Doanh nghiệp nhỏ khó bắt tay ông lớn FDI

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Samsung cho biết cần khoảng 500 doanh nghiệp cung ứng linh phụ kiện từ nay đến năm 2020 nhưng đến nay mới chỉ có 35 công ty Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1. Đây là một trong rất nhiều cơ hội mà doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã bỏ lỡ.

Năm 2018, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút vốn FDI lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt khoảng 9,067 tỷ USD. Nguồn: Internet
Năm 2018, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút vốn FDI lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt khoảng 9,067 tỷ USD. Nguồn: Internet

Đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc công ty TNHH Samil CTS Vina từ năm 2014, song ông Han Chang Woo thẳng thắn cho biết cảm nhận của mình khi tiếp xúc với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp (DN) Việt Nam là họ chưa thực sự mặn mà hợp tác với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

"Tôi cảm thấy khoảng 90% DN Việt Nam chưa muốn hợp tác với chúng tôi. Trong khi đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi thực sự rất muốn hợp tác với các bạn", ông Han nói.

Mới có 21% DN tham gia chuỗi

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút vốn FDI lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt khoảng 9,067 tỷ USD, chiếm 50,5% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Các DN FDI đầu tư sản xuất tại Việt Nam sẽ không chỉ tận dụng lợi thế về chi phí sản xuất hợp lý mà còn tận dụng lợi thế về thuế quan và mở cửa thị trường để dễ dàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Các DN trong nước sẽ có điều kiện thuận lợi để trở thành các DN cung ứng sản phẩm hỗ trợ, đầu vào cho các DN sản xuất đầu cuối trên thị trường.

Tuy nhiên, ông Ron Ashkin, Giám đốc dự án Liên kết USAID cho các DN vừa và nhỏ (DNVVN), nêu ra nghịch lý là DNVVN Việt Nam hiện chiếm đến 98% số DN trên cả nước nhưng mới chỉ có 21% liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài. Trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%…

Nhập khẩu đầu vào ở một số lĩnh vực vẫn ở mức cao: dược là 85 – 90%, điện thoại thông minh 79%, điện tử 77%, nhựa 70 – 80%, dệt may 67%, giày dép 47%.

Điển hình là trường hợp của Samsung. Tập đoàn này chiếm gần 1/4 tổng xuất khẩu Việt Nam nhưng đến năm 2019, mới chỉ có 35 công ty Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1.

Hay như cơ sở sản xuất công nghệ cao của Tập đoàn General Electrics (GE) ở Hải Phòng muốn nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 20%, cơ hội cho DNVVN nhưng DN Việt lại chưa tận dụng được. Nguyên nhân là do DN Việt có kỹ thuật kém, năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với DN nước ngoài, nhân viên thiếu tay nghề…

Theo ông Ron Ashkin, các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam bởi mức lương thấp hơn nhiều nước trong khu vực, nhưng nếu so sánh lợi thế về năng suất lao động và khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu lại kém cạnh tranh hơn. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/18 Singapore, 1/16 Malaysia và 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc.

Cùng với đó, chuỗi cung ứng địa phương không đầy đủ đang làm tăng tất cả các chi phí khác ngoài lao động và cũng giảm thiểu sự tham gia của lao động địa phương. Chi phí lao động thấp nhưng nguyên vật liệu, chi phí vốn, vận chuyển và logistics, thuế và phí, chưa kể chi phí không chính thức lớn cản trở nhà đầu tư.

DN thiếu đủ thứ, chính sách chưa sát

Hơn ai hết, DN Việt Nam hiểu rõ vì sao chưa thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam, cho rằng DN nào cũng biết mình thiếu gì nhưng vấn đề là không thể tìm cách khắc phục.

Số lượng DN làm CNHT lên tới hơn 3.000 DN, nhưng chỉ có khoảng 300 DN cung cấp linh kiện cho tập đoàn đa quốc gia, trong đó chủ yếu là DN cung cấp linh kiện, phụ tùng phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất xe máy.

Đi thẳng vào điểm yếu của DN Việt, bà Bình cho biết, có lẽ nhiều người nghĩ rằng DN Việt Nam không thể tham gia chuỗi giá trị là do máy móc lạc hậu, song thực tế không như vậy. Những năm qua, tỷ lệ DN sử dụng máy móc cũ, lạc hậu đã giảm đi rất nhiều.

Trong khi đó, những vấn đề tưởng chừng DN Việt không yếu lại hiện hữu trên thực tế, điển hình là tiêu chuẩn áp dụng tại DN như chất lượng, chỉ số môi trường rất thấp.

Đơn cử, với ISO 9001 (tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế phát triển và ban hành), hiện có 70% DN áp dụng nhưng phiên bản 2015 mới chỉ có 1/3 DN áp dụng; tiêu chuẩn môi trường mới chỉ 30% DN áp dụng…

Bà Bình kể câu chuyện nhiều DN Việt Nam cho biết rất muốn hợp tác với công ty đa quốc gia, song khi họ đến đánh giá khả năng hợp tác, đưa ra những yêu cầu đòi hỏi phải cải tiến, các DN Việt lại thừa nhận là không có nguồn lực để làm điều đó.

Điều này dẫn tới thực tế hiện có 35 DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung nhưng chỉ có 1 DN cung ứng linh kiện, điện tử (đem lại giá trị cao), còn lại chủ yếu là cung cấp cơ khí và điện tử.

Bên cạnh đó, DN Việt còn kém khả năng cạnh tranh về giá, sản lượng, tiêu chuẩn so với các DN CNHT của Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.

Vì vậy, muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, DN phải ổn định chi phí nhân công và nguồn nhân công, áp dụng triệt để quản trị tinh gọn, đáp ứng các công đoạn còn thiếu. Đồng thời, DN phải tăng tính cạnh tranh toàn cầu thông qua việc đạt các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và theo lĩnh vực, nâng cao năng lực thương mại, quản trị và kết nối.

Mặt khác, các DN cũng mong muốn Nhà nước có chính sách ưu tiên cung ứng trong nước theo từng giai đoạn như ưu tiên kêu gọi đầu tư nước ngoài và nội địa vào sản xuất các sản phẩm phù hợp, có chính sách ưu đãi đối với DN sản xuất linh kiện này theo từng giai đoạn…

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng DN là người trong "cuộc chơi" nên biết rất rõ mình thiếu và cần làm gì, tại sao họ vẫn không làm. Theo bà Bình, có nhiều lý do, mà một trong số đó là sự hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực này chưa đủ, chưa đạt những thứ mà DN mong muốn. Bản thân rất nhiều DN những năm qua phải tự làm, tự thân vận động.

"Chẳng hạn như DN Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia tham dự hội chợ quốc tế được miễn toàn bộ chi phí thuê gian hàng, trong khi DN Việt vẫn phải bỏ ra phần lớn chi phí", bà Bình chia sẻ.