DN khó tiếp cận vốn ngân hàng: Cần được nhìn nhận từ hai phía

.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho rằng, vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp cần phải được nhìn nhận từ hai phía…

 

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn Tp.HCM giữa Ngân hàng Nhà nước, UBND Thành phố HCM và doanh nghiệp đã diễn ra vào tuần trước.

 

Tại đây, trước sự phản ánh của nhiều doanh nghiệp rằng việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho hay, vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp cần phải được nhìn nhận từ hai phía.

 

Theo Thống đốc, việc không tiếp cận được vốn có thể do một số nguyên nhân sau: về phía khách hàng vay vốn: vi phạm nguyên tắc cho vay (chiếm khoảng 6,9%); doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện cho vay (chiếm khoảng 80,8%) như phương án kinh doanh không khả thi, không hiệu quả; khả năng tài chính thấp; tỷ lệ vốn tự có tham gia vào dự án quá thấp.

 

Về phía ngân hàng (chiếm khoảng 2,1%): do thiếu vốn, do khả năng thẩm định. Sự thận trọng trong quyết định cho vay của các tổ chức tín dụng để đảm bảo an toàn vốn thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân chủ quan của ngân hàng. Thống đốc giải thích, tuy nhiên, điều này là có thể hiểu được khi tổ chức tín dụng là một định chế trung gian, đi vay để cho vay, do vậy, việc phải cân nhắc, lựa chọn những khách hàng tốt là một điều kiện sống còn nhằm đảm bảo sự tồn tại bền vững và an toàn. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ xảy ra vào giữa tháng 9 vừa qua bắt nguồn từ sự đổ vỡ tín dụng và những khoản cho vay dưới chuẩn, chính là một trong các yếu tố đòi hỏi các tổ chức tín dụng  buộc phải rà soát lại và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đảm bảo an toàn.

 

Báo cáo của NHNN Chi nhánh thành phố HCM từ tháng 9/2008 đến nay cho thấy, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng trên địa bàn là khá tốt; nhiều ngân hàng thừa vốn đã công khai công bố dành một số vốn nhất định cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tỷ lệ hồ sơ xin vay vốn đã được giải quyết là 85,6%.

 

Như vậy, chỉ còn 14,4% hồ sơ chưa được giải quyết, trong đó chủ yếu mua sắm ôtô hoặc nhu cầu tiêu dùng xa xỉ, các khách hàng kinh doanh thép, hạt nhựa do giá trên thị trường thế giới giảm thấp so với lúc nhập khẩu, không tái xuất được để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng nên không được cho vay tiếp, các dự án đầu tư kém hiệu quả, nhiều rủi ro, khả năng thu hồi nợ thấp.

 

Riêng về cho vay bất động sản, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này phản ánh không vay được vốn ngân hàng mặc dù dự án đang triển khai dở dang, kể cả khi chấp nhận mức lãi suất khá  cao và đề nghị cho doanh nghiệp được giãn nợ, gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ và tiếp tục vay mới để hoàn thành dự án. Theo Thống đốc, thị trường bất động sản trầm lắng phải được nhìn nhận từ nhiều phía, nhiều nguyên nhân,  hoàn toàn không phải lý do hạn chế tín dụng của các Ngân hàng thương mại. NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay các dự án đầu tư bất động sản khả thi, có hiệu quả và có khả năng trả nợ đúng hạn.

 

Số lượng và chất lượng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản nhìn chung bình thường, không là nguy cơ xấu của các ngân hàng thương mại như một số nhận định và đánh giá.

 

Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh thành phố, dư nợ cho vay lĩnh vực này khoảng 61.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Đến cuối tháng 10/2008, hiện còn 151 dự án bất động sản dở dang, ngân hàng cam kết cho vay là 14.388 tỷ đồng, đã giải ngân 9.320 tỷ đồng, hiện còn 5.068 tỷ đồng chưa được giải ngân.

 

Các ngân hàng vẫn tiếp tục giải ngân theo tiến độ, ngoại trừ các dự án chưa giải tỏa đền bù, dự án không khả thi.

 

Theo Hương Thủy(Hanoimoi)