Doanh nghiệp Việt Nam “chuộng” nhất đối tác Đông Á Thái Bình Dương

Theo Quang Lộc/congthuong.vn

Đây là thông tin từ kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 do Tổng cục Thống kê công bố tại Hà Nội ngày 19/9/2018. Theo đó, mức độ sẵn sàng cho tham gia hội nhập quốc tế của doanh nghiệp là khá cao tuy nhiên vẫn kỳ vọng khá nhiều vào sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước.

42,1% doanh nghiệp lạc quan với đối tác khu vực Đông Á Thái Bình Dương. Nguồn: Internet
42,1% doanh nghiệp lạc quan với đối tác khu vực Đông Á Thái Bình Dương. Nguồn: Internet

Mục đích của việc tổng điều tra kinh tế năm 2017 là nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng và lao động của các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, bao gồm đến cấp đơn vị cơ sở; kết quả sản xuất, kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu và sự phân bổ của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu, đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương.

Kết quả điều tra cho thấy, có tới 94,5% doanh nghiệp cho rằng họ biết đến các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia trong khi chỉ có 5,5% doanh nghiệp nói rằng không biết đến các hiệp định. 86,9% doanh nghiệp biết đến các hiệp định thương mại thông qua kênh truyền thông; 16,3% qua các hiệp hội; 15,1% do cơ quan quản lý nhà nước; 10,8% từ đối tác kinh doanh; 8,8% qua các kênh thông tin khác.

Có tới 83,9% doanh nghiệp ủng hộ Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế (trong đó 53,3% doanh nghiệp rất ủng hộ), 2,9% doanh nghiệp cho rằng ký cũng được mà không ký cũng được, 12,6% doanh nghiệp không có ý kiến, chỉ có 0,6% doanh nghiệp hoàn toàn phản đối. Đáng chú ý số lượng doanh nghiệp ủng hộ việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại song đi kèm đó là tâm trạng lo lắng chiếm đến 30,6% số doanh nghiệp.

Việt Nam hiện tham gia nhiều hiệp định thương mại song tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các hiệp định này là không như nhau. Theo đó hiệp định với cộng đồng kinh tế ASEAN có tới 81,1% số doanh nghiệp đánh giá có ảnh hưởng; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương có 77,1%; Việt Nam - Nhật Bản 69,1%; Việt Nam - Hàn Quốc 62,4%; Việt Nam - Liên minh châu Âu 61,0%; Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu 57,6% trong khi các hiệp định khác chỉ có 5,6%.

Trong các nội dung của hiệp định thương mại, có 38,8% doanh nghiệp đánh giá nội dung về thương mại hàng hóa có tác động tích cực nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có 36,8% doanh nghiệp cho rằng đầu tư là nội dung tiếp theo tác động tích cực, thương mại điện tử là 35,1%, lao động là 31,2%.

Đặc biệt khi được hỏi về ảnh hưởng và tác động có lợi khi quan hệ với các đối tác nước ngoài, có 42,1% doanh nghiệp lạc quan với đối tác khu vực Đông Á Thái Bình Dương; 42% doanh nghiệp lạc quan với đối tác Mỹ; 35% doanh nghiệp lạc quan với đối tác Đông Nam Á và châu Âu; 23,6% doanh nghiệp lạc quan với đối tác Trung Quốc và 20,7% lạc quan với đối tác châu Mỹ La tinh.

Liên quan đến những mong muốn của doanh nghiệp từ Chính phủ và các cơ quan Nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khi Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại, có tới 84,6% doanh nghiệp mong muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, 69,4% doanh nghiệp muốn được hỗ trợ cung cấp và hướng dẫn chi tiết thông tin về hiệp định, 55,3% doanh nghiệp muốn có được thông tin về thị trường nước ngoài từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, 48,9% doanh nghiệp muốn có thông tin về thị trường trong nước.