻ vì tuyển được thợ nông nhàn từ miền Bắc vào – có đến gần 30 công nhân, nay cũng chỉ còn hơn 10 công nhân với thoả thuận công nhân chỉ được nuôi ăn ở. Đến cuối năm mới được trả lương mức thấp nhất là 8 triệu đồng/năm và cao nhất tuỳ theo tình hình sản xuất.

Một số cơ sở may gia công khu vực Tân Bình bỏ hàng cho các lao động về may tại nhà, từ sau tết đến nay giá hàng may quần short, sơ mi, áo thun… đã giảm từ 2.000 – 5.000đ/sản phẩm khoảng 15 – 25%). Bà Phạm Thị Hiền, với bốn máy may gia công tại nhà cho biết: “Lúc đầu mọi người phản ứng không chịu may, nhưng tìm qua nơi khác thì chỗ nào cũng giảm giá công, nên đành chịu. Giá công giảm, nhưng khâu kiểm tra sản phẩm và quy định kỹ thuật, phụ liệu càng kỹ càng hơn”.

Từ chủ đến thợ đều lao đao

 

Trần Thị Hoàng Lan, 22 tuổi ngụ ở Tân Phú làm nghề may nối vải khúc, vải đầu cây cho các trục cuốn biên đã 5 năm, kể: “Lương hàng ngày của tôi là 27.000đ, đi làm ngày nào tính công ngày đó. Vì vậy cả đám thợ đứa nào cũng thích làm hàng nhiều để được hưởng phụ cấp. Trước đây nhờ làm nhiều nên lương lãnh được 1,2 – 1,5 triệu đồng/tháng. Từ sau tết đến nay ít hàng, tuần chỉ làm có năm ngày, nên cuối tháng lãnh lương còn vài trăm ngàn. Chi xài tằn tiện lắm mới đủ”.

Chủ cũng chẳng khá hơn. Ông Nguyễn Thìn, chủ của cô Hoàng Lan than thở: “Năm ngoái vay ngân hàng 20 triệu mua dàn máy mới, hai tháng đầu năm không có tiền trả vốn gốc nên đang khoanh nợ lại, chỉ trả lãi. Hiện nay mỗi tháng trừ chi phí đều bị âm vài triệu. Tính giảm bớt thợ, nhưng nhìn thấy người nào cũng có hoàn cảnh khó khăn, nên mới đầu tháng ba, trong cuộc họp nội bộ tôi thông báo rõ tình hình cho họ biết, để nếu ai có chỗ nào lương khá hơn thì cứ đi, còn ai muốn ở lại thì tôi cố gắng duy trì mức lương căn bản. Chờ qua giai đoạn này xem thế nào…”.

Bà Phạm Thị Nguyên Thanh, phụ trách kinh doanh nội địa của công ty Thành Công nhìn nhận: “Xuất khẩu đang bị bế tắc đầu ra, tiêu thụ nội địa của nhiều công ty cũng bị giảm từ 10 – 30%. Vậy nên giá sản xuất gia công cũng phải xuống theo”.