Doanh nghiệp bất động sản: Có xốc dậy sau cú hà hơi từ các nhà băng?

Theo Lao động

Từ tháng 4 đến nay, các gói tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản (BĐS) của các NHTM như BIDV, Vietinbank, ACB, Vietcombank, VIB và SEAbank đã lên đến 20.000 tỉ đồng.

Được hà hơi tiếp sức như vậy, nhưng theo nhận định của chuyên gia và các doanh nghiệp (DN) tham gia Hội thảo thị trường BĐS – giải pháp và cơ hội tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng (TCTD) tổ chức ngày 12.9 tại Hà Nội thì đây chưa phải là giải pháp chính để cứu DN lúc này...

Tiền không vào thị trường!

Theo TS Trần Kim Chung - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang có những bước chuyển biến tích cực, đối với BĐS, các hạn chế tín dụng đối với thị trường đã được gỡ bỏ, nhiều NHTM đã chủ động được xem xét quy mô tín dụng cho BĐS, lãi suất NH đã giảm về mức có thể chấp nhận được..., tuy nhiên trên thực tế tiền vẫn chưa vận hành vào thị trường BĐS mà ngược lại, xu hướng thoái vốn đang thống soái.

“Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là hệ thống NH đang tái cấu trúc. Điều này có nghĩa hệ thống NH cần phải có tiền để chi phí cho quá trình tái cấu trúc. Vì vậy hệ thống NH chưa thể có nhiều nguồn lực cho BĐS. Bên cạnh đó, từ sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dỡ bỏ các hạn chế tín dụng với BĐS và hạ lãi suất đã kéo theo đó luồng tiền gửi vào hệ thống NH sẽ giảm đi. Hệ quả là lượng tín dụng dành cho BĐS sẽ bị điều chỉnh trước khi có thể tăng” - ông Chung nhận định.
Cũng theo TS Chung, bản thân thị trường BĐS và hầu hết các DN hoạt động trong thị trường sau một thời gian dài đều bị gặp khó khăn về tài chính cũng như sản xuất. Một lượng vốn đến hạn phải được hoàn trả hệ thống NH trước khi có thể được giải ngân một nguồn vay mới. Vì vậy, lượng tiền vận hành đến thị trường BĐS nhỏ hơn lượng tiền đến hạn thanh toán. Lẽ tất yếu, tổng dư nợ tín dụng cho thị trường BĐS giảm đi. Và trên thực tế, dư nợ tín dụng cho thị trường BĐS đã không tăng mà giảm đi.

Mặt khác, độ trễ của chính sách là một trong những nguyên nhân căn bản làm tác động của việc hạ lãi suất, gỡ bỏ hạn chế đối với thị trường BĐS chưa được vận hành. Từ chính sách của Chính phủ, NHNN, các NHTM cần có thời gian để hấp thụ chính sách và điều chỉnh hoạt động. Các khoản tiền gửi mới cần được hình thành để có thể chuyển hóa thành các khoản tiền vay. Lẽ tất yếu, lượng tiền mới để giải ngân cho thị trường BĐS cần có thời gian. Hơn nữa, mới đây chỉ có trần lãi suất tiền gửi được điều chỉnh. Vấn đề lãi suất tiền cho vay đã được điều chỉnh hay chưa cũng chưa thực sự rõ ràng. Vì vậy, các DN BĐS cũng cần có thời gian và năng lực đàm phán mới có thể tiếp cận được vốn.

Trong khi đó, các nguồn vốn khác chưa có chuyển biến rõ rệt. Nguồn đầu tư công về nguyên tắc là có thể giải ngân lớn trong 6 tháng cuối năm, nhưng do nhiều nguyên nhân đã không thực sự lớn. Quỹ đầu tư tín thác đã có văn bản pháp lý nhưng chỉ đi vào thực tiễn từ 15.9. Nguồn đầu tư nước ngoài cũng không có chuyển biến rõ rệt. Các nhà đầu tư tiềm năng vẫn đang trong trạng thái chờ đợi...

“Khi cả hệ thống NH và hệ thống BĐS đều đang được điều chỉnh (tái cơ cấu). Bản thân các DN BĐS tiềm ẩn trong lòng nó những rủi ro chất lượng DN, chất lượng dự án, trong khi hệ thống NH và các quỹ tài chính cũng tiềm ẩn những rủi ro bất ổn thì hệ quả là việc cả hai bên đều đang có những phòng ngừa trước khi có động thái tích cực trong giải ngân và nhận giải ngân là điều khó tránh khỏi” - TS Chung nhận xét.

DN phải tự cứu mình

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã thẳng thắn thừa nhận: Thời gian qua thị trường BĐS bộc lộ sự phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định. Hậu quả dẫn đến thực trạng là dư nợ tín dụng BĐS tăng nhanh (năm 2009 tăng 36% so với năm 2008, năm 2010 tăng 24% so với cùng kỳ năm 2009) và hiện nay là tình trạng giảm giá BĐS xuất hiện ở tất cả các phân khúc của thị trường. Số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch trong suốt cả năm qua. TPHCM thị trường BĐS trầm lắng từ năm 2009 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Việc phụ thuộc vào hệ thống NH hoặc dựa vào nguồn vốn huy động của khách hàng để triển khai dự án là nguyên nhân chính khiến các DN rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu tiền triển khai dự án, bị thua lỗ và mất khả năng trả nợ. Tác động trực tiếp không chỉ là khó khăn cho DN BĐS, đến thị trường BĐS mà còn là sự mất thanh khoản của NH, gây đình trệ sản xuất cho các DN sản xuất VLXD và thi công xây lắp...

“Để thoát ra khỏi tình cảnh này, các DN trước hết phải tự cứu mình. Bản thân các DN phải làm ăn nghiêm túc, chuyên nghiệp để khách hàng trở lại thị trường. Nên nhìn nhận đợt điều chỉnh vừa rồi theo hướng tích cực vì nếu không như vậy sẽ không có câu chuyện các cơ quan quản lý điều chỉnh lại cơ chế chính sách, các “tay chơi” bị loại khỏi thị trường, các DN buộc phải điều chỉnh lại cơ cấu mặt hàng, sản phẩm... cho phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân. Mỗi lần chấn chỉnh là một lần đau nhưng trụ lại sẽ là những DN vững vàng, thị trường minh bạch hơn...” - Thứ trưởng Nam nói.

“Theo tôi, DN đừng ngồi đó mà chờ ngân hàng hay Nhà nước cứu mình, bởi bản chất của NH là đặt lợi nhuận của mình lên trên hết. Nhà nước cũng đang “bận” đi cứu các tập đoàn và nhiều ngành nghề khác trong khi tình hình kinh tế khó khăn ít có khả năng phục hồi trong năm 2013. Tôi cho rằng, giải pháp tốt nhất lúc này là DN chấp nhận lỗ 50% để tồn tại, giảm giá bán, bán dự án giá thấp, giải quyết triệt để hàng tồn kho. Làm nhỏ nhất sản phẩm: Chấp nhận giảm mật độ xây dựng, diện tích xây dựng, giảm tầng xây dựng (15 tầng xuống 12 tầng). Tiết kiệm tối đa chi phí xây dựng (chung cư <18 tầng chi phí khoảng 5 triệu đồng/m2 xây dựng gần 7 triệu đồng/m2 căn hộ) và tham gia chương trình nhà ở xã hội theo phương thức thương mại” - Ông Nguyễn Văn Đực – Phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành.