Doanh nghiệp Việt xoay sở giải bài toán tỷ giá

Theo Hoàng Anh/tinnhanhchungkhoan.vn

9 tháng đầu năm 2018, tỷ giá USD/VND ghi nhận mức tăng 2,79% và được dự báo sẽ giữ xu hướng đi lên cho tới cuối năm. Với đề bài này, mỗi doanh nghiệp phải xoay sở tìm lời giải theo cách của riêng mình.

Mỗi doanh nghiệp phải xoay sở tìm lời giải theo cách của riêng mình. Nguồn: Internet
Mỗi doanh nghiệp phải xoay sở tìm lời giải theo cách của riêng mình. Nguồn: Internet

VND mất giá thấp hơn trong khu vực

Dù đã mất giá 2,72% so với USD sau 3 quý đầu năm 2018, nhưng nếu so với mức giảm giá trung bình 4,4% của đồng tiền các quốc gia châu Á khác thì VND vẫn được đánh giá là đồng tiền ổn định.

Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBVS), từ tháng 1/2018 đến nay, một số đồng tiền đã mất giá khá cao so với USD như đồng rupee (Ấn Độ) giảm 13,49%; Đồng peso (Philippines) giảm 8,21%; Đông won (Hàn Quốc) giảm 3,61% và NDT (Trung Quốc) 5,57%.

Chưa kể, đồng tiền của các thị trường mới nổi đáng chú ý như Brazil, Ấn Độ, Nga giảm giá lần lượt 25%, 13%, và 20% so với USD.

Cũng theo KBVS, để xem xét yếu tố tỷ giá, chúng ta cần để mắt tới NEER (tỷ giá danh nghĩa đa phương), đo lường giá trị của VND với 1 rổ gồm 8 đồng tiền ngoại tệ khác.

Trong quá khứ (cụ thể vào năm 2015 và 2016), khi giá trị NEER tăng đến một mức cao nhất định (105, mốc là đầu năm 2014), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động phá giá VND để ổn định thị trường.

Hiện tại, chỉ số NEER vào khoảng 97,8, áp lực phá giá là không lớn. Trong khi trên thực tế, chênh lệch giữa tỷ giá “chợ đen” và liên ngân hàng - thước đo sự bất ổn của tỷ giá USD/VND đang dần được thu hẹp, chỉ vào khoảng 100 đồng.

“Đến thời điểm hiện tại, thị trường ngoại hối vẫn duy trì sự ổn định, tâm lý đầu cơ không lớn. Các yếu tố ngoại lực quan trọng tác động đến tỷ giá như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đều đã được phản ánh qua tỷ giá vào giai đoạn đầu quý III, chưa kể các chỉ số vĩ mô đang hỗ trợ tích cực cho sự ổn định của thị trường”, ông Trần Đức Anh, Giám đốc kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho biết.

Ông Đức Anh dự báo, trong quý IV, nếu USD và NDT duy trì ổn định thì VND sẽ giữ vững trong vùng 23.300 - 23.350 đồng/USD.

Tuy nhiên, trong trường hợp thị trường tiền tệ có những biến động mạnh, nhất là khi Fed đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, chiến tranh thương mại leo thang, lo ngại khủng khoảng ở các thị trường mới nổi quay trở lại…, thì VND sẽ chịu sức ép lớn hơn và có thể quay trở lại ngưỡng 23.500 đồng/USD.

Thực tế cho thấy, hoạt động của thị trường tiền tệ trong quý III/2018 đã thể hiện những bước đi rất thận trọng của NHNN.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND qua đêm được đẩy dần từ 2%/năm lên 4%/năm và duy trì ở ngưỡng này từ giữa tháng 8.

Trong khi đó, lãi suất USD vẫn ổn định quanh ngưỡng 2%/năm. Các chuyên gia nhận định, NHNN đã chủ động nâng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, không để xảy ra tình trạng chênh lệch lãi suất USD - VND quá cao, gây áp lực lên tỷ giá. 

Trong bối cảnh hiện tại, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, hầu hết các quốc gia đều có xu hướng thắt chặt tiền tệ. Tính đến nay, Mỹ đã nâng lãi suất 5 lần và đa phần các thành viên thị trường tin rằng, Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2018.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) giảm mua tài sản từ mức 30 tỷ EUR/tháng xuống 15 tỷ EUR/tháng vào tháng 9/2018 và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay.

Ngân hàng trung ương Anh tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tháng 8 và Canada cũng đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay.

Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Mexico, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina đều liên tục nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát và bảo vệ đồng nội tệ. Đồng tiền của hầu hết các nước này đều đã mất giá đáng kể trong năm 2018.

Đặc biệt, đồng peso của Argentina đã mất 50% giá trị, buộc nước này phải nâng lãi suất cơ bản lên 60%/năm. Khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến đồng lira giảm giá 42% so với USD kể từ đầu năm đến nay.

Tại Việt Nam, NHNN đang theo đuổi chính sách neo tỷ giá vào USD, cũng như đồng tiền thanh toán quốc tế chính thức trên thị trường là USD.

Do đó, KBVS cho rằng, điều này sẽ có tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp nhập khẩu ròng và doanh nghiệp đang có nhiều nợ vay bằng USD. Tuy nhiên, tác động cụ thể đến từng doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào biến động đồng tiền của đối tác nhập khẩu.

