Dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo, khuyến mại: Ai sẽ được lợi?

Hoàng Bảo

(Tài chính) Khẳng định điều này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, việc dỡ bỏ mức trần chi phí quảng cáo khuyến mại sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế, cho người tiêu dùng và cho cộng đồng doanh nghiệp

Nếu trần chi phí quảng cáo, khuyến mại được dỡ bỏ, doanh nghiệp sẽ tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh. Nguồn: internet.
Nếu trần chi phí quảng cáo, khuyến mại được dỡ bỏ, doanh nghiệp sẽ tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh. Nguồn: internet.

Quyết định đúng đắn!

Quy định áp trần quảng cáo đã được áp dụng 15 năm nay với mức hiện hành là 15% tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, gần đây, nhiều ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia và đại biểu Quốc hội đều cho rằng, quy định này hiện không còn phù hợp. Do đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất Quốc hội dỡ bỏ trần quảng cáo, khuyến mại - một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo như tinh thần của Nghị quyết 11/CP và Nghị quyết 19/CP của Chính phủ. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Thủ tướng đã có ý kiến chấp thuận về việc bỏ quy định khống chế chi phí hoặc chỉ áp dụng đối với chi quảng cáo và giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo, để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2014.

Hiện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi 2013 vẫn quy định mức khống chế quảng cáo khuyến mại là 15% trên tổng chi phí của doanh nghiệp. Thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất Quốc hội dỡ bỏ trần quảng cáo, khuyến mại. Đó cũng là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo như tinh thần của Nghị quyết 11/CP và Nghị quyết 19/CP của Chính phủ đã đề ra. Hy vọng Quốc hội sớm xem xét, quyết đáp vấn đề này tại kỳ họp dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10/2014.

“Một quyết định đúng đắn”, nhấn mạnh điều này, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho biết: Trong suốt hơn 10 năm qua, nhiều nghiên cứu, phân tích, kiến nghị của doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã cho thấy sự cần thiết phải dỡ bỏ mức khống chế chi phí quảng cáo khuyến mại, trao cho doanh nghiệp quyền chủ động và tự do kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất – kinh doanh, xây dựng thương hiêu, quảng bá sản phẩm mới, doanh nghiệp mới trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

“Nếu bỏ giới hạn mức chi hợp lý thì vừa khuyến khích khả năng sáng tạo, kinh doanh và thu lợi nhuận của doanh nghiệp, Nhà nước cũng không thất thu bởi khoản chi của doanh nghiệp này đồng thời là khoản thu của doanh nghiệp khác mà Nhà nước đã đánh thuế đối với khoản thu này”, GS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay.

Cũng cùng quan điểm, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định: “Việc dỡ bỏ mức khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại sẽ giúp Việt Nam hội nhập, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư nước ngoài, cạnh tranh hiệu quả với các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới. “Muốn xây dựng được một số thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh thì nhất thiết phải có quảng cáo, đầu tư và phát triển công nghệ”, bà Hằng cho hay.

10 hay 15% đều không có nghĩa

Khảo sát, trưng cầu ý kiến hơn 800 doanh nghiệp về quy định trần quảng cáo, khuyến mại mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, đa số doanh nghiệp đều cho rằng, nếu còn giữ quy định về trần quảng cáo thì mức 10 hay 15% đều không có ý nghĩa gì đối với họ. Bởi vì trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp nước ngoài, nên rất xem trọng tới vấn đề quảng cáo. Tuy nhiên, doanh nghiệp của Việt Nam phân lớn lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít, so với các doanh nghiệp FDI thì doanh nghiệp trong nước ở thế bất lợi hơn  rất nhiều. “Việc khống chế mức trần quảng cáo không tạo được sự bình đẳng, 10% trong tổng chi phí của doanh nghiệp FDI lớn hơn rất nhiều 10% trong tổng chi phí của doanh nghiệp nội địa”, bà Hằng so sánh.

Con số trên là chưa kể tới việc các doanh nghiệp FDI sử dụng “chiêu” để lách luật. Ví dụ, chi phí sản xuất một clip quảng cáo chiếm tới 80% toàn bộ chi phí quảng cáo. Tuy nhiên, họ sản xuất clip này ở nước ngoài và khi về Việt Nam thì chỉ là thuê phương tiện phát sóng, truyền tải nên chi phí giảm rất nhiều. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa khống chế được việc phát sóng các kênh truyền hình nước ngoài tại Việt Nam. “Cùng chịu mức giới hạn trần nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn có lợi thế hơn doanh nghiệp trong nước rất nhiều là điều vô lý. Thực tế, trong cơ chế thị trường cạnh tranh, nếu chi quá mức, đội chi phí giá thành sản phẩm lên cao, người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với sản phẩm và doanh nghiệp sẽ khó mà tồn tại. Còn nếu doanh nghiệp gian dối trong quảng cáo, khuyến mại thì đã công cụ pháp lý (luật quản lý cạnh tranh, cơ quan quản lý thị trường…) “quản thúc”. Do đó, không nên vì một vài biểu hiện tiêu cực mà áp trần chi phí quảng cáo, khuyến mại”, ông Phạm Thành Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội nêu quan điểm về những tồn tại có thể xảy ra, nếu dỡ trần chi phí quảng cáo, khuyến mại.

Dưới góc độ người tiêu dùng, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, có nhiều thông tin quảng cáo thì người tiêu dùng mới biết đến các sản phẩm của doanh nghiệp, khi đó người tiêu dùng mới có quyền lựa chọn các sản phẩm phù hợp với nhu cầu bản thân.