Doanh nghiệp Việt Nam lạc quan nhất châu Á

Theo TBKTSG

Ngân hàng HSBC vừa công bố kết quả cuộc khảo sát mức độ tin tưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại 21 thị trường trên thế giới, theo đó doanh nghiệp Việt Nam dẫn đầu về mức độ lạc quan so với các thị trường khác tại châu Á.

Cuộc khảo sát của HSBC về mức độ tin tưởng của doanh nghiệp vừa và nhỏ được thực hiện định kỳ hai lần một năm nhằm tìm hiểu nhận định của các doanh nghiệp vừa và nhỏ về tình hình tăng trưởng kinh tế địa phương, kế hoạch đầu tư vốn và tuyển dụng trong sáu tháng tới.

Cuộc khảo sát lần thứ 6 này có qui mô lớn nhất từ trước đến nay, ghi nhận ý kiến của hơn 6.300 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên 21 thị trường tại châu Á, Trung Đông, châu Âu, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh. Kết quả trả lời được sử dụng để tính mức độ lạc quan theo chỉ số từ 0 đến 200, trong đó 200 thể hiện mức độ lạc quan cao nhất, 0 đại diện cho mức độ thấp nhất và 100 là mức độ lạc quan trung bình.

Khảo sát lần này được tiến hành vào tháng 5 và tháng 6 năm nay do công ty nghiên cứu thị trường TNS thực hiện theo chỉ định của Khối Dịch vụ tài chính doanh nghiệp thuộc Ngân hàng HSBC.

Lần đầu tiên từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, toàn bộ thị trường châu Á được khảo sát đều có cái nhìn lạc quan về tình hình tăng trưởng kinh tế địa phương, nhân sự và cả các kế họach đầu tư vốn. Chỉ số lạc quan, tin tưởng của châu Á được giữ vững ở mức 121 (so với mức 122 của cuộc khảo sát thực hiện vào quý 4 năm ngoái).

Việt Nam là quốc gia có chỉ số lạc quan cao nhất, đạt 164 – đứng đầu trong khu vực châu Á, theo sau là Singapore (136), Trung Hoa đại lục (123), và Ấn Độ (121).


Doanh nghiệp Việt Nam lạc quan nhất châu Á   - Ảnh 1

 

Nhận định về tình hình tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng tới, 77% doanh nghiệp Việt Nam tin rằng tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn. Tỷ lệ này tăng hơn mức 71% trong cuộc khảo sát vào quý 4 năm 2009. Trong khi đó, 16% doanh nghiệp tin rằng tốc độ tăng trưởng sẽ không đổi và chỉ có 7% cho rằng tăng trưởng sẽ chậm lại trong 6 tháng tới.

48% doanh nghiệp được hỏi cho rằng các chính sách của Chính phủ là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp theo sau là nhu cầu gia tăng của thị trường nội địa với tỷ lệ 25%.

Đa số doanh nghiệp Việt Nam cho biết họ sẽ tăng cường đầu tư vào các hoạt động kinh doanh với tỷ lệ 70%, tăng lên từ 66% của lần khảo sát trước. Có 29% doanh nghiệp trả lời sẽ duy trì quy mô kinh doanh ở mức cũ và chỉ có 3% có kế hoạch cắt giảm đầu tư. Gần 60% doanh nghiệp được hỏi cho biết đang lên kế hoạch tuyển dụng thêm nhân sự, 39% giữ nguyên số nhân viên và chỉ 3% cho biết họ sẽ cắt giảm nhân sự.

Ông Huỳnh Bửu Quang, Giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ tài chính doanh nghiệp HSBC Việt Nam, cho biết “Mặc dù mức độ lạc quan tăng thấp hơn so với cuộc khảo sát lần trước, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu trên bảng xếp hạng trong số 21 thị trường được khảo sát. Điều đó chứng tỏ rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các thị trường mới nổi khác, vẫn có nhận định lạc quan về nền kinh tế địa phương, mặc cho những biến động gần đây của nền kinh tế toàn cầu”.