Doanh nghiệp cần chủ động phòng vệ thương mại trong sân chơi hội nhập

Theo Hồng Ánh/kinhtevadubao.vn

Hội nhập kinh tế càng sâu, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với tranh chấp, khiếu kiện phòng vệ thương mại ngày càng nhiều. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải chủ động bảo vệ mình trong sân chơi hội nhập.

Thép là mặt hàng đối diện khá nhiều với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Nguồn: Internet
Thép là mặt hàng đối diện khá nhiều với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Nguồn: Internet

Đối tượng bị điều tra vô cùng đa dạng

Trong xu hướng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, thời gian gần đây, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), tính đến đầu tháng 5/2018, đã có 128 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (25 vụ, chiếm 20%); Thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ (19 vụ, chiếm 15%); thứ ba là Ấn Độ (15 vụ, chiếm 12%) và thứ tư là EU (14 vụ, chiếm 11%).

Dẫn đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (77 vụ việc, chiếm 60%); Tiếp đó là các vụ việc tự vệ (23 vụ, chiếm 18%); Thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (17 vụ việc, chiếm 13%) và cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp (11 vụ việc, chiếm 9%).

Điển hình một số vụ việc có tác động tiêu cực đến sản xuất của doanh nghiệp trong nước, như: Mỹ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với pin năng lượng mặt trời, thép cán nguội và thép carbon chống mòn, tôm, cá da trơn...; Australia điều tra chống bán phá giá với dây thép; Canada điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối bằng đồng của Việt Nam… 

Mới đây nhất, ngày 25/5/2018, Cơ quan biên phòng Canada (CBSA) đã khởi xướng điều tra bán phá giá và trợ cấp đối với với sản phẩm thép cán nguội dạng cuộn hoặc dạng thanh có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hàng hoá là đối tượng bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vô cùng đa dạng, từ các mặt hàng nông, thủy sản cho đến các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Trước đây, chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, như: Thuỷ sản, da giày mới bị kiện, nhưng nay, ngay cả những mặt hàng có kim ngạch nhỏ cũng phải đối mặt với các vụ kiện. Có thể nói, bất cứ hàng hoá xuất khẩu nào cũng có khả năng là đối tượng bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại.

Nguyên nhân do đâu?

Lý giải vì sao hàng hóa xuất khẩu Việt Nam lại đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trên báo Sài Gòn giải phóng, việc chậm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đã khiến cho doanh nghiệp nội có nguy cơ đối mặt với rào cản thương mại. Tính đến nay, chỉ có 69 nước công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Trong đó, các thị trường nhập khẩu lớn hàng hóa của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Canada, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ… lại không công nhận điều này. Thực tế này đã dẫn đến phương pháp tính biên độ bán phá giá gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

Các hiệp hội doanh nghiệp trong nước cũng cho biết, thời gian qua, thông tin hàng hóa của Việt Nam đến thị trường nước ngoài còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, nhiều báo chí trong và ngoài nước liên tục phản ánh hàng hóa Việt Nam có gian lận xuất xứ. Cho nên, các nước đã đặt nghi vấn về việc một lượng lớn hàng hóa của các nước khác di chuyển sang Việt Nam để gian lận xuất xứ, nhằm tận dụng tối đa ưu đãi thuế xuất khẩu. Vì vậy, các nước sẽ sử dụng tới các công cụ phòng vệ thương mại nhiều hơn để bảo vệ lợi ích của mình trong cuộc cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.

Theo ông Chu Thắng Trung, trong bối cảnh tiến trình tự do hoá thương mại toàn cầu ngày càng sâu rộng, các hàng rào thương mại truyền thống như thuế quan dần dần được dỡ bỏ, các cam kết mở cửa thị trường được đẩy mạnh cùng với sự gia tăng của các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được sử dụng nhiều như một công cụ hợp pháp để bảo hộ sản xuất trong nước.

Một nguyên nhân khác đó là, tính chu kỳ của các nền kinh tế cũng ảnh hưởng đến sự gia tăng của các biện pháp phòng vệ thương mại. Các chuyên gia pháp lý về thương mại quốc tế đã chỉ ra rằng, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại xảy ra nhiều hơn trong thời kỳ suy thoái và khủng hoảng kinh tế. Khi đó, các ngành sản xuất trong nước bị suy giảm có xu hướng viện đến các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của mình. 

Ngoài ra, ông Trung cũng cho rằng, các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu đang ngày càng được mở rộng và liên kết nhiều quốc gia với nhau cũng là lý do tác động đến các biện pháp phòng vệ thương mại. Do đó, các vụ kiện về phòng vệ thương mại phát sinh những xu hướng mới như kiện chùm, kiện chống lẩn tránh thuế, kiện kép… làm gia tăng số lượng các vụ kiện về  phòng vệ thương mại.

Kháng kiện phòng vệ thương mại còn nhiều lúng túng

Bên cạnh việc phải đối mặt với hàng loạt vụ điều tra phòng vệ thương mại, công tác kháng kiện của một số ngành hàng, doanh nghiệp cũng chưa hiệu quả và còn nhiều lúng túng. Hơn nữa, việc kháng kiện thành công một vụ việc không hề đơn giản, bởi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hiệp hội và Chính phủ.

Theo Phó Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), công tác kháng kiện của một số ngành hàng, doanh nghiệp trong nước còn chưa thực sự hiệu quả, do thiếu kinh nghiệm ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại so với đối thủ nước ngoài. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: mức độ hiểu biết của đa số các doanh nghiệp Việt Nam về phòng vệ thương mại còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm kháng kiện, chưa có kế hoạch đầu tư hợp lý vào việc kháng kiện, cũng như chưa có chiến lược, định hướng rõ ràng, quyết tâm và chuyên nghiệp khi kháng kiện.

Mặt khác, năng lực tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, trong khi chi phí để kháng kiện rất cao, để thành công có thể cần phải thuê luật sư tư vấn dày dạn kinh nghiệm từ chính nước khởi xướng điều tra.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra trong việc cung cấp tài liệu, số liệu, hệ thống lưu giữ tài liệu, hợp đồng, dữ liệu, hoá đơn chưa đầy đủ, khoa học và hệ thống. Một số doanh nghiệp còn tâm lý né tránh, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ vào công tác kháng kiện trong khi sự tham gia vào toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc lại có vai trò quyết định cơ hội thành công cho doanh nghiệp.

Giải pháp nào trong thời gian tới?

Nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào hoạt động xuất khẩu, do vậy, để hội nhập được với kinh tế thế giới, bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu cần đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần có những giải pháp để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại cũng như tăng khả năng thắng kiện.

Trả lời Báo Sài Gòn Giải phóng, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thực hiện khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với những hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp làm việc trực tiếp với các tổ chức, các bên liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần phải hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin liên quan đến công tác kháng kiện, tránh tình trạng doanh nghiệp né tránh, không cung cấp thông tin, thậm chí ém thông tin, dữ liệu, số liệu hàng hóa xuất khẩu. Hệ quả là không phải chỉ có một doanh nghiệp xuất khẩu mà tất cả doanh nghiệp, ngành hàng đó đều bị thiệt hại.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng chia sẻ, hiện Việt Nam đang có giao thương với 200 quốc gia trên thế giới, nhưng hàng hóa Việt chỉ mới xuất khẩu tới hơn 50 nước. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương yêu cầu các tham tán thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu. Song song đó, Bộ đẩy mạnh làm việc với phía Mỹ và châu Âu để xem xét lại chính sách kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Do đó, biện pháp khả thi nhất nhằm giảm thiểu rủi ro chính là doanh nghiệp phải chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, ông Chu Thắng Trung cho rằng, để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại, đồng thời gia tăng khả năng thành công khi tham gia vào các vụ kiện, các doanh nghiệp nên tự bảo vệ mình bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp nên thường xuyên có hoạt động trao đổi thông tin với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước, nhằm nắm bắt được những thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện.

Đặc biệt, khi vụ việc đã được khởi xướng điều tra, doanh nghiệp xuất khẩu cần tích cực tham gia vào công tác kháng kiện, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để tránh trường hợp cơ quan điều tra sử dụng dữ liệu sẵn có bất lợi để tính toán biên độ phá giá, trợ cấp.

Trả lời trên Báo Người Lao động, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam (VIAC) cho biết, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp thuế nhập khẩu về 0%, nhưng nhiều thị trường vẫn muốn bảo hộ ngành sản xuất trong nước, thì nên tăng cường phòng vệ thương mại với các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ trước hàng nhập khẩu. Đây được xem là biện pháp cuối cùng để bảo vệ hàng nội địa.
Ngoài ra, vai trò của các hiệp hội ngành hàng cũng rất quan trọng khi cần nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp thành viên, thu thập số liệu thống kê và tăng cường làm việc với cơ quan quản lý, như: Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương để đề xuất biện pháp phòng vệ thương mại khi cần thiết.