Doanh nghiệp xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử: Không bỏ lỡ cơ hội lớn
Đại dịch toàn cầu đã làm tê liệt và khiến hàng triệu doanh nghiệp (DN) phá sản, nhưng bù lại khó khăn này cũng mở ra một xu thế kinh doanh mới đó là bán hàng, xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới.
DN xuất khẩu không thể bỏ lỡ cơ hội lớn
Hiệu quả xuất khẩu qua TMĐT thời gian gần đây của các DN Việt Nam đã có những chuyến biến mạnh mẽ. Vào đỉnh dịch Covid-19, làn sóng TMĐT trong nước lan rộng và trở nên bùng nổ với việc nhiều người mua hàng online tại nhà. Thời hậu Covid-19, nhận thấy TMĐT xuyên biên giới phát triển mạnh và là cánh cửa mới cho các doanh nghiệp (DN) Việt xuất khẩu trực tuyến.
Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) năm 2019 tốc độ tăng trưởng TMĐT đạt trên 32%, đưa tốc độ tăng trưởng của cả giai đoạn 2016- 2019 đạt khoảng 30%. Quy mô TMĐT bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD, dự báo năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô TMĐT sẽ vượt con số 15 tỷ USD.
Còn theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain & Company, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, nhiều khả năng quy mô TMĐT của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Theo nghiên cứu từ Alibaba.com cho thấy hiện nay 65% người mua hàng B2B lên thẳng các trang TMĐT và gõ tìm kiếm các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của họ, so với chỉ 54% người mua hàng tìm kiếm thông qua Google. Điều này cho thấy sức hút của các trang TMĐT đang ngày càng trở nên lớn hơn và đáp ứng đúng nhu cầu tìm kiếm hàng hóa của người mua hàng toàn cầu.
Nghiên cứu của Statista (Công y nghiên cứu về thị trường và dữ liệu người dùng) cũng cho thấy Amazon là nhà bán lẻ TMĐT phổ biến nhất tại hị trường Hoa Kỳ, tính đến đến nay Amazon chiếm hơn 38,7% tổng doanh số bán lẻ TMĐT tại Hoa Kỳ.
Tiếp cận được với sàn TMĐT Amazon, Alibaba sẽ giúp DN xuất khẩu Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa một cách dễ dàng hơn, tiết kiệm được cả thời gian và chi phí, qua đó mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và phát triển sản xuất kinh doanh - Bà Nguyễn Phương Trinh - Quản lý tài khoản cấp cao của Amazon Global Selling Vietnam chia sẻ.
DN tự tin, thích ứng tốt khi đưa hàng lên sàn TMĐT
Theo ông Nguyễn Thiên Phúc - Giám đốc kinh doanh và vận hành Công ty Innovative Hub các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam rất đa dạng, giàu tiềm năng để xuất khẩu. Đặc biệt là các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam rất hấp dẫn người tiêu dùng nước ngoài, nhưng vì các rào cản về chất lượng xuất khẩu, giá thành nên còn phần nào hạn chế thị phần. Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu cần tự tin vào chính năng lực sản xuất kinh doanh của DN mình, tự tin vào sản phẩm, chất lượng, giá cả, giao hàng đúng hẹn, đảm bảo số lượng cho các đơn hàng lớn.
Để bắt đầu hành trình xuất khẩu sản phẩm trên sàn TMĐT - Bà Lê Tú Uyên- Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu đồ thủ công mỹ nghệ Love Natural chia sẻ mọi sự khởi đầu của một chiến lược mới, một giải pháp kinh doanh mới đều xuất phát từ sự tự tin ở mỗi bản thân từng DN. Đương nhiên, không thể cứ nói như vậy là mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa, bởi để xuất khẩu thành công cần hội tụ rất nhiều yếu tố như sản phẩm phải chất lượng, giá thành phải tốt, sản lượng sản xuất phải đủ lớn để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng...
Bên cạnh đó, để xuất khẩu qua TMĐT, DN phải sử dụng Tiếng Anh là ngôn ngữ mặc định và trên nền tảng TMĐT còn hỗ trợ dịch thuật tới hơn 16 ngôn ngữ phổ biến khác trên toàn cầu, giúp các nhà nhập khẩu và xuất khẩu trao đổi thông tin thuận tiện, dễ dàng hơn. DN cũng cần sáng tạo, hoạt động tích cực trong các gian hàng của mình để hấp dẫn khách mua, nâng cao thứ hạng gian hàng, tăng khả năng quảng bá sản phẩm, đặc biệt là tiếp cận nhà nhập khẩu một cách toàn diện nhất bởi tính cạnh tranh trong TMĐT cũng rất khốc liệt - Bà Uyên chia sẻ.
Một yếu tố quan trọng nữa là chuyển đổi số, DN cần số hóa tất cả điểm tiếp xúc mà DN sử dụng để tương tác với người mua hàng, qua đó hỗ trợ cho công tác bán hàng tốt nhất từ khâu marketting, bán hàng, cho tới chăm sóc khách hàng... Trên thực tế, có nhiều DN mở gian hàng trên các sàn TMĐT tuy nhiên người nhập khẩu lại tiếp cận DN qua các kênh khác như Email, website của DN, thậm chí gặp trực tiếp DN… Nếu DN chuẩn hóa, số hóa tất cả các kênh thì khả năng tiếp cận của người nhập khẩu rất lớn.