Doanh nghiệp nhỏ tìm “cửa” xuất khẩu sang Mỹ

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng thị phần của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn còn khá khiêm tốn. Để các doanh nghiệp nhỏ tham gia nhiều hơn vào xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Mỹ còn nhiều việc phải làm.

Thị phần của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn còn khá khiêm tốn. Nguồn: Internet
Thị phần của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn còn khá khiêm tốn. Nguồn: Internet

Mới đây, công ty TNHH Bánh Kẹo Á Châu (ABC Bakery) ở TP. Hồ Chí Minh đã xuất khoảng 60.000 bánh trung thu có nhân ngọt sang thị trường Mỹ để thăm dò phản ứng.

ABC Bakery trước kia là một doanh nghiệp (DN) nhỏ, sau thời gian nỗ lực đầu tư công nghệ, phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp tại thị trường TP. Hồ Chí Minh nên có chút tiếng tăm, quy mô cũng lớn hơn, nhưng việc xuất khẩu bánh trung thu cao cấp sang Mỹ lại là lần đầu tiên đối với DN này.

Nỗ lực "vượt lên chính mình"

Để làm được điều đó, ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc ABC Bakery, cho biết các năm trước, bánh trung thu "Made in Vietnam" có mặt tại thị trường Mỹ chủ yếu là dòng giá rẻ. Điều này khiến người tiêu dùng Mỹ cho rằng bánh Việt Nam là loại bình dân, chuyên bán ở quầy "mua 1 tặng 1", trong khi bánh của Hồng Kông, Malaysia, Singapore… luôn được đánh giá cao hơn.

"Không hài lòng khi bánh trung thu Việt Nam bị đánh giá thấp và bán kiểu "mua 1 tặng 1", thế nên tôi gửi bánh qua Mỹ cho DN dùng thử với những dòng cao cấp mới. Họ bất ngờ về chất lượng nên thúc giục tôi làm thủ tục để xuất khẩu", ông Lực nói.

Nhìn lại kinh nghiệm phát triển DN bánh kẹo của mình và nay đã có thể xuất khẩu vào thị trường cao cấp như Mỹ, ông chủ ABC Bakery chia sẻ rằng các DN Việt cần cải tiến về tư duy nếu muốn cải tiến về hoạt động sản xuất.

Hơn nữa, theo ông Lực, các DN nội cần chú trọng đầu tư máy móc hiện đại, hạn chế sức lao động con người. Mặt khác, bên cạnh chất lượng sản phẩm là tiêu chí được đặt lên hàng đầu, DN cần đầu tư chú trọng về hình thức bao bì sản phẩm.

Có thể nói, "cửa" để vào thị trường Mỹ của các DN nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam như trường hợp nêu trên sẽ thênh thang nếu biết cách để "vượt lên chính mình".

Thực tế cho thấy tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ nửa đầu năm nay vẫn khả quan (tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với gần 21,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 19% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa sang tất cả các thị trường) dù có nhiều cảnh báo trước đó về những yêu cầu khắt khe ở thị trường này

Tuy nhiên, như lưu ý mới đây của ông Mark Gillin, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh (Amcham Hồ Chí Minh), khi nói về thách thức của DNNVV Việt Nam trong kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu, đó là thị phần của các DNNVV Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn còn khá khiêm tốn so với các DNNVV trong khu vực ASEAN.

"Các DNNVV của Việt Nam đang có động lực phát triển mạnh mẽ nhưng họ chưa tham gia nhiều vào câu chuyện thành công của xuất khẩu vào Mỹ. Năng lực xuất khẩu của các DNNVV vẫn chưa được đánh giá đúng, trong khi đây là lực lượng đang chiếm phần lớn nhất trong tổng số DN Việt hiện nay", ông Mark nhấn mạnh.

Chủ động đáp ứng yêu cầu

Theo ông Mark, các DNNVV Việt Nam cần tận dụng cơ hội xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Mỹ khi mà cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra như hiện nay.

Nhưng làm thế nào để các DN nhỏ cải thiện năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường Mỹ thì còn nhiều việc phải làm. Cụ thể, nếu các DNNVV Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng thị trường Mỹ thì nhất quyết phải trở thành nhà cung ứng "đủ điều kiện" đối với các công ty Mỹ.

Theo giới chuyên gia, tại thị trường kỹ tính như Mỹ, với "tầm vóc" còn hạn chế của mình đòi hỏi các DNNVV của Việt Nam nếu đã nhắm đến thị trường này phải tự nâng cao năng lực, chủ động hợp tác để xây dựng chuỗi cung ứng…

Đặc biệt, các DN nhỏ trong ngành thực phẩm xuất khẩu vào Mỹ cần quan tâm đến Luật Hiện đại hóa về an toàn vệ sinh thực phẩm (FSMA) được áp dụng từ năm 2016, đưa ra nhiều yêu cầu khá nghiêm ngặt.

Ông Lê Đình Nghĩa, Trưởng đại diện SMUCKER International Việt Nam, cho rằng vào thị trường Mỹ, DN Việt phải đảm bảo các tiêu chuẩn của họ. Nếu không đảm bảo các tiêu chuẩn của FSMA thì lô hàng đầu tiên xuất sang Mỹ trót lọt nhưng DN có thể "dính" ở những lô hàng sau.

Khi đó, phía Mỹ truy ra những lô hàng đã nhập trước đó, thiệt hại cho DN sẽ lớn hơn nhiều, thậm chí có nguy cơ bị cấm xuất khẩu sang Mỹ.

Còn theo ông Nguyễn Huy, Giám đốc Thực phẩm Bureau Veritas Việt Nam, Mỹ là thị trường lớn của Việt Nam, tuy nhiên thời gian qua, thông tin nước này từ chối nhập khẩu hàng hóa Việt Nam ngày càng nhiều.

Nguyên nhân chính là do thực phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, vi phạm quy định nhãn mác và các quy định nhập khẩu mới từ Mỹ. Đây là cảnh báo mà các DNNVV của Việt Nam khi xuất khẩu thực phẩm cần lưu tâm.

Các quy định này thường được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) kiểm tra qua hồ sơ của nhà nhập khẩu. Trong trường hợp khẩn cấp, FDA đến tận nơi triển khai và trong vòng 24 giờ, DN nhập khẩu phải cung cấp hồ sơ cho họ.

Nếu không cung cấp được các chứng nhận đảm bảo theo các quy định của FSMA, hàng hóa của DN sẽ bị trả về hoặc bị thu hồi tiêu hủy.