Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp: Nên sớm có thị trường vốn riêng


TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) – cho rằng, trong bối cảnh khó tiếp cận với nguồn vốn từ các ngân hàng thì những quỹ đầu tư mạo hiểm hiện nay là nguồn vốn quan trọng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo.

Cho vay ngang hàng, kênh huy động vốn tuyệt vời cho khởi nghiệp sáng tạo
Cho vay ngang hàng, kênh huy động vốn tuyệt vời cho khởi nghiệp sáng tạo

Nhiều DNNVV khởi nghiệp chia sẻ đều gặp khó khi tiếp cận vốn, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

TS. Cấn Văn Lực. Hiện nay, nguồn vốn cho DN tư nhân vay rất nhiều. Các tổ chức tín dụng cho vay từ 30-35% vốn cho DN khối nhà nước, còn lại là khối DN tư nhân, tuy nhiên, tiếp cận nguồn vốn này khá khó khăn. Điều này xuất phát từ 2 phía, cả tổ chức tín dụng, nhà đầu tư và bản thân các DN. Về phía DN, hồ sơ đôi khi chưa chuẩn, chưa đáp ứng điều kiện huy động vốn, chưa có dự án khả thi, thiếu minh bạch. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư lại yêu cầu phải có hồ sơ chuẩn, đáp ứng điều kiện về tài sản thế chấp, hoặc đảm bảo dự án khả thi…

Chưa kể, ở nước ta áp dụng hình sự hóa quan hệ kinh tế vẫn rất phổ biến, nếu cho vay mà mất vốn thì cả hai bên (người cho vay và người đi vay) đều phải chịu xử lý khiến việc tiếp cận vốn ngân hàng vẫn còn khó khăn.

Ông có lời khuyên nào dành cho DNNVV khi tiếp cận vốn?

Đối với DN khởi nghiệp sáng tạo, chúng tôi đã khảo sát, trao đổi, nghiên cứu thấy rằng, có 3 cách huy động vốn cơ bản: Tìm nguồn vốn của nhà nước, chủ yếu từ quỹ đầu tư của nhà nước; đi vay các tổ chức tín dụng, công ty tài chính hay bạn bè, người thân, tổ chức tín dụng không chính thức; vay quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư mạo hiểm.

Hiện, Việt Nam có 70 quỹ đầu tư mạo hiểm. Tôi khuyên DN nên tập trung vào dòng vốn này. Đây mới là nguồn vốn chính. Tuy nhiên, để huy động được vốn phải có dự án khả thi, đội ngũ quản lý, hồ sơ chuẩn để kêu gọi vốn. Hiện, chúng tôi cũng đang đề xuất với Chính phủ phải có thị trường vốn riêng cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ngoài vấn đề tài chính thì cơ chế, chính sách liên quan đến khởi nghiệp cũng đang là rào cản, thưa ông?

Hiện nay, tinh thần khởi nghiệp và kinh doanh trong toàn xã hội rất cao, đâu đâu cũng nhắc đến "khởi nghiệp". Song khởi nghiệp vẫn theo phong trào, chưa có nhiều DN thành công nhanh trong thời gian vừa qua, trừ một vài DN đã và đang thành công. Vấn đề ở đây một phần bắt nguồn từ chính DN, phần cũng đến từ cơ chế, chính sách. Hiện các chính sách liên quan đến khởi nghiệp của Việt Nam vẫn còn đang mới và thiếu.

Theo tôi, Việt Nam cần sớm có hành lang pháp lý để loại hình "cho vay ngang hàng" phát triển, đây là kênh huy động vốn tuyệt vời cho khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, tạo cơ chế, chính sách đơn giản như thủ tục thành lập, vận hành DN đơn giản. Đặc biệt, có sự hỗ trợ tốt hơn về nguồn vốn. Chính phủ không cấp vốn mà tạo ra vốn mồi, từ đó tạo nhiều dòng vốn khác để đầu tư vào.

Xin cảm ơn ông!

Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo đã chính danh hóa các quỹ đầu tư, cũng như để các địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng… dùng ngân sách địa phương đầu tư vào các startup. Tuy nhiên, chính sách này mới đang bắt đầu đi vào triển khai. Hiện chỉ TP. Hồ Chí Minh có quỹ này.