Doanh nghiệp giải bài toán “khủng hoảng thị trường”

Theo Minh Hào/doanhnhansaigon.vn

Trong thời điểm khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, doanh nghiệp phải tính tới việc tái cấu trúc, thay đổi mô hình kinh doanh, sản phẩm, thị trường...

Dịch Covid-19 đang gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp. Nguồn: internet
Dịch Covid-19 đang gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp. Nguồn: internet

Dịch Covid-19 đang gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, chế biến... vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Covid-19 đang lan sang nhiều nước khiến việc xúc tiến thương mại, hội chợ - triển lãm quốc tế vốn là nơi DN tìm kiếm đơn hàng, đối tác cho cả năm đã bị hủy bỏ. Tác động từ dịch bệnh không chỉ là thiếu nguyên liệu sản xuất mà đầu ra cũng ảnh hưởng khi nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh.

Chia sẻ tại một hội thảo do Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức mới đây, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, dịch Covid-19 đang làm kinh tế Việt Nam thiệt hại nhiều mặt, nhất là các ngành hàng xuất nhập khẩu như dệt may, cơ khí, du lịch, hàng không... Chuỗi giá trị bị đứt gãy khi nguyên phụ liệu đầu vào, thiết bị sản xuất của nhiều ngành hàng nhập từ Trung Quốc bị gián đoạn.

Theo đại diện Công ty Nhựa Duy Tân, công ty không mua nguyên liệu từ Trung Quốc mà nhập từ Hàn Quốc và một số thị trường khác nên từ đầu mùa dịch đến nay, hoạt động của Duy Tân chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Hàn Quốc đang bị tác động mạnh từ dịch bệnh nên công ty đang rất lo. Nhựa không phải là mặt hàng thiết yếu nên nhu cầu sẽ giảm, và như vậy doanh thu của Duy Tân bị ảnh hưởng. Để đảm bảo hoạt động hiệu quả, Duy Tân phải tổ chức lại sản xuất. 

Không chỉ gặp khó trong sản xuất, các DN còn đối diện với khó khăn khi khách hàng thay đổi thói quen tiêu dùng. Theo khảo sát mới công bố của Nielsen Việt Nam, Covid-19 không chỉ tác động đến hành vi tiêu dùng mà còn tác động đến việc mua sắm, ăn uống, nhất là ăn ngoài. 

Khó khăn là vậy nhưng nhiều DN cho rằng thời gian này cũng là cơ hội đối với không ít ngành sản xuất, như chế biến nông sản, thực phẩm chẳng hạn. Việc đứt gãy nguyên phụ liệu đầu vào cũng là cơ hội để DN tái cơ cấu sản xuất, tìm kiếm thị trường, đối tác, nguồn cung nguyên phụ liệu mới. Với các ngành hàng như nông sản, thực phẩm, những sản phẩm tăng sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe dự báo sức mua sẽ tăng cao. 

Chia sẻ thực tế tại DN, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit cho biết: “Doanh số các mặt hàng rau, củ, quả của Vinamit tăng 30% so với trước dịch Covid-19, do người tiêu dùng có nhu cầu cao. Dù vậy, Vinamit vẫn chạy chương trình khuyến mãi để tăng doanh số, giữ chân khách hàng. Đây được xem là một trong những phương thức để Vinamit đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khó khăn chung của DN”. 

Cũng theo ông Nguyễn Lâm Viên, hiện nay DN không nên quá quan tâm đến lợi nhuận nhiều hay ít mà phải đẩy mạnh doanh số, tiết giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh sự linh hoạt trong quản trị, DN phải chủ động ứng phó với thị trường và tìm cách giải bài toán “khủng hoảng thị trường”. Cụ thể, phải bám sát, cập nhật diễn biến thị trường để có giải pháp khi có biến động hoặc xuất hiện những nguy cơ, rủi ro. “Ngay lúc này, DN nên chọn chiến lược sản xuất, kinh doanh, phương thức bán hàng theo hướng tăng doanh số, bảo toàn vốn”, ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, ngoài ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, tìm nguyên liệu mới để sản xuất cũng là cách giúp DN giảm chi phí, đa dạng mặt hàng. Như sáng kiến mới đây của doanh nhân Kao Siêu Lực với bánh mì có nguyên liệu là trái thanh long, bánh bông lan thanh long nhân sầu riêng không chỉ góp phần “giải cứu” nông sản mà có thể tạo ra sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu. 

Trong thời điểm khó khăn hiện nay, DN phải tính tới việc tái cấu trúc, thay đổi mô hình kinh doanh, sản phẩm, thị trường... Một trong những giải pháp hỗ trợ DN duy trì ổn định thị trường và không giẫm chân nhau là đẩy mạnh liên kết ngành. Trong đó, phải thống nhất vai trò từng khâu, tránh cạnh tranh không lành mạnh để tăng hiệu quả liên kết và phát triển bền vững trong chuỗi cung cầu. Trên cơ sở này, DN có thể xây dựng thương hiệu và uy tín với người tiêu dùng đối với sản phẩm cũng như với từng DN tham gia liên kết.