Đổi mới phương thức giảng dạy ngoại ngữ tại các trường đại học: Cơ hội và thách thức


Nhằm đáp ứng xu thế hội nhập phát triển của đất nước với mục tiêu xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, hầu hết các trường đại học tại Việt Nam hiện đều đã đưa môn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh vào chương trình giảng dạy.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong bối cảnh chủ trương tự chủ đối với lĩnh vực giáo dục đang được triển khai quyết liệt, việc đổi mới phương thức giảng dạy ngoại ngữ tại các trường đại học tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu. Bài viết phân tích những cơ hội và thách thức trong việc đổi mới phương thức giảng dạy ngoại ngữ ở các trường đại học tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để việc đổi mới phương thức giảng dạy ngoại ngữ được hiệu quả hơn.

Hiện nay, nhằm đáp ứng xu thế hội nhập phát triển của đất nước với mục tiêu xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, hầu hết các trường đại học Việt Nam đều đã đưa môn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh vào chương trình giảng dạy. Trong bối cảnh chủ trương tự chủ đối với lĩnh vực giáo dục đang được triển khai quyết liệt, việc đổi mới phương thức giảng dạy ngoại ngữ tại các trường đại học tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu. Bài viết phân tích những cơ hội và thách thức trong việc đổi mới phương thức giảng dạy ngoại ngữ ở các trường đại học tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để việc đổi mới phương thức giảng dạy ngoại ngữ được hiệu quả hơn.

Cơ hội đổi mới phương thức giảng dạy ngoại ngữ

Một là, cơ hội tiếp cận, giao lưu ngày càng rộng mở: Có thể nói, với xu thế mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, việc giảng dạy ngoại ngữ có được nhiều điều kiện thuận lợi hơn do cơ hội giao lưu ngày càng dễ dàng, liên tục. Việc giảng dạy, đào tạo những kỹ năng cơ bản không còn bị bó hẹp trong khuôn mẫu sư phạm hay trong những giáo trình khô cứng mà được mở rộng qua kinh nghiệm thực tiễn lẫn thực tế sinh động từ những biến chuyển, thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế. Cơ chế tự chủ về tài chính, con người… cũng giúp cho việc đổi mới hoạt động đào tạo nói chung và việc đổi mới phương thức giảng dạy ngoại ngữ nói riêng tại các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học ngoại ngữ ngày càng thuận lợi.

Hai là, việc tiếp cận các phương thức giảng dạy hiện đại, tiên tiến trên thế giới ngày càng dễ dàng: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và mở rộng hợp tác hiện nay, các trường đại học chủ động mở rộng giao lưu hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế, qua đó mở ra cơ hội và điều kiện để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tiếp cận được các phương pháp giảng dạy hiệu quả từ bên ngoài. Thực tế cũng cho thấy, không chỉ các trường đại học trong nước nỗ lực hợp tác với các đối tác nước ngoài mà hiện nay chính các đối tác ngoại cũng đang tìm cách mở rộng, hợp tác với các trường đại học Việt Nam để mở rộng vị thế, ảnh hưởng và quy mô đào tạo.

Ba là, khoa học công nghệ ngày càng phát triển hỗ trợ tích cực cho phương thức giảng dạy: Với xu thế công nghệ thông tin ngày càng phát triển, đặc biệt là xu thế công nghệ số và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu to lớn, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, các hoạt động đào tạo nói chung và phương thức giảng dạy ngoại ngữ nói riêng tại các trường đại học sẽ phải thay đổi. Đây là xu hướng tất yếu và có lợi cho các trường đại học và nếu tận dụng được lợi thế này.

Bốn là, các trường đại học ngày càng quan tâm, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy: Hiện nay, trong xu thế cạnh tranh chung, các trường đại học đều cố gắng đầu tư nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ tốt nhất cho việc giảng dạy và học tập, đẩy mạnh chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu, qua đó thu hút sinh viên trong bối cảnh tự chủ và cạnh tranh ngày càng quyết liệt hiện nay.

Những thách thức đặt ra

Bên cạnh những thuận lợi trên, vẫn có không ít thách thức đặt ra đối với việc đổi mới phương thức giảng dạy tại các trường đại học hiện nay. Cụ thể, tại các trường đại học có thương hiệu và vị thế, do số lượng quá đông của sinh viên nên phần nào ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng lẫn hiệu quả của các hoạt động dạy học. Ngoài ra, thiết bị giảng dạy thiếu hiệu quả, chưa đầu tư đáp ứng với nhu cầu giảng dạy và học tập. Chất lượng thiết bị các phòng lab, phòng học dịch chưa tốt, do thực tế hiện nay tuổi đời sản phẩm của các thiết bị này thường rất ngắn nên cũng nhanh chóng bị hỏng. Đó là chưa kể cơ sở vật chất chưa phù hợp. Cơ sở vật chất phòng học của nhiều trường chưa đảm bảo nên thường bố trí phòng học thụ động, khi sinh viên phải học tại những phòng qúa rộng, nhiều bàn ghế... không phù hợp cho những buổi học kỹ năng cần sự tập trung cao. Tại một số trường, chưa bố trí hoặc thiết kế đường truyền Internet hay Wifi để phục vụ việc học tập. Một số giảng đường có thể có nhưng đường truyền lại quá chậm, không sử dụng được.

Trong phương thức giảng dạy, không ít trường đại học đang có cách tiếp cận chưa hợp lý. Chẳng hạn, sinh viên Việt Nam thường được khuyến khích hiểu bài học thông qua việc vận dụng các quy tắc ngữ pháp và tra từ điển, máy móc, khiến cho các kỹ năng nói viết của sinh viên khó khăn hơn. Ngoài ra, người học vẫn bị bắt buộc học từ mới một cách máy móc, hiểu ra ý nghĩa từ 1, 2 ví dụ đơn điệu, tách biệt với tình huống cụ thể, không liên quan hành động thực tế. Nhiều bài thi phần lớn câu hỏi hoàn toàn thiếu ngữ cảnh. Chính điều này khiến người học rất khó hiểu, khó ghi nhớ bài học.

Theo các chuyên gia ngôn ngữ nước ngoài, chính phương thức dạy học lỗi thời đã gây ra những hệ lụy, chẳng hạn: Cách thức giảng tại Việt Nam đang khiến cho người học quá rụt rè trong việc hỏi lại những gì họ chưa hiểu, thậm chí khi họ thực sự tò mò muốn biết, họ cũng không dám hỏi lại.

Ngoài các nguyên nhân từ nhà trường và người học thì một trong những yếu tố tác động quan trọng khác là bắt nguồn từ giáo viên. Có những giáo viên mặc dù có kinh nghiệm nhưng ngại thay đổi, thậm chí ngay cả các giáo viên trẻ cũng có xu hướng ngại thay đổi, ngại tìm hiểu và ứng dụng các phương thức giảng dạy hiện đại trong các buổi lên lớp. Nguyên nhân thu nhập tại các cơ sở đào tạo đại học quá thấp khiến cho giáo viên không còn động lực và hứng thú để thay đổi nội dung bài giảng hoặc do đáp ứng nhu cầu cuộc sống, các giáo viên phải tăng cường dạy thêm cho các cơ sở bên ngoài và buông lỏng chất lượng giảng dạy.

Một số kiến nghị, đề xuất

Việc đổi mới công tác giảng dạy là nhiệm vụ thường xuyên của giáo viên nhằm giúp sinh viên tăng sự hứng thú học tập, tăng tính tự chủ - tự chủ trong học tập và nghiên cứu. Tuy vậy, để việc đổi mới được hiệu quả hơn phải có sự thay đổi đồng bộ, từ đổi mới công tác giảng dạy của giáo viên, đổi mới công tác quản lý của các bộ phận chức năng, cho đến đổi mới cơ sở vật chất và không ngoại trừ việc đổi mới tư duy, ý thức học tập của chính bản thân sinh viên.

Đối với các trường đại học

Thứ nhất, tiếp tục đầu tư nguồn lực tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng, điều kiện giảng dạy, học tập, hỗ trợ giảng dạy cho các giảng viên. Trong đó, các phòng học cần có mạng internet để phục vụ cho các buổi trao đổi, thảo luận hoặc thực hành kỹ năng đạt chất lượng, hiệu quả cao, dễ dàng hỗ trợ người dạy trong việc tìm kiếm các ví dụ minh họa cụ thể, thiết thực trên mạng internet.

Thứ hai, đổi mới giáo trình hướng đến các nội dung thiết thực. Hiện nay, giáo trình của các trường đại học tuy đã được quan tâm đổi mới, cập nhật song, vẫn còn mang nặng tính lý thuyết, hàn lâm, hoặc nội dung đưa vào quá nặng, quá chuyên sâu về chuyên ngành. Trong khi, sinh viên khi ra trường dường như không áp dụng những kiến thức này vào thực tế công tác. Do vậy, thời lượng, tần suất kiến thức trong giáo trình cần được nghiên cứu điều chỉnh phù hợp hơn với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội.

Thứ ba, tổ chức các buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về các phương thức giảng dạy hiện đại với các trường đại học trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong bối cảnh tự chủ tài chính của một số trường đại học hiện nay, cần chú trọng phương thức đối thoại, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến để vừa tiết kiệm chi phí, vừa hiệu quả mang lại cao.

Đối với giảng viên

Thứ nhất, xây dựng động cơ học tập cho sinh viên. Theo đó, ngay buổi đầu vào lớp giáo viên phải có chiến lựợc giới thiệu tầm quan trọng của việc học tiếng Anh. Chúng ta không chỉ đưa ra một cách chung chung, mà phân tích hết sức cụ thể về những lợi ích của sinh viên khi học tiếng Anh. Nếu giáo viên biết phân tích sâu và đưa các ví dụ thực tiễn, thì sinh viên sẽ sẵn sàng học tiếng Anh say mê, vì thực sự họ biết rõ tiếng Anh đang rất cần cho đội ngũ trí thức. Một vài ví dụ như: Muốn hội nhập và khai thác nguồn tri thức tiên tiến trên thế giới, nếu có chuyên môn giỏi và tiếng Anh tốt, sẽ là ứng cử viên sáng giá cho việc xét tuyển vào các vị trí làm việc. Ngoài ra, học tiếng Anh giúp cho sinh viên phát triển nhiều kỹ năng: kỹ năng giao tiếp tốt hơn, tư duy nhanh hơn, phản ứng nhanh hơn, có kỹ năng phán đoán, khái quát…. và đặc biệt là sinh viên học tiếng Anh có cơ hội hội nhập với thế giới về phương pháp làm việc... để thuyết phục đựợc sinh viên hứng thú với môn học, giáo viên phải có kỹ năng truyền đạt dễ hiểu và có độ tin cậy cao.

Thứ hai, xây dựng phương pháp học ngoại ngữ cho sinh viên. Trong việc xây dựng phương pháp học ngoại ngữ cho sinh viên, giảng viên cần dạy cho người học mà việc đầu tiên nên dạy cho người học cách thức học tập, cách thức tiếp cận các nguồn tài liệu trên mạng, trên các mạng xã hội, trong đó chú trọng xây dựng cho mình các cách thức tự học thông qua mạng xã hội do hiện nay tỷ lệ dùng các thiết bị thông minh và internet của giới trẻ Việt Nam hiện ở mức cao.

Bên cạnh đó, dù mỗi sinh viên có phương pháp học riêng nhưng giảng viên nên gợi ý phương pháp học từ vựng, ngữ pháp và các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; Luyện cho sinh viên kỹ năng đoán từ trong ngữ cảnh; Xây dựng cách thức thực hành nhiều theo cặp, theo nhóm. Giáo viên đề nghị sinh viên trao đổi những suy nghĩ của mình về một câu hỏi hay một chủ đề theo cặp hay theo các nhóm nhỏ, sau đó yêu cầu đại diện nhóm chia sẻ suy nghĩ với nhóm lớn hơn. Sau khi lắng nghe các câu trả lời/suy nghĩ khác nhau, sinh viên bầu chọn câu trả lời tốt nhất. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể tổ chức hoạt động, trò chơi mới, giúp sinh viên chủ động trong việc học tập và trở thành trung tâm của lớp học. Từ đó, giáo viên sẽ là người quan sát, điều phối, và quản lý các hoạt động, và không khí lớp học sẽ luôn sinh động, hào hứng và thoải mái.

Thứ ba, đổi mới nội dung bài giảng gắn liền với các vấn đề trong cuộc sống. Chẳng hạn, trong các buổi rèn luyện 4 kỹ năng cơ bản, giảng viên có thể lựa chọn một chủ đề về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu. Với chủ đề này, giảng viên có thể lấy rất nhiều bài viết, các videos phân tích của các chuyên gia trên các tờ báo quốc tế. Bằng việc sử dụng các tư liệu này, vừa tạo sự hứng thú về nội dung vì đây là vấn đề nóng, vừa giúp sinh viên được các kỹ năng nghe nói đọc viết, thu nạp thêm kiến thức kinh tế tài chính và đặc biệt là tiếp cận được rất nhiều từ mới phái sinh vừa được cập nhật mà không có trong từ điển.

Thứ tư, chú trọng sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong giảng dạy. Việc sử dụng các công nghệ, các phương thức hỗ trợ công nghệ hiện đại bằng sự tương tác trực tiếp sẽ hỗ không chỉ giúp sinh viên học hỏi nhanh dễ dàng mà giảng viên cũng sẽ không áp lực nhiều về giáo án. Chẳng hạn, khi trao đổi về một vấn đề lao động việc làm trên thế giới, thông qua hình thức live stream với một chuyên gia, một người dân bất kỳ (có thể là bạn bè qua mạng của giáo viên hoặc sinh viên) để trao đổi trực tiếp về vấn đề đó, vừa sinh động, vừa thực tế hơn rất nhiều.

Tài liệu tham khảo:

  1. Lập Phương (2017), Những thay đổi tích cực, hiệu quả trong dạy học ngoại ngữ ở đại học, Báo Giáo dục Thời đại;
  2. Lê Hoàng Duy Thuần, Đổi mới công tác giảng dạy ở bộ môn thực hành tiếng, Đại học Nha Trang;
  3. Nguyễn Thị Thúy Hồng, Làm thế nào để vượt qua thách thức khi đào tạo tiếng anh theo chuẩn toeic, Đại học Nha Trang;
  4. Một số website: moet.gov.vn, giaoducthoidai.vn, ntu.edu.vn...