Doanh nghiệp Việt xoay xở ra sao trong dịch virus corona?

Theo Hiếu Công/zing.vn

Nhiều doanh nghiệp ngành dịch vụ, du lịch, vận chuyển... chịu ảnh hưởng lớn từ dịch virus corona. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp có chiến lược từ sớm, tránh được rủi ro.

Nhiều doanh nghiệp dệt may khó khăn vì nguồn nguyên phụ liệu. Ảnh: Việt Hùng.
Nhiều doanh nghiệp dệt may khó khăn vì nguồn nguyên phụ liệu. Ảnh: Việt Hùng.

Bên trong sảnh Khách sạn Hacinco (quận Đống Đa, Hà Nội) những ngày này chỉ có 1 lễ tân, 1 bảo vệ. Mọi khâu vận hành đang được tiết giảm tối đa nhân sự. Dịch virus corona khiến khách lưu trú sụt giảm đột ngột, tạo ra khung cảnh vắng lặng, trái ngược hoàn toàn với không khí tập nập thời gian trước.

Hacinco là một trong những khách sạn đón khách Trung Quốc nhiều nhất tại Hà Nội. Với quy mô 140 phòng, tiêu chuẩn 3 sao, ở vị trí không quá xa trung tâm, nhiều đoàn khách Trung Quốc chọn đây là nơi nghỉ chân bởi giá cả hợp lý. Nhiều người nói vui rằng vì khách Trung Quốc mà Hacinco “ăn nên làm ra”. Nhưng hiện nay, khách Trung Quốc gần như không có, hoạt động kinh doanh đình trệ.

Hacinco chỉ là một trong hàng trăm cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi dịch virus corona khắp cả nước. Nhiều nơi đang cố gắng tiết giảm chi phí để duy trì hoạt động. Tuy vậy, vẫn có những doanh nghiệp có chuẩn bị tốt, duy trì sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nhân có những cách làm riêng, từng bước chủ động kinh doanh, tránh phụ thuộc bên ngoài.

Nhiều khách sạn cho nhân viên ở quê tiếp tục nghỉ Tết

"Gần như đình trệ hoàn toàn” là chia sẻ của một cán bộ Công ty du lịch Vietrantour về hoạt động của các tour du lịch liên quan đến Trung Quốc. Hãng này nổi tiếng với các tour dẫn khách Việt đi Trung Quốc và ngược lại.

“Nhiều di tích bị đóng cửa bởi dịch nên khách tham quan lại càng hạn chế. Nhiều khách sạn cho nhân viên ở quê tiếp tục nghỉ Tết, chỉ duy trì số ít lễ tân, bảo vệ cho qua mùa dịch”, người này chia sẻ.

Cũng vì điều này, các ngành liên quan trong tour du lịch như lưu trú, ăn uống, vận chuyển cũng phải nghỉ theo. Với các tour Việt Nam đi Trung Quốc, doanh nghiệp này phải đề nghị trả lại tiền, hoặc đề xuất hoãn lịch. May mắn, hầu hết khách đều thông cảm với việc này.

Tình trạng ảm đạm về du lịch cũng diễn ra tại hầu hết địa phương du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh, Đà Nẵng…

Theo thống kê của Công an tỉnh Quảng Ninh, khách nước ngoài đăng ký lưu trú tại tỉnh từ 1/1 đến 7/2 là 205.000 người. Con số này chỉ bằng 64,6% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách sụt giảm gần 40% chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Tương tự, tại Hà Nội, lượng khách quốc tế tháng 1 đạt 481.800 lượt, giảm 9%. Riêng 9 ngày Tết, khách du lịch quốc tế có lưu trú đến Hà Nội đạt 86.844 lượt khách, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng khách du lịch Trung Quốc giảm 47% với 13.975 lượt.

Hệ thống khách sạn Mường Thanh với số lượng phòng nhiều hàng đầu Việt Nam cũng cho biết khách lưu trú giảm những ngày qua. Tuy chưa đưa ra thống kê cụ thể, một đại diện cho biết khách giảm chủ yếu đến từ những địa phương có lượng khách Trung Quốc lớn như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp là du lịch, vận chuyển và nông nghiệp. GDP quý đầu có thể mất đi 2,75% do dịch bệnh.

Để một container hàng về mất 21 ngày

Ở lĩnh vực sản xuất, nhiều doanh nghiệp cũng đang lao đao vì tác động gián tiếp liên quan đến dịch virus corona, đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Tại Hải Phòng, Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam chuyên sản xuất sản phẩm dệt may xuất đi nhiều nước thế giới, nhưng lại phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu Trung Quốc. Hiện tại, một cán bộ doanh nghiệp này chia sẻ công gặp rất nhiều khó khăn để thông quan nguyên phụ liệu qua biên giới từ Trung Quốc về Việt Nam.

Do đó, doanh nghiệp phải chọn giải pháp khác là chuyển hàng qua đường biển và mất nhiều thời gian chờ đợi hơn. Theo đó, trung bình, để một container nguyên liệu từ Trung Quốc về Việt Nam mất 21 ngày. Doanh nghiệp mất 7 ngày cho việc vận chuyển đường biển, vận tải container từ cảng về kho. Tuy nhiên, mất đến 14 ngày để cách ly hàng hóa và người vận chuyển theo quy định.

