Doanh nghiệp "mò mẫm" vào thị trường ASEAN

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Trong khi hàng hóa của các nước trong khu vực, nhất là hàng Thái Lan, đã tràn vào Việt Nam sau gần 3 năm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các doanh nghiệp Việt dường như vẫn còn "mò mẫm" tìm cách đưa hàng vào thị trường này.

 Bao bì là một trong những điểm yếu của DN Việt khi XK vào thị trường khu vực. Nguồn: Internet
Bao bì là một trong những điểm yếu của DN Việt khi XK vào thị trường khu vực. Nguồn: Internet

Ông Tín cùng 4 chủ doanh nghiệp (DN) khác đến từ tỉnh Sóc Trăng cho biết họ đang chế biến mặt hàng khô cá dứa cùng một số sản phẩm thuỷ sản khác, nhưng lại loay hoay đầu ra cho thị trường ASEAN khi không biết bắt đầu từ đâu, chưa biết xuất khẩu (XK) vào thị trường nào là phù hợp. Đối với các DN nhỏ thấy vấn đề gì cũng quan trọng, từ khâu quảng bá, bao bì cho đến tìm hiểu thị trường.

Băn khoăn tìm lối

Như chia sẻ của ông Phong – chủ một DN chuyên sản xuất túi vải thân thiện môi trường, khi tham gia vào thị trường ASEAN rất rộng lớn, điều khiến ông băn khoăn là khả năng cạnh tranh của DN Việt với các DN Trung Quốc.

"Hơn nữa, làm sao để nhận diện trên mỗi thị trường trong khu vực đâu là thị trường mục tiêu, khách hàng mục tiêu nhằm tăng hiệu quả kinh doanh, tránh mất thời cơ cũng như giảm thiểu rủi ro của DN", ông Phong chia sẻ.

Thực tế còn rất nhiều băn khoăn khác, hơn cả những vấn đề như vậy, từ phía các DN được nêu ra tại Hội thảo Thị trường ASEAN: Lối đi nào cho DN Việt tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh ngày 10/10.

Chia sẻ với các DN, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), lưu ý chẳng hạn nếu muốn XK thực phẩm thì điều cốt lõi vẫn là phải đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm dù vào thị trường nào ở ASEAN.

Hoặc ngay như bao bì cũng là một vấn đề không nhỏ. Theo ông Hòa, khi sang tìm hiểu thị trường láng giềng là Campuchia, người tiêu dùng cho biết cách ghi chữ trên bao bì của hàng Việt XK cũng đã không đạt chứ chưa nói đến mẫu mã, màu sắc bao bì. Lý do không đạt đơn giản là vì không có ghi một chữ Campuchia nào trên bao bì sản phẩm, chỉ thấy ghi tiếng Anh với tiếng Việt.

"Trong khi đó, bao bì hàng Thái Lan đều vừa có tiếng Thái vừa có tiếng Campuchia. Người tiêu dùng cầm sản phẩm lên sẽ biết có cái gì, chất bổ gì trong sản phẩm. Đó là tôi chỉ nêu một góc nhỏ trong điểm hạn chế về bao bì của DN Việt khi XK vào thị trường khu vực", Giám đốc ITPC nhấn mạnh.

Rõ ràng, với nhiều điểm hạn chế như vậy nên hàng Việt vẫn chưa có nhiều đột phá khi XK vào thị trường ASEAN, dù AEC đã thành lập được gần 3 năm.

Điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2015 – 2017, hàng hóa XK vào ASEAN mỗi năm đều tăng, như năm 2016 đạt 3,31 tỷ USD, tăng 13% so với 2015, năm 2017 đạt 3,47 tỉ USD, tăng 4% so với 2016. Tuy nhiên, những con số này không tăng đột biến sau khi AEC được thành lập.

Cơ cấu hàng hóa khá tương đồng trong khu vực ASEAN dẫn đến DN Việt phải cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là các ngành được bảo hộ. Trong khi đó, con số nhập khẩu vẫn rất lớn, kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD vào năm 2016 và đã tăng lên mức 8,15 tỷ USD vào năm 2017 (tăng 13%). Hiện tại, con số nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN cao hơn 2,6 lần so với XK.

Chỉ dừng ở "cơ hội"

Ở góc độ một nhà thu mua và phân phối của Thái Lan, trước sự quan tâm của nhiều DN Việt muốn đưa hàng hóa vào thị trường khu vực và chuỗi hệ thống Mega Market, bà Punthila Puripreecha, Giám đốc vận hành (Operations Director) của công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam) cho biết công ty hiện đang tổ chức các chuyến đi thực tế cho đội ngũ thu mua từ Thái Lan sang Việt Nam.

"Nếu các DN Việt có nhu cầu đưa hàng vào hệ thống thì cần tìm hiểu nhu cầu thị trường của sản phẩm mình đang có cũng như của đội thu mua. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các bạn về mặt quy trình, kỹ thuật để đưa hàng hóa vào hệ thống", bà Punthila Puripreecha nói thêm.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng thách thức với các DN Việt muốn XK vào thị trường ASEAN hiện vẫn rất lớn, dù Việt Nam có cơ hội XK các mặt hàng có thế mạnh và có ưu đãi vì thuế quan giảm.

"Năng lực của DN Việt vẫn còn hạn chế để tận dụng cơ hội. Vì vậy "nếu thiếu năng lực thể chế và năng lực của DN nhằm tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và AEC nói riêng… thì tất cả chỉ dừng ở "cơ hội", "tiềm năng" và "có thể", bà Tuệ Anh nhấn mạnh.

Phân tích thêm về một số nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến việc các DN Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường ASEAN, ông Phạm Thiết Hòa cho rằng hình thức sản phẩm chưa đa dạng, giá sản phẩm chưa cạnh tranh.

Hơn nữa, hệ thống phân phối hàng hóa còn kém, chưa kết nối chặt chẽ với các cơ quan chức năng phụ trách xúc tiến, ngoại giao… Bản thân DN chưa trang bị đủ điều kiện để XK vào các nước đạo Hồi và chưa nắm rõ các rào cản kỹ thuật, pháp lý của các nước trong khu vực.

Còn theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, chiến lược kinh doanh của DN cần theo sát xu hướng tiêu dùng của người dân mỗi nước ASEAN, liên kết với nhà phân phối nội địa uy tín, có năng lực… Thực tiễn cho thấy, sản phẩm của mỗi nước, mỗi DN đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực hay chuỗi giá trị của toàn cầu.