Theo đó, VND không chỉ chịu tác động bởi USD, mà còn liên quan đến một số ngoại tệ khác. Cụ thể, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động nhập khẩu của Việt Nam, khoảng 30% và 20%, trong khi Mỹ chỉ chiếm 3% (số liệu cuối năm 2017).

Như vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào từ 2 quốc  gia này có thể được hưởng lợi do đồng nhân dân tệ và won mất giá tương đối so với VND.

Cụ thể, tính đến thời điểm 28/9/2018, đồng nhân dân tệ đã mất giá khoảng 2,73% và won vào khoảng 1,34% so với VND.

Ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu từ các đối tác Mỹ, Nhật Bản sẽ gặp khó khăn bởi VND mất giá so với USD và yên Nhật, khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng, kéo theo sự suy giảm của tỷ suất lợi nhuận.

Đối với các doanh nghiệp vay nợ bằng USD và không có hoặc ít có nguồn thu ổn định bằng đồng tiền này, rủi ro tỷ giá sẽ rõ ràng khi tỷ giá USD/VND biến động tăng gây áp lực lên chi phí tài chính. 

Doanh nghiệp đang đối phó như thế nào?

Trên sàn niêm yết, số lượng doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến USD khá nhiều, số công ty có dư nợ bằng ngoại tệ cũng không nhỏ.

Trong đó, cần chú ý tới nhóm doanh nghiệp sở hữu nợ vay, đồng thời có nguồn thu bằng USD, đó là các ngành thủy sản, dầu khí…

Tổng công ty cổ phần (CTCP) Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) cho biết, hiện Công ty đang có khoản dư nợ khoảng 30 triệu USD, nhưng việc có nguồn thu bằng đồng tiền này giúp PVS có thể kiểm soát được rủi ro tỷ giá.

“Dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt đã được thực hiện vào đầu năm 2018 và kỳ vọng đóng góp 160 triệu USD cho doanh thu mảng cơ khí, đóng mới và xây lắp (M&C) năm nay. Điều này giúp Công ty cân bằng được nguồn vay bằng ngoại tệ”, đại diện PVS cho biết.

Trong khi đó, tại CTCP Sợi Thế Kỷ (STK), với khoản vay ngắn hạn 10,66 triệu USD, vay dài hạn khoảng 16 triệu USD, doanh nghiệp này đã phải ghi nhận lỗ tỷ giá hơn 12 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018. Mặc dù hiện tại doanh thu xuất khẩu (bằng USD) đang chiếm 56% tổng doanh thu của STK, nhưng yếu tố này vẫn chưa thể bù đắp được rủi ro tỷ giá của Công ty.

Tính đến hết tháng 9/2018, STK dự kiến sẽ phải trích lập thêm khoản lỗ chênh lệch tỷ giá USD/VND. Liên quan đến biến động tỷ giá, lãnh đạo STK cho biết, tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm có phần ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung.

Tuy nhiên, lường trước được vấn đề này, Công ty đã có khoản trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá với tỷ lệ 3% (trong khi tỷ lệ hiện tại là 2,79%), do vậy tình hình vẫn đang trong ngưỡng kiểm soát của doanh nghiệp.

CTCP Dệt may Thành Công (TCM) cũng là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ các khoản vay ngoại tệ. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, TCM đã phải hạch toán lỗ 8 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá.

Với biến động tăng nhẹ của USD trong quý III/2018, Công ty sẽ phải hao hụt thêm ít nhất vài ba tỷ đồng. Đại diện doanh nghiệp chia sẻ,  nếu tỷ giá USD so với VND tăng/giảm 5% thì lợi nhuận trước thuế của TCM sẽ giảm/tăng tương ứng 32,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thủy sản Kiên Hùng (KHS) cho biết, theo tính toán bán đầu, Công ty dự báo trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá USD/VND trong năm 2018 với tỷ lệ 2%.

Đây cũng là mức dự báo chung của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 3 quý đầu năm, tỷ giá đã biến động gần 3%, khiến KHS phải chịu một phần thiệt hại, dù dư nợ USD tại Công ty hiện nay chỉ ở mức trên dưới 2 triệu USD.

Tổng giám đốc của một doanh nghiệp thủy sản đang niêm yết trên HOSE cho rằng, rủi ro tỷ giá là loại rủi ro mà doanh nghiệp luôn ở thế bị động và khó có khả năng ứng phó nhất.

Với khoản vay gần 10 triệu USD, nhiều khả năng doanh nghiệp này phải chịu khoản lỗ tỷ giá lên đến gần 6 tỷ đồng trong năm 2018. Để đối phó với khó khăn này, vị lãnh đạo trên chia sẻ, hiện tại, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển đổi đồng ngoại tệ vay cho phù hợp với từng thời điểm, giúp chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu được cho là sẽ hưởng lợi từ việc tỷ giá tăng, song với doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm thì “lợi bất cập hại”.

Một doanh nghiệp ngành thép cho biết, dù Công ty đang xuất khẩu hơn 10.000 tấn thép mỗi tháng nhưng lại phải nhập khẩu tới 30.000 tấn phế liệu, quặng để sản xuất. Rõ ràng, tỷ giá tăng không hề có lợi cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, hoạt động của các doanh nghiệp có liên quan đến những khoản nợ, chi trả bằng USD chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong 6 tháng cuối năm 2018 và kéo dài đến năm 2019.

Thậm chí, một số doanh nghiệp cho biết có thể phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh để phù hợp với những chuyển biến mới của tỷ giá.