Trong khi đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp này là người Trung Quốc không sang kịp Việt Nam mà phải ở lại do dịch virus corona. Nhiều người phải làm việc từ xa. Do đó, nhiều đơn hàng của doanh nghiệp này phải lùi thời gian.

Một doanh nghiệp sản xuất khác tưởng chừng như gặp thuận lợi trong bối cảnh dịch bệnh cũng đang khó khăn về nguyên liệu là dệt kim Đông Xuân. Doanh nghiệp này đang tăng nhanh số lượng khẩu trang sản xuất ra trong bối cảnh dịch, nhưng lại gặp khó khăn về nguyên liệu.

Theo ông Trần Việt, Tổng giám đốc dệt kim Đông Xuân, nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất một chiếc khẩu trang y tế là màng lọc. Doanh nghiệp này chủ yếu phụ thuộc vào màng lọc sản xuất từ Trung Quốc. Khi nhu cầu về khẩu trang tăng lên nhưng doanh nghiệp cũng khó khăn tìm nguồn cung ứng nguyên liệu.

Theo chia sẻ của một doanh nghiệp hóa chất, nhiều loại hóa chất công nghiệp mà trong nước chưa sản xuất được cũng đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Thậm chí để sản xuất một chai nước rửa tay sát khuẩn lại phụ thuộc vào nắp ống xịt nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện rất ít doanh nghiệp Việt sản xuất được ống xịt như vậy.

Những cách làm để tránh được rủi ro

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng gặp khó khăn trong bối cảnh dịch. Thậm chí có doanh nghiệp đã tính toán trước, có chiến lược đề phòng những rủi ro có thể xảy ra.

Trao đổi với Zing.vn, ông Đỗ Xuân Diện, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thadi (thành viên tập đoàn Thaco), cho biết doanh nghiệp này gần như không chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và vẫn xuất khẩu nông sản đi Trung Quốc bình thường trong những ngày qua.

“Chúng tôi vẫn xuất đều đặn các container hàng đi Trung Quốc, kể cả mùng 1, mùng 2 Tết vừa qua. Thadi xuất chính ngạch và giá cả hàng hóa vẫn đảm bảo”, ông này nói.

Ông Diện chia sẻ chìa khóa của Thadi là trồng nông sản chuyên môn hóa kết hợp với chế biến, bảo quản nên có thể xuất chính ngạch. Khi xuất chính ngạch, các đối tác vẫn thực hiện hợp đồng như cam kết ngay kể cả diễn biến thị trường xấu đi.

Chuối được sơ chế, bảo quản trước khi xuất đi. Ảnh: Phạm Ngôn.
Chuối được sơ chế, bảo quản trước khi xuất đi. Ảnh: Phạm Ngôn.

“Doanh nghiệp phải có hàng hóa chất lượng, đủ tiêu chuẩn, có công nghệ chế biến, bảo quản chuyên nghiệp, do đó có thể kéo dài thời gian vận chuyển, thông quan hàng hóa”, ông nói.

Tương tự, Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Chế biến gỗ Cà Mau, doanh nghiệp có này có thêm mảng nông nghiệp, cũng đang xuất chuối đi Trung Quốc chính ngạch mà không gặp bất cứ khó khăn gì. Chuối được đóng thùng, hút chân không, bảo quản lạnh xuất sang Trung Quốc giá trung bình 10.000 đồng/kg.

Một doanh nghiệp khác tại Long An là Công ty Lavifood cũng cho rằng bí quyết để tránh được những rủi ro như dịch bệnh là đầu tư làm hàng hóa chất lượng, gắn chế biến sâu. Nhiều mặt hàng nông sản của doanh nghiệp này qua chế biến đang xuất chủ yếu đi EU, Nhật Bản và Mỹ… với giá cao.

Một doanh nghiệp sản xuất khác là Sunhouse cho rằng cần tự chủ về nguồn nguyên liệu sẽ tránh được những rủi ro, không chỉ dịch bệnh virus corona. Ông Nguyễn Xuân Phú, CEO Sunhouse, cho biết Trung Quốc có những lợi thế riêng nên là mắt xích quan trọng cho nhiều doanh nghiệp toàn cầu. Sunhouse nội địa hóa trên 90%, nhưng vẫn phụ thuộc một số nguyên liệu nhập từ Trung Quốc mà trong nước không sản xuất được như sơn chống dính, hóa chất xử lý bề mặt… Ông cho biết ngay từ sớm doanh nghiệp đã có chiến lược dự trữ những nguyên liệu này từ sớm để có thể sản xuất 2-3 tháng. Những loại nguyên liệu dễ mua hơn thì giảm lượng dự trữ.

Ông mong muốn về lâu dài, Chính phủ cần có chiến lược quốc gia, nội địa hóa ngành công nghiệp phụ trợ, cung ứng cho chuỗi sản xuất trong nước. Từ đó tránh được những rủi ro bên ngoài, không chỉ từ dịch virus corona như hiện tại.