Doanh nghiệp còn ít thông tin về thị trường xuất khẩu

Theo TBKTSG

Thiếu sót lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thương mại quốc tế là không nghiên cứu kỹ lưỡng các hiệp định tự do hóa thương mại cũng như không có đủ thông tin cần thiết để thích ứng với các thị trường xuất khẩu.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ, người từng đảm nhận vai trò trưởng đoàn đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện Việt Nam-Nhật Bản đã nhận xét như trên tại hội thảo “Rào cản thương mại với hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam tổ chức ngày 23-6 tại Hà Nội.

Ông Ruệ cũng cho rằng rào cản thông tin xuất phát từ bất đồng ngôn ngữ và sự hạn hẹp về nguồn tin cũng gây khó cho doanh nghiệp không kém gì rào cản thương mại về yếu tố kỹ thuật, xuất xứ, yêu cầu tiêu chuẩn về hàng hóa. "Đây cũng là lý do hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu khi tham gia vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản", ông Ruệ nói.

Vì vậy, theo ông Ruệ, doanh nghiệp xuất khẩu cần khắc phục bằng cách nghiên cứu kỹ hệ thống pháp luật của nước đối tác cũng như chính sách bảo hộ của họ, sử dụng tham vấn về pháp luật trong mọi trường hợp cần thiết từ khâu chuẩn bị đàm phán cho đến cả khi tranh chấp thương mại và đặc biệt cần xây dựng tính cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cao hơn nữa để tương trợ lẫn nhau khi tham gia vào thương mại quốc tế.

Ông Claudio Dordi, tư vấn trưởng Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III, một diễn giả tại hội thảo, khuyến cáo doanh nghiệp chú trọng khâu nghiên cứu thị trường mục tiêu để tìm hiểu kỹ lưỡng, nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và nâng cao chất lượng hàng hóa là yếu tố sống còn đối với mỗi nhà xuất khẩu.

“Các yêu cầu kỹ thuật về thương mại chỉ là những rào cản cơ bản, rào cản mang tính quyết định lớn nhất lại chính là sự sẵn sàng chấp nhận và mua hàng của người tiêu dùng, vì vậy chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định sự thành bại của mỗi thương vụ xuất khẩu”, ông Dordi nói.

Hội thảo nói trên là một phần trong những hoạt động của tiểu dự án “Tăng cường năng lực về chính sách thương mại cho các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam” do Ủy ban châu Âu tài trợ, trong khuôn khổ Dự án Liên minh châu Âu (EU)-Việt Nam MUTRAP